Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Theo Cục Thú y, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 22 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn đã bị tiêu hủy là gần 70.000 con...



Hiện giá lợn hơi đang giảm mạnh nên các doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi lợn đề xuất thành lập các địa điểm phân phối thịt lợn an toàn ở siêu thị, điểm bán lẻ để kích thích tiêu dùng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có cuộc họp với các tập đoàn, trang trại chăn nuôi lợn, bàn giải pháp kiểm soát an toàn cơ sở giống và ngành hàng thịt lợn.

Theo đó, năm 2018 tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,8 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% tổng sản lượng thịt các loại.

Hiện, cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi với tổng đàn khoảng 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ khoảng 49% tổng đàn và chiếm khoảng 40% sản lượng thịt lợn hơi cả nước.

Tổng số trang trại chăn nuôi lợn hiện khoảng 10.167 trang trại, với số đầu lợn trên 14,4 triệu con. Ngoài ra, Việt Nam còn 3,97 triệu lợn nái sinh sản và 76.000 lợn đực giống.

Còn theo số liệu của Cục Thú y, tính đến nay đã có 59 quốc gia phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã xuất hiện tại 22 tỉnh, thành phố với tổng số lợn đã bị tiêu hủy là gần 70.000 con.

Thực tế, giá lợn hơi đã giảm mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, trong 20 ngày đầu tháng 3/2019, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg. Giá lợn tại công ty chăn nuôi lớn dao động trong khoảng 34.000 - 36.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá giao dịch trong mức 32.000 - 41.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 39.000 - 45.000 đồng/kg. Ở nhiều nơi, lượng thịt lợn tiêu thụ đã giảm 50% so với bình thường.

Trước tình trạng này, đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi là quá trình lâu dài không thể một sớm, một chiều nên đề xuất thành lập các địa điểm phân phối thịt lợn an toàn ở siêu thị, điểm bán lẻ, nhất là khu vực nông thôn để kích thích tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nguồn thịt đảm bảo an toàn thực phẩm, có lộ trình cấm giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích xây dựng lò mổ tập trung.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, dịch tả lợn châu Phi đang có những tác động chưa từng có, cực kỳ đặc hữu cho lợn, trong khi thế giới lại chưa có vắc-xin. Và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn với khả năng bắt nhịp rất tốt về công nghệ, kỹ thuật, tổ chức và quản trị về ngành chăn nuôi lợn, sẽ đóng vai trò hạt nhân, giữ đàn lợn giống, để bảo đảm phục hồi nguồn cung. Do đó bằng mọi giá phải kiểm soát chặt dịch tả lợn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng cho rằng, với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc đang bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành thì giá lợn thời gian tới sẽ có xu hướng tăng, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất lớn. Cho nên nếu tổ chức làm tốt thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam trong tương lai.

Riêng về giải pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, ông Cường khẳng định an toàn sinh học là đích đến cuối cùng. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp tổng rà soát các giải pháp an toàn sinh học, bảo đảm cao nhất điều kiện chuồng trại, cơ sở vật chất, quy trình kỹ thuật, cũng như tổ chức sản xuất, khâu giám sát tập thể.

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp tìm giải pháp bình ổn thị trường, làm sao để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét