Phil Fisher – Ông tổ của phương pháp đầu tư giá trị đưa ra tiêu chí chọn cổ phiếu như thế nào?
Fisher chính là cha đẻ của học thuyết đầu tư tăng trưởng và là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại trên thị trường chứng khoán với cuốn sách nổi tiếng "Cổ phiếu thường, Lợi nhuận phi thường".
Philip Arthur Fisher (8/9/1907 – 11/03/2004) là nhà đầu tư chứng khoán Mỹ nổi tiếng. Ông cũng là cha đẻ của học thuyết đầu tư tăng trưởng và là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại trên thị trường chứng khoán. Triết lý đầu tư của ông không chỉ được nhiều chuyên gia hiện đại nghiên cứu và áp dụng mà còn được rất nhiều nhà đầu tư coi đó là cẩm nang dẫn đường cho bản thân.
Những triết lý này đã được tập hợp trong cuốn sách nổi tiếng của ông: Cổ phiếu thường - Lợi nhuận phi thường (Common Stocks and Uncommon Profits), một trong những giáo trình đầu tư kinh điển dành cho các nhà đầu tư hiện đại.
Tuy nhiên về đời sống cá nhân, tác giả cũng là người rất riêng tư, ít chịu phỏng vấn và rất kén chọn khách hàng của mình. Ông không nổi tiếng đối với công chúng cho đến khi xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình năm 1958.
Bên cạnh đó, ông còn được coi là người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư tăng trưởng, đồng sáng lập thuyết đầu tư hiện đại và là một trong những nhà đầu tư rất thành công của thời đại. Tờ Morning Star từng gọi ông là " một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại". Bản thân tỉ phú lừng danh Warren Buffett cũng từng thừa nhận 15% quan điểm đầu tư của ông được kế thừa từ Fisher.
Năm 1982, ông bắt đầu sự nghiệp chuyên gia phân tích chứng khoán của mình. Sự nghiệp của Philip Fisher bắt đầu khi ông bỏ trường kinh doanh Stanford để trở thành nhà phân tích chứng khoán tại ngân hàng Anglo-London ở San Francisco. Năm 1931, ông thành lập công ty quản lý quỹ Fisher & Company - một công ty tư vấn đầu tư. Fisher quản lý các công việc của công ty cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1999 ở tuổi 91. Khoản đầu tư nổi tiếng nhất của ông là những cổ phiếu của Motorola mà ông mua từ những năm 1955 khi doanh nghiệp thời điểm đó mới chỉ là nhà sản xuất radio và nắm giữ nó cho tới tận khi qua đời.
Fisher đã lập ra một danh sách gồm 15 điều cần tìm kiếm đối với 1 cổ phiếu thông thường và tập trung vào 2 loại: chất lượng quản lý và đặc điểm của doanh nghiệp.
Phẩm chất quản lý quan trọng của công ty cần có là: quản lý toàn diện, kế toán thận trọng, triển vọng dài hạn tốt, cởi mở để thay đổi, kiểm soát tài chính xuất sắc, và các chính sách nhân sự tốt.
Đặc điểm kinh doanh quan trọng sẽ bao gồm: định hướng tăng trưởng, lợi nhuận cao, lợi nhuận trên vốn cao, cam kết nghiên cứu và phát triển, hệ thống phân phối bán hàng tốt, vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp và sở hữu các sản phẩm hay dịch vụ độc quyền.
Fisher & Company do ông sáng lập và đứng đầu, nhờ cách thức nghiên cứu cẩn thận trong đầu tư này mà các khách hàng chịu khó nghe những lời tư vấn từ ông từng đạt tỷ lệ sinh lới gấp hai lần chỉ số S&P 500, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Và tất nhiên, nguyên tắc đầu tư của ông chỉ gói gọn trong điều cơ bản dưới đây:
1. Sử dụng phương pháp "lời đồn đại"
Fisher đã chỉ ra cho các nhà đầu tư cách thức tìm nguồn thông tin xác thực để đầu tư với rủi ro thấp nhất nhưng thu lợi nhuận cao nhất. Đối với cá nhân ông "để đầu tư thành công, thông tin luôn có một vai trò nhất định để ra quyết định có hay không nên bỏ vốn". Nguồn thông tin đó không nằm trên Phố Wall nơi chứa đựng vô số những cơn đồng bóng, những mốt nhất thời khiến chúng ta không thể xác định nổi đâu là giá trị thực của một cổ phiếu.
