Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

"Trong chiến lược phát triển của Samsung, Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng là cứ điểm toàn cầu trong sản xuất mà còn với các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D", đại diện Samsung Việt Nam nói với Trí Thức Trẻ.


Khi đặt câu hỏi cho đại diện Samsung Việt Nam về kết quả kinh doanh mới nhất của Tập đoàn, lãnh đạo Samsung không trực tiếp đưa ra câu trả lời. Thay vào đó, đại diện Samsung dẫn lại số liệu cho biết kim ngạch xuất khẩu của Tổ hợp Samsung Việt Nam năm 2018 tăng hơn 10% so với năm 2017, đạt khoảng 60 tỷ USD, đóng góp khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Về dự kiến tốc độ tăng trưởng của Samsung tại Việt Nam trong năm 2019, phía Samsung nói rằng trong năm 2018, tổng số sản phẩm bao gồm: smartphone, máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh và điện thoại phổ thông được sản xuất tại các nhà máy của Samsung Việt Nam là hơn 160 triệu sản phẩm.

"Trong năm 2019, trước bối cảnh sụt giảm chung của thị trường điện thoại toàn cầu, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng để giữ sản lượng ổn định", đại diện Samsung nói.

Samsung Việt Nam cũng nêu quan điểm về đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp ông Phó Chủ tịch Tập đoàn Lee Jea Yong, là biến Việt Nam thành cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu.

"Hiện Việt Nam đã là cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu của Samsung. Trong 10 năm qua, chúng tôi đã đặt trọng tâm vào việc phát triển sản xuất sản phẩm điện tử, bao gồm cả linh phụ kiện tại Việt Nam", đại diện Samsung cho biết.

Với tổng vốn đầu tư 17,3 tỷ USD, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam hiện bao gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu & Phát triển, trong đó Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, Samsung Electronis HCMC CE Complex (SEHC) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC) là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á

"Trong chiến lược phát triển của Samsung, Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng là cứ điểm toàn cầu trong sản xuất mà còn với các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D", vị này nhấn mạnh.

Chính vì vậy, theo vị này, smartphone mới thuộc dòng A là Galaxy A7 vừa được ra mắt hồi tháng 10/2018 đã khẳng định vị trí của những kỹ sư Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển phần mềm hoàn chỉnh cho một mẫu điện thoại của hãng.

"Đây là lần đầu tiên, những kỹ sư người Việt Nam tham gia quản lý và phát triển toàn bộ phần mềm cho một mẫu điện thoại chiến lược cận cao cấp của Samsung, chỉ đứng sau các dòng Flagship như Galaxy S và Note", vị này nói.

Hay đối với SVMC, vị này cho biết hiện đã đảm nhiệm nhiều dư án quan trọng, quản lý việc phát triển toàn bộ hệ thống phần mềm gốc và điều phối các trung tâm R&D khác của Samsung trên toàn cầu cùng tham gia.

SVMC cũng sẽ tiến tới trở thành Trung tâm R&D có vị trí quan trọng bậc nhất của tập đoàn trên toàn cầu. Nhân lực của Trung tâm nghiên cứu và phát triển SVMC là 2.050 người hiện nay và dự tính đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên là 3.000 người.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét