Một ý tưởng tuyệt vời: xanh, sạch, hiệu quả, và cả Trái đất đang thực sự cần đến nó.
Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, nguồn nước trên thế giới cũng ngày càng trở nên ô nhiễm hơn. Không chỉ bởi rác nhựa, nguồn gây ô nhiễm còn là hóa chất, mỹ phẩm, thuốc trừ sâu, và các vụ tai nạn tràn dầu.
Thực tế là loài người đã dùng các nguồn nước như một "bãi rác" khổng lồ để giải quyết chất thải công nghiệp, hóa học... quá lâu rồi. Chẳng mấy chốc sẽ chẳng còn nổi một con sông, thậm chí là một cái hồ nào được xem là "sạch" nữa cả.
Mariano Morikawa - một nhà khoa học tại Peru - là một trong những người nhận ra sự thật này. Anh quyết định bản thân phải hành động, sau khi chứng kiến cái hồ gắn liền với tuổi thơ của mình bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Mariano Morikawa
Ý tưởng làm sạch nước thiên tài từ cái hồ của tuổi thơ
Trước khi nhận ra hồ Cascajo Wetlands (El Cascajo) bị ô nhiễm trầm trọng, Marino Morikawa đang làm việc tại Nhật Bản. Anh lập tức từ bỏ công việc nghiên cứu tại đất nước Mặt trời mọc để quay về quê nhà.
Theo những gì Marino mô tả thì sau 20 năm, cái hồ lúc này trông giống "một cái ao bị oxi hóa". Nước hồ bốc mùi thậm tệ, trong khi cả vùng đất ngập nước rộng 150ha ngày trước nay đã bị thu hẹp chỉ còn 40ha.
Chứng kiến cảnh tượng này, Marino biết mình phải làm một điều gì đó. Sở hữu tấm bằng thạc sĩ ngành khoa học công nghiệp sinh học, anh vận dụng mọi hiểu biết của mình về vấn đề kiểm soát chất lượng nước, nhằm phát minh ra một công nghệ mới giúp hồi sinh hồ El Cascajo.
Sử dụng tiền túi và vay mượn thêm ngân hàng, Marino đưa ra ý tưởng về một hệ thống sủi bọt nano để bơm bong bóng cỡ vài micromet (gọi là microbubble) vào nước bẩn, kết hợp cùng bộ lọc sinh học.
"Bong bóng cỡ micro-nano có từ trường chứa các ion âm và dương, hoạt động như một chiếc nam châm. Khi nổi lên mặt nước, chúng sẽ hút theo cả virus và vi khuẩn, giống như bị dính vào mạng nhện vậy," - Marino giải thích.
Marino đã mất 6 tháng để hoàn thành công nghệ đặc biệt này, và sau đó mất thêm 4 tháng nữa để giải quyết toàn bộ khu hồ. Kết quả, những đàn chim di trú từ lâu đã rời bỏ El Cascajo nay đã quay trở lại, cộng thêm ít nhất 10 loài cá khác đã xuất hiện tại đây.
Không dừng lại ở đây, Marino còn tìm cách nâng cao nhận thức của người dân tại Peru, chỉ cho họ thấy anh đã làm gì, và tất cả có thể làm gì cho môi trường. Kết quả, nhà khoa học có được một đội ngũ tình nguyện viên năng nổ, giúp đỡ anh làm sạch nhiều khu hồ khác.
Một phát minh đắt đỏ, nhưng cực kỳ hiệu quả và sạch
Theo Marino, công nghệ anh tạo ra có giá không rẻ, nhưng hoàn toàn xứng đáng. Dung dịch tạo bong bóng bơm vào nước hoàn toàn từ nguyên liệu hữu cơ, thậm chí có thể uống được. Điểm đặc biệt là nó chỉ thu hút những vi khuẩn và ký sinh trùng "xấu", còn lợi khuẩn thì vẫn được giữ lại.
Nói cách khác, phát minh của Marino chính là giải pháp mà cả thế giới đang cần.
Marino cho biết, anh đang có tham vọng giải quyết toàn bộ những khu hồ bị ô nhiễm tại Peru bằng phát minh của mình. Chưa rõ anh có làm được không, nhưng hiện tại kế hoạch ấy đang diễn ra suôn sẻ và được rất nhiều người ủng hộ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét