Giữa thế giới bóng đá đầy rẫy kim tiền và thù địch, HLV huyền thoại của Leicester City giống như một hiện tượng khác biệt với tính cách và triết lý sống cao cả.
Ngày 2/5/2016 sẽ mãi được nhớ đến như một trong những khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong lịch sử thể thao.Đấy không đơn giản chỉ là một đội bóng tí hon đánh bại một gã khổng lồ, một tay đấm "bình dân" quật ngã nhà vô địch hạng nặng.
Đấy là chuyện về một CLB với tổng ngân sách còn thua xa hợp đồng quảng cáo áo đấu của Man Utd, một CLB mà lần gần nhất họ giành một danh hiệu lớn đã là 132 năm về trước, một CLB mà tổng giá trị đội hình chính chỉ đủ trả một phần tư chi phí chuyển nhượng cho Paul Pogba, một CLB mà mới trước đó ít lâu còn đối diện với thảm cảnh rớt hạng chính thức trở thành nhà vô địch của giải đấu hay nhất, khó khăn nhất hành tinh.
Ranieri và các cầu thủ Leicester đã làm nên một trong những điển tích của thể thaothế giới.
Khi tiếng còi mãn cuộc trận derby giữa Chelsea và Tottenhem vang lên, tỷ số hòa 2-2 chung cuộc đã chính thức mang Leicester City lên ngôi vương Ngoại hạng Anh. Cả nước Anh, thậm chí là thế giới gần như phát rồ. Băng thông Twitter trở nên quá tải khi lượng người tương tác tăng 86% so với ngày thường. Mọi người tràn ra đường, hướng về sân vận động King Power. Hai con đường The Raw và Aylestone chật ních người là người, trong "cuộc kẹt xe vui nhất thế giới" theo lời của nhà báo Jonathan Northcroft. Northcroft cũng là người ghi lại chặng đường kỳ diệu của Leicester trong cuốn sách vừa phát hành mang tên: "FearLess" (tạm dịch: Không biết sợ).
Trước nhà riêng của Jamie Vardy ở Melton Mowbray, một đám đông 3.000 người đang tụ tập, bởi họ biết toàn bộ đội hình Leciester đang ở bên trong để theo dõi trực tiếp trận derby London nêu trên. Và khi dứt trận, các cầu thủ đã ăn mừng điên loạn. Những hình ảnh đầy cảm xúc ấy đã được hậu vệ Christian Fuchs ghi lại trên chiếc điện thoại và sau đó trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.
Cách nhà Vardy khoảng vài chục cây số là một quang cảnh hoàn toàn trái ngược. Ở nhà riêng của mình, Claudio Ranieri cũng xem trận đấu với Rosanna, người vợ đã chung sống với ông suốt 40 năm. Ông làm gì sau khi trận đấu khép lại và Leicester chính thức trở thành tân vương của giải Ngoại hạng Anh? Câu trả lời thật bất ngờ: không làm gì cả.
"Vâng, không làm gì cả. Anh không tin tôi ư? Hôm ấy tôi ở nhà với vợ và hai người trợ lý Italia," Ranieri tâm sự với tờ The Times. "Lúc hết trận, các trợ lý của tôi về nhà, tôi và vợ tiếp tục ngồi xem truyền hình. Chúng tôi tách mình ra khỏi những cuộc vui của cầu thủ, của thành phố, hoàn toàn không dính líu gì. Chúng tôi là những nhà vô địch trong nhà. Hôm sau, bạn bè hỏi chúng tôi: Thế hôm qua hai vợ chồng ăn mừng kiểu gì? Tôi trả lời là bọn tôi... đi ngủ".
Thoáng thấy sự ngạc nhiên trên gương mặt của phóng viên tờ The Times, Ranieri nói thêm: "Ừ, chúng tôi có hơi lạ lùng. Khi còn trẻ, tôi từng giúp Cagliari vô địch giải Serie C (sau đó Ranieri tiếp tục ở lại và mang CLB này thăng hạng Serie A). Cả thành phố đều ăn mừng, nhưng tôi thì không. Tôi thích là người đứng ngoài ở mỗi cuộc vui. Ngày ấy, đứa con gái nhỏ của tôi mới 5 tuổi. Tôi đeo mắt kính, công kênh con gái lên vai để xem mọi người nhảy múa. Tôi đứng khá xa đám đông. Thật lạ khi chỉ khi đứng ngoài, tôi mới cảm nhận được niềm vui. Tôi hạnh phúc hơn bất kỳ ai ấy chứ, nhưng tôi không giỏi trong việc bộc lộ cảm xúc. Tôi rời đó sau một giờ đồng hồ bởi có người nhận ra tôi. Vốn ngại náo nhiệt, và thế là tôi về nhà".
Chức vô địch Ngoại hạng Anh là đỉnh cao trong sự nghiệp của Ranieri, nhưng đó không phải là thứ duy nhất người ta trân trọng khi nói về ông.
Những người tiếp xúc với Ranieri đều có chung nhận xét: ông là một người ấm áp, có lối nói chuyện thân cận như chú bác nói chuyện với con cháu, nhưng ông cũng thâm trầm và sâu sắc. Nếu như ông chủ động tách ra khi đội nhà thắng trận thì khi thất bại, ông lại muốn mình ở gần cầu thủ, nói với họ là mọi thứ đều ổn. Bởi vì thất bại với ông sẽ không phải là thảm họa nếu như đã nỗ lực đến tận cùng. Ranieri nói: "Sau một trận thua, tôi về nhà và lập tức chìm vào giấc ngủ. Tôi chỉ việc khép mắt lại là ngủ. Nếu bạn giết tôi, có lẽ tôi sẽ chết khi máu chưa kịp chảy ra. Thực lòng mà nói tôi không giữ chút buồn bã hay ấm ức nào khi thua trận. Khi chúng tôi để thua Arsenal mùa trước (Arsenal ghi bàn ấn định tỷ số trong thời gian bù giờ), các cầu thủ đã chơi một trận xuất sắc. Và tôi đã nói với họ: Đừng lo lắng gì cả, cứ việc đá như hôm nay, đi theo con đường này. Tôi chỉ không chịu nổi khi các cầu thủ để thua vì không chịu chiến đấu, không chịu tận lực. Điều ấy mới giết chết tôi".
"Tận nhân lực, tri thiên mệnh" là triết lý bóng đá của Ranieri, nếu bạn dụng tâm theo dõi những bài phát biểu của Ranieri mùa trước. Với nhà cầm quân người Italy, đấy còn là một triết lý sống. Ông nói: "Tôi thích những bộ phim đầy sức mạnh. Gladiator, Braveheart... Những bộ phim mà người ta sát cánh với nhau trong một cuộc chiến. Trong bóng đá, khi 11 cầu thủ đã cùng nhau chiến đấu, họ rất khó bị đánh bại. Vấn đề là ở hầu hết những đội bóng, chỉ có 7 hoặc tối đa 8 người có tinh thần này. Mùa trước, điều làm tôi thích nhất là (Riyad) Mahrez hay (Shinji) Okazaki liên tục lui về hỗ trợ phòng ngự. Tôi nói với họ: khi đang tấn công, hãy cứ di chuyển tự do đến nơi mình thích, nhưng khi mất bóng, hãy lui về. Là ai không quan trọng, chúng ta cần nhân sự để bảo vệ lâu đài, và càng đông thì càng tốt chứ sao".
Sự đoàn kết của Leicester mùa trước quả thực là một câu chuyện rất đẹp. Có cảm giác như toàn đội được kết nối thông qua một sức mạnh vô hình nào đó. Nhiều người gọi thành công của Leicester là một cuộc cách mạng. Trên thực tế, Ranieri thay đổi rất ít để tạo ra sự khác biệt to lớn. Ông nói: "Khi đến Leicester, điều đầu tiên tôi làm là quan sát. Tôi không thay đổi gì mà không có lý do xác đáng. Đấy là nguyên tắc làm việc của tôi. Tôi mang những trợ lý của mình đến, nhưng cũng không cho những trợ lý của CLB thôi việc. Và sự ổn định làm cho cầu thủ yên tâm. Họ không sợ là mình sẽ mất chỗ. Họ không chịu áp lực phải chứng tỏ. Họ không nhìn nhau với sự đố kỵ, rằng anh sẽ lấy vị trí của tôi. Họ biết là chỉ cần thể hiện ổn trên sân tập, họ sẽ ra sân".
Ranieri cũng nói về việc giúp các cầu thủ chống lại nỗi sợ hãi, đặc biệt là khi áp lực tăng dần về cuối mùa bóng. Ông nói: "Khi đến càng gần mục tiêu, tôi cố để ý xem cầu thủ của mình phản ứng thế nào. Trong tennis, gần đến điểm kết thúc trận đấu, tay của các VĐV thường cứng lại. Các cầu thủ cũng thế thôi. Và tôi nói với họ: Đây là năm của mình. Đừng tiếc nuối gì cả. Nếu thua thì thua thôi, nhưng chúng ta phải có niềm tin. Đừng ngại sai lầm. Tôi cũng sai lầm mãi, mọi người ai chẳng sai lầm. Nhưng cứ phải cố đã. Vì không cố là sai lầm lớn nhất".
Đấy chính là tinh thần mà Chris Coleman đã truyền đến các học trò trên đường Xứ Wales vào bán kết Euro 2016 mùa hè vừa qua. Coleman nói khi đó: "Nếu làm việc đủ, nếu dám ước mơ, người ta sẽ không sợ thất bại. Ai mà chẳng thất bại. Thế nên đừng sợ thất bại. Đời tôi thất bại nhiều hơn thành công, nhưng tôi không sợ thì thôi, sao các bạn phải sợ". Đã hơn một lần, Coleman thừa nhận thành công của Leicester City ngay trước đó đã tạo cho ông nguồn cảm hứng lớn, để chiến đấu và tạo ra điều kỳ diệu của riêng mình.
Tinh thần của Ranieri là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác.
Câu chuyện với Ranieri và tờ The Times bắt đầu chuyển sang tiền bạc. Ông nói vấn đề của bóng đá hiện đại là người ta chú trọng đến tiền nhiều quá. Mọi người luôn bị ám ảnh bởi việc người khác kiếm nhiều tiền hơn mình. Ranieri nói: "Mỗi con người là một cá tính khác biệt, tôi không phán xét ai. Nhưng động lực làm việc của tôi chưa bao giờ là tiền mà là tình yêu dành cho bóng đá, dành cho các cầu thủ, khát vọng làm những gì tốt nhất. Tôi không biết mình kiếm được bao nhiêu một năm. Tôi đến sân gặp các cầu thủ hàng ngày không phải vì tiền. Tôi đến đó vì tôi là một người đàn ông may mắn, được làm những gì mà mình thích".
"Bạn hãy nhìn xem có bao nhiêu nhà vô địch dù đã kiếm rất nhiều tiền vẫn tiếp tục chiến đấu. Vấn đề với họ không phải tiền, mà là khát vọng và tình yêu. Tôi gặp rất nhiều cầu thủ rất tiềm năng, giàu kỹ năng, nhưng khi kiếm được hợp đồng tốt thì sa sút. Vì sao? Vì họ đá bóng vì tiền và sự nổi tiếng. Nhưng sức mạnh của một người đàn ông không đến từ những thứ ấy".
Ranieri là một người hiền lành, thích nói chuyện hơn là giận dữ. Trong phòng họp báo, ông rất hay cười. Đấy là nụ cười của một người hoàn toàn thoải mái và vui thú với công việc. Nói vậy không có nghĩa là Ranieri không bao giờ nổi nóng. Cũng con người hiền lành ấy đã xông vào khách sạn nơi Jimmy Floyd Hasselbaink và rút phăng sợi dây cáp TV, bởi vì lo cầu thủ ngôi sao của mình thức quá khuya để xem các show truyền hình. Nhưng hành động ấy, như Ranieri thừa nhận, bao giờ cũng là giải pháp cuối cùng.
Phần việc mà Ranieri ghét nhất là gì? "Chọn đội hình xuất phát", ông nói ngay. "Cứ phải để ai ngồi dự bị là tôi thấy buồn. Bởi vì ai cũng tập luyện chăm chỉ và đều xứng đáng cả. Thế nên tôi ghé phải chọn lựa, dù đó là việc phải làm trong nghề của mình".
Leicester đã mất đi buồng phổi của mùa trước là N'Golo Kante. Các đại gia cũng đồng loạt mạnh lên khiến cho Leicester gặp nhiều khó khăn. Nhưng họ đang viết một câu chuyện cảm xúc khác ở Champions League, nơi họ thắng cả ba trận ở lần đầu tiên tham dự. Và dù mùa giải này có kết thúc thế nào, những ký ức về điều kỳ diệu của mùa 2015-2016 vẫn sống mãi.
Và thỉnh thoảng, ta có thể xem lại những thước phim cũ, để thấy nỗ lực và quyết tâm có thể đưa chúng ta đi xa đến đâu. Ranieri nói: "Cách đây chưa lâu, tôi nhận một giải thưởng dành cho giới huấn luyện ở Italy. Hôm trao giải, họ chiếu lại những gì chúng tôi đã làm được trên màn hình lớn. Nhìn lại những pha bóng đẹp và những bàn thắng, tự nhiên tôi bật khóc, khóc ngon lành. Và tôi vừa khóc vừa nói: 'Ôi mẹ ơi. Chúng tôi đã làm gì thế này!'".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét