Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Trong bối cảnh cả Apple lẫn chuỗi cung ứng đều lao đao vì doanh số iPhone suy giảm, Apple mong muốn các nhà sản xuất có thể san sẻ bớt phần nào gánh nặng với Apple về chi phí linh kiện bằng việc hạ giá linh kiện khoảng 10%.


Sau khi Apple bất ngờ hạ dự báo doanh thu iPhone trong Q4/2018 xuống thấp hơn 9 tỷ USD (từ 93 tỷ USD xuống chỉ còn 84 tỷ USD), hàng loạt các nhà sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng của Apple đơn cử như Foxconn, Pegatron, Japna Display hay cả TSMC đã ghi nhận tình trạng sut giảm doanh thu trông thấy.

Cụ thể, doanh thu tháng 12/2018 của Foxconn đã giảm 8,27% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 20 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu của TSMC chỉ tăng nhẹ 0,07% và đạt 2,9 tỷ USD, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 3 tháng.

Nhà sản xuất ống kính camera cho iPhone là Largean Precision cũng ghi nhận tình trạng sụt giảm doanh thu tới 33,86% trong tháng 12/2018. Riêng Pegatron chứng kiến doanh số tháng 12/2018 tăng 18,59% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng doanh thu lại giảm tới gần 40% so với tháng 11 trước đó.

Tất nhiên đây là sự cố không ai muốn và Apple quả thực đang rất bối rối giữa hai lựa chọn là cắt giảm sản lượng iPhone và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chuỗi cung ứng đã đồng hành với họ trong thời gian dài.

Ngoài cách cắt giảm sản lượng hay hạ giá bán iPhone, Apple đang dự định sẽ kêu gọi chuỗi cung ứng có thể "san sẻ" phần nào gánh nặng mà Táo Khuyết đang phải gánh chịu.

Theo nhật báo Nikkei, Apple mới đây đã kêu gọi các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng hạ giá bán linh kiện iPhone xuống 10%. Động thái này của Apple rõ ràng nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất, qua đó dành nguồn tiền cho các hoạt động tiếp thị và kích cầu.

Nhưng tất nhiên quyền quyết định có hạ giá linh kiện xuống hay không vẫn còn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng. Nếu Apple có thể thuyết phục thành công, hãng sẽ có cơ hội sản xuất iPhone với giá bán rẻ hơn, qua đó giúp cải thiện lòng tin và thu hút thêm khách hàng.

Cách đây không lâu, CEO Tim Cook đã chia sẻ về lý do hạ dự báo doanh thu iPhone. Một trong những nguyên nhân mà Cook nhắc đến là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Sự căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế thế giới đã khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tác động nghiêm trọng, dẫn tới suy giảm tốc độ tăng trưởng và ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Khi nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống, người dân sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn và không dễ dể bỏ một số tiền lớn cho một chiếc iPhone có giá lên tới cả ngàn đô. Thậm chí ngay cả model thấp nhất iPhone XR cũng có giá bán lên tới 950 USD tại thị trường Trung Quốc thì việc người mua không mặn mà với iPhone cũng là điều dễ hiểu.

Hiện nay, Apple đang tích cực triển khai nhiều chương trình và kế hoạch bán iPhone mới trong năm 2019. Một trong số đó là cố gắng hạ giá iPhone xuống thấp hơn tại Trung Quốc, thị trường chủ lực của Táo Khuyết hiện nay.

Apple hiểu rằng giá bán chính là nguyên nhân khiến doanh số iPhone sụt giảm và tất nhiên sai đâu thì sửa đó. Hy vọng cùng với việc đàm phán thành công với chuỗi cung ứng và hạ giá bán iPhone, Apple có thể dần lấy lại được niềm tin của khách hàng như trước kia.

Tuy nhiên Apple có làm được hay không thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi có nhiều nhà phân tích cho rằng, Apple sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh số iPhone trong suốt năm 2019.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét