Nhân lực có thế mạnh về chuyên môn, kỹ năng và giàu kinh nghiệm sẽ có cơ hội trúng tuyển vào các tập đoàn lớn. Thế nhưng không ít ứng viên vẫn bị các tập đoàn lớn loại ngay từ “vòng gửi xe” do vốn ngoại ngữ hạn hẹp.
Tiêu chí tuyển dụng nhân tài của các “ông lớn”
Với xu thế toàn cầu hóa, ngoài kinh nghiệm, học vấn thì tiếng Anh quốc tế TOEIC là một trong những tiêu chí tuyển dụng hàng đầu tại các tập đoàn lớn. Thật không quá khi nói, có tiếng Anh ứng viên đã có thể “bước một chân” vào các doanh nghiệp này.
Trên thế giới có rất nhiều “ông lớn” lấy tiếng Anh làm kim chỉ nam trong việc tuyển dụng nhân tài. Packard Bell - Doanh nghiệp hàng đầu về CNTT tại Pháp, điểm thi TOEIC là một phần quyết định đến việc đậu rớt của ứng viên khi thi tuyển vào công ty này.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) – Tổ chức tài chính hàng đầu thế giới lựa chọn TOEIC làm tiêu chuẩn tuyển dụng, tất cả ứng viên ứng tuyển vào World Bank, sau khi vượt qua phần thi chuyên môn sẽ phải tham gia thi bài thi tiếng Anh quốc tế TOEIC. Bởi tỷ lệ cạnh tranh trong ngân hàng ngày càng gia tăng, cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ các ngân hàng phải chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài, các nhà cung cấp dịch vụ để bắt kịp xu hướng mới. Chính vì vậy nhân sự muốn tồn tại và phát triển trong ngành này bắt buộc phải có tiếng Anh.
Tại Việt Nam, nhu cầu thanh toán quốc tế ngày càng gia tăng, ngân hàng lớn như Vietcombank có thị phần thanh toán trực tuyến 96% bằng thẻ quốc tế, chấp nhận thanh toán 7 thương hiệu thẻ quốc tế lớn nhất thế giới là American Express, Visa, MasterCard, JCB, Diners Club, Discover và UnionPay thì tiếng Anh là yêu cầu hàng đầu đối với các nhân viên tại ngân hàng này. Đây cũng là ngân hàng đòi hỏi trình độ tiếng Anh “gắt” đối với các ứng viên khi thi tuyển đầu vào - TOEIC 650.
Ở nước láng giềng Thái Lan, Thai Airways International cũng đã đưa bài thi tiếng Anh TOEIC vào xét tuyển hồ sơ ứng viên. Tương tự, tại Kenwood Electronics (Malaysia), các nhân viên muốn gia nhập công ty này đều phải cung cấp được chứng chỉ TOEIC.
TOEIC – “Chìa khóa vạn năng” mở cửa các doanh nghiệp
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người sử dụng nhiều hơn một ngôn ngữ thường thông minh, có tư duy logic, sáng tạo hơn. Đặc biệt, giao tiếp đa ngôn ngữ hiệu quả cũng thúc đẩy năng suất và mở ra những cơ hội mới trong việc làm cũng như các dự án toàn cầu.
Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng tiếng Anh có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu quả làm việc. 95% nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao hơn đến 30% cho ứng viên thành thạo tiếng Anh. Bà Vân Anh – Giám đốc nhân sự tại công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam cho biết: "Giữa hai ứng viên có cùng trình độ, khả năng, kinh nghiệm như nhau, chúng tôi luôn ưu tiên lựa chọn những ứng viên giỏi ngoại ngữ. Do công ty chúng tôi sử dụng tiếng Anh là chủ yếu trong giao tiếp với công ty mẹ ở Anh, thường xuyên gặp gỡ các đối tác nước ngoài và tổ chức nhiều sự kiện mang tính quốc tế.”
Đối với một số ngành khác như IT, tiếng Anh cũng được xem làm phương tiện tiên quyết để làm việc. Theo một cuộc khảo sát qua mạng, hơn 90% khẳng định không có ngoại ngữ dân IT không thể làm việc được. Do nhân viên IT bắt buộc phải cập nhập thường xuyên thông tin về các công trình nghiên cứu, các thành tựu IT mới để bắt kịp xu thế của thế giới. Hơn thế, dân IT hằng ngày phải làm việc với các phần mềm tiếng Anh, tìm kiếm thông tin trên các web tiếng Anh, tham khảo các sản phẩm bằng tiếng Anh. Không có ngoại ngữ thì không thể tiếp xúc với thông tin và sẽ bị đào thải.
Quang Nam vừa trúng tuyển vào vị trí lập trình viên của FPT Software chia sẻ:”Các vị trí tuyển dụng chuyên ngành CNTT của tôi đều yêu cầu phải có chứng chỉ TOEIC mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. Với 700 TOEIC khi đi phỏng vấn tôi rất tự tin, trả lời được các câu hỏi của nhà tuyển dụng bằng tiếng Anh nên đã được chọn thay vì những ứng cử viên nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng vốn tiếng Anh lại khá hạn chế.”
Thực tế ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam yêu cầu các ứng viên phải có chứng chỉ TOEIC khi tuyển dụng. TOEIC đã và đang được sử dụng làm tiêu chuẩn tuyển dụng, đánh giá nhân viên tại gần 500 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn trên cả nước. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel yêu cầu trình độ tiếng Anh theo 3 mức: TOEIC 800-900 (đối với các vị trị đòi hỏi trình độ tiếng Anh nâng cao), TOEIC 650-700 (đối với các vị trí cần trình độ tiếng Anh thành thạo), và TOEIC 550-605 (đối với các vị trí cần trình độ tiếng Anh cơ bản); Vietnam Airlines yêu cầu cấp lãnh đạo và cán bộ phòng từ TOEIC 600 (với khối kỹ thuật) đến TOEIC 700 (với khối thương mại), TOEIC 450 với nhân viên phục vụ mặt đất và TOEIC 250 với nhân viên nghiệp vụ như kế toán, hành chính; Agribank yêu cầu tối thiểu TOEIC 400 với các vị trí lao động chuyên môn tại các chi nhánh, lao động từ 40 tuổi trở lên, và yêu cầu TOEIC 850 đối với các vị trí trưởng phó ban, phòng tại Trụ sở chính, đơn vị sự nghiệp và thường xuyên phải làm việc với người nước ngoài; Techcombank yêu cầu TOEIC 375-875 tùy từng vị trí; BIDV yêu cầu TOEIC 450 trở lên; FPT yêu cầu nhân viên phải đạt 500 TOEIC tiếng Anh mới đủ điều kiện làm việc; Hãng điện tử LG yêu cầu tiêu chuẩn tiếng Anh phải có TOEIC từ 600 điểm trở lên đối với các vị trí quản lý; Công ty TNHH Canon Việt Nam yêu cầu tối thiểu TOEIC 500 với vị trí nhân viên kế toán;...
Như vậy, có tiếng Anh các ứng viên có thể tự tin bước vào các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp cũng nhờ đó mà nâng cao vị thế cạnh tranh trên thương trường, mở rộng cơ hội giao lưu hợp tác với các đối tác lớn trên toàn thế giới.
Trao đổi về khởi nguồn cho tâm huyết và nỗ lực mang những chuẩn đánh giá quốc tế các kỹ năng nghề nghiệp về Việt Nam, Ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam - Đại diện chính thức và duy nhất của Tổ chức Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) được ủy quyền triển khai bài thi TOEIC tại Việt Nam cho rằng: “Trong xu thế toàn cầu hóa, một nền kinh tế muốn hội nhập quốc tế thì mỗi nhân tố trong đó cần đạt chuẩn quốc tế, một trong những nhân tố quan trọng chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất và nhanh nhất giúp lực lượng lao động Việt Nam hội nhập là trang bị cho họ những năng lực theo chuẩn quốc tế. Đó cũng là điều tôi luôn trăn trở và cũng là lý do IIG Việt Nam đưa những chuẩn mực quốc tế vào Việt Nam, qua đó góp phần nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực nước nhà sánh ngang với thế giới.”
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
0 nhận xét:
Đăng nhận xét