Không chạy theo đám đông, thay vào đó tìm kiếm, nghe ngóng nguồn thông tin từ các đối tác, đối thủ cạnh tranh, ngân hàng cho vay, các khách hàng… của công ty mục tiêu, đó mới chính là nơi để chúng ta kiếm tìm những nguồn thông tin cần thiết giúp đưa ra nhận định chính xác.
2. Đầu tư theo bộ kim chỉ nam dành riêng cho chọn lọc cổ phiếu tăng trưởng
Bên cạnh phương pháp " lời đồn đại", ông cũng chỉ ra rằng có hai cách để thu được lợi nhuận đầu tư lớn nhất: "Thứ nhất là mua cổ phiếu khi thị trường đi xuống và đợi lúc thị trường hồi phục hoặc áp dụng cách thứ hai ít rủi ro hơn và lợi nhuận tiềm năng lớn hơn, đó là đầu tư vào một số công ty đang tăng trưởng liên tục và thu lợi nhuận hàng năm". Để tìm được chính xác những công ty như vậy, ông cũng đưa ra một số luận điểm lựa chọn cổ phiếu và những thành tố cần có cho một khoản đầu tư hiệu quả như :
-Bộ máy quản lý của công ty có đủ quyết tâm để tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm hay những quy trình sản xuất, nhằm gia tăng hơn nữa tổng doanh thu trong khi tiềm năng tăng trưởng của các dòng sản phẩm hấp dẫn hiện tại đã bị khai thác quá nhiều?
-Liệu những sản phẩm và dịch vụ của công ty có đủ tiềm năng để phát triển trong một thị trường đủ lớn, đảm bảo doanh thu sẽ tăng trong một vài năm tới hay không?
-Biên lợi nhuận của công ty có đủ cao không?
-Công ty đang làm gì để duy trì hoặc cải thiện biên lợi nhuận?
-Công ty có kiểm soát tốt hệ thống kế toán và phân tích chi phí không?
-Công ty có chú ý đến những khía cạnh kinh doanh tương đối khác biệt với tính chất của ngành – những khía cạnh kinh doanh mang lại cho nhà đầu tư những đầu mối quan trọng về mức độ nổi trội của công ty so với đối thủ cạnh tranh không?
-Trong tương lai, nếu công ty có dự tính tăng trưởng dựa trên việc tăng vốn cổ phần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, thì lợi ích của các cổ đông hiện tại có giảm sút không?
Bộ các quy tắc lựa chọn cổ phiếu này mang lại thành công trong dài hạn cho Philip A. Fisher và là kim chỉ nam cho nhiều nhà đầu tư suốt nhiều năm qua. Có thể thấy rằng Philip A. Fisher chính là cha đẻ của học thuyết đầu tư tăng trưởng và là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại trên thị trường chứng khoán. Một trong những học trò xuất sắc đã kế thừa thành công di sản của ông nổi tiếng nhất chính là Warren Buffett .
Quay trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, có lẽ những bài học của ông chưa bao giờ cũ đi. Hiện nay, các nhà đầu tư chứng khoán đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro, nhưng đồng thời họ cũng có nhiều cơ hội và tiềm năng để trở nên giàu có, thành công ngoài sức tưởng tượng.
Triết lý đầu tư của Philip sẽ chỉ ra một hướng đầu tư vững chắc nhất để đi tới thành công, đó là đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng, cũng như giúp các nhà đầu tư giữ vững niềm tin và lập trường đầu tư trong một thị trường chứng khoán tuy non trẻ và đầy biến động nhưng rất tiềm năng như Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét