Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Theo tính toán của MBS, nếu TTCK Việt được nâng hạng tỷ trọng 0,3% thì thu hút khoảng 4,5 tỷ USD vào thị trường.



Tại hội thảo “Câu chuyện nâng hạng và triển vọng tươi sáng từ Emerging Market”, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng phòng Phân tích Vĩ mô của CTCP Chứng khoán MB (MBS) đưa ra nhận định TTCK Việt Nam có thể được đưa vào diện theo dõi nâng hạng của MSCI vào tháng 6/2020.

Theo ông Tuấn, triển vọng gia nhập MSCI Emerging Market rất khả quan. Theo kịch bản tích cực của MBS, Việt Nam sẽ được đưa vào diện theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá tháng 6/2020 và sẽ vào diện chính thức được MSCI công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi sớm nhất vào tháng 6/2021.

Ông Tuấn phân tích, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI sẽ phục thuộc vào giá trị vốn hóa và thanh khoản thị trường tại thời điểm được xem xét nâng hạng, do vậy hiện nay vẫn còn quá sớm để ước tính khối lượng vốn sẽ chảy vào thị trường khi MSCI quyết định nâng hạng.

Trên cơ sở dữ liệu và những tính toán sơ bộ của MBS vào thời điểm 28/12/2018, nếu được nâng hạng tỷ trọng 0,3% thì thu hút khoảng 4,5 tỷ USD vào thị trường. Trong đó, những cổ phiếu được các quỹ đầu tư phân bổ vốn là những cổ phiếu lọt rổ thị trưởng mới nổi như VNM, VIC, VHM, HPG…

Đánh giá về động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2019, đại diện MBS cho biết kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với khu vực ASEAN và thị trường mới nổi. Mặt khác, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dự báo vẫn tích cực. Hiện định giá của thị trường Việt so với các nước trong khu vực tương đối thấp, khoảng 13-14x.

Chuyên gia của MBS cũng đưa ra các phân tích về các nhóm cổ phiếu trong năm 2019.

Cổ phiếu bất động sản: Phân khúc nào lên ngôi?

Ngành bất động sản năm rồi có sự trồi sụt khá mạnh so với thị trường. Năm 2019 có gì để nói về ngành bất động sản? Trước tiên là phân khúc đang rất “hot” đó là bất động sản khu công nghiệp. Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta sở hữu những lợi thế hấp dẫn, môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể khi nhảy vọt 24 bậc trong 3 năm, lên vị trí 69 theo World Bank. Chi phí lao động trung bình tại Việt Nam ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Việt Nam ghi nhận khoảng 73% trong khi hơn 90% đất thương phẩm tại Thái Lan đã đi vào khai thác.

11 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ 2017. Điều này đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực.

Samsung, LG và một số tập đoàn lớn khác đã hiện diện hơn 10 năm tại VN, tạo nên nhu cầu thuê lớn tại phía Bắc. Lực lượng lao động đồng bộ và sự thuận lợi tiếp cận các nhà cung ứng đã tạo ra nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất tại khu vực.

Với phân khúc bất động sản căn hộ, MBS cho rằng hấp dẫn ở phân khúc giá rẻ, đây là phân khúc đang dẫn dắt thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM. Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị lớn.

Trong bối cảnh dư thừa nguồn cung cao cấp, hạn chế trong việc vay vốn, phù hợp với mức thu nhập bình quân của người dân thì phân khúc bất động sản giá rẻ là một thị trường vô cùng tiềm năng, rất nhiều người cần có nhu cầu về nhà ở. Vì thế nhiều DN địa ốc đang có những động thái tích cực về phân khúc này. Những DN có quỹ đất nhiều sẽ có lợi thế cạnh tranh.

Cổ phiếu ngân hàng: Tăng vốn và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là yếu tố then chốt để tăng trưởng

Về cổ phiếu ngành ngân hàng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung bình trong năm 2018 và 2019 được dự báo ở mức khiêm tốn, lần lượt đạt 16% và 15%, do phản ứng của cơ quan quản lý khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ và cách tiếp cận thận trọng hơn đối với kiểm soát tín dụng.

Trước những động thái thắt chặt của FED, các Ngân hàng Trung ương châu Á khác cũng thau đổi lập trường chính sách tiền tệ. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng tại Indonesia và Ấn Độ, sau đố lan sang Malaysia và Philippines.

MBS cho rằng triển vọng thu nhập lãi thuần sẽ đi ngang trong năm 2019 do lãi suất tăng, cạnh tranh giữa các ngân hàng bán lẻ, áp lực nợ thứ cấp và việc áp dụng Thông tư 16 vào thực tiễn.

Năm 2019, MBS cho rằng sẽ không còn mức lãi suất liên ngân hàng thấp như hiện tại do chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát đạt mức mục tiêu, lợi suất trái phiếu chính phủ đã chạm đáy từ 12/2017 đến 3/2018. Tăng lãi suất là xu hướng chung của các quốc gia châu Á trong bối cảnh nền kinh tế chịu những tác động tiêu cực từ sự rút vốn, áp lực đối với đồng nội tệ và kỳ vọng lạm phát cao hơn…

Ngân hàng tư nhân đang trong quá trình áp dụng Basel II đã cải thiện tỷ lệ CAR, tỷ lệ sở hữu nước ngoài và nợ thứ cấp. Tăng vốn và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là yếu tố then chốt để tăng trưởng đối với ngân hàng.

Từ quý III/2018, trừ VCB có P/B (giá cổ phiếu/giá sổ sách) trung bình 2,57x (, cổ phiếu các ngân hàng khác được giao dịch với P/B khoảng từ 1,06-2,59x. Cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong cải thiện P/B của VN-Index . MBS dự phóng P/B cho cả năm 2019 là 2,12x.

Cổ phiếu hàng tiêu dùng và bán lẻ: 6 xu hướng chính

Về cổ phiếu hàng tiêu dùng, bán lẻ, theo dự báo của the Economist Inteligent, tỷ trọng hộ gia đình có thu nhập hơn 10.000 USD tại VN sẽ tăng trưởng từ 12% năm 2016 lên 17% năm 2021. Do đó, chí phí và chất lượng của rổ hàng hóa tiêu dùng trung bình sẽ tăng lên khi người tiêu dùng ngày càng trở nên giàu có và mua nhiều xa xỉ phẩm hơn.

Dân số đang già hóa với số người trên 60 tuổi gia tăng từ 6,9 triệu người năm 2000 lên 12,3 triệu người năm 2020, chiếm 12,5% tổng dân số. Tuổi thọ người dân được cải thiện tạo ra nhu cầu đối với những sản phẩm giúp mở rộng cuộc sống.

Với sự gia tăng mạnh mẽ của điện thoại thông minh và nhu cầu sử dụng internet, truyền thông mạng xã hội đang dần định hình lối sống của thế hệ trẻ VN – những người mong muốn trở nên độc đáo và tự đưa ra quyết định dưới sự dẫn dắt của truyền thông. Vì vậy chủ nghĩa cá nhân đang phát triển một cách mạnh mẽ như một xu hướng mới của hành vi tiêu dùng. Mọi người có xu hướng sử dụng những hàng hóa dịch vụ cao cấp nhằm thỏa mãn cá tính của họ.

Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, VN vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng đô thị hóa cao nhất trong khu vực, dự báo đạt 2,6% cho giai đoạn 2015-2020. Tỷ lệ đô thị hóa cao sẽ dẫn đến càng có nhiều người tiêu dùng thành thị, đây là yếu tố giúp thay đổi các kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại.

Tác động bởi các yếu tố trên, người tiêu dùng VN hiện đang chi tiêu nhiều hơn cho các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của họ và cắt giảm những hoạt động tiêu dùng khác. Đây là làn sóng “cao cấp hóa”- động lực của 6 xu hướng chính trong ngành tiêu dùng và bán lẻ tại VN.

Bao gồm sản phẩm mang đến cảm giác thành công cho người tiêu dùng; thực phẩm lành mạnh như thực phẩm tự nhiên và hữu cơ ngày càng được ưa chuộng; truyền thông xã hội đẩy mạnh sở thích cá nhân; thị hiếu người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, tạo áp lực hàng hóa lên cả sản phẩm trung và cao cấp; tăng trưởng mô hình bán lẻ hiện đại là kết quả của tăng trưởng đô thị hóa; thương mại điện tử trở thành lênh mua sắm phổ biến mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét