Pep Guardiola gắn liền với giai đoạn thành công nhất của Barcelona. Nếu là ở một CLB khác, lẽ ra ông phải được dựng tượng và trở thành huyền thoại bất tử.
* Trận Barca - Man City diễn ra lúc 20h45 ngày 19/10 giờ địa phương (tức 1h45 ngày 20/10 theo giờ Hà Nội).
"Johan Cruyff là người xây nhà thờ, các HLV Barca phải bảo tồn, hoặc nâng cấp nó", Guardiola từng nói như thế, rất lâu trước khi chính thức được bổ nhiệm làm HLV trưởng Barca hè 2008. Dù là hai HLV thành công nhất trong lịch sử CLB, cả Guardiola lẫn thần tượng của ông, Cruyff đều có những cuộc chia tay không trọn vẹn với Barca.
Cruyff bị sa thải bởi "Dream Team" đã đi hết chu kỳ thành công, cũng như mối quan hệ với Chủ tịch Josep Lluis Nunez ngày càng trở nên căng thẳng. Còn Guardiola thì quyết định không ký tiếp hợp đồng sau bốn năm làm việc. Ngày ra đi, ông nói: "Mới bốn năm mà ngỡ như là cả một cuộc đời. Tôi cảm thấy trống rỗng và cần phải sạc lại năng lượng".
Guardiola, Cruyff và Laporta từng là một liên minh vững chắc ở Barca, nhưng sau khi Cruyff, Laporta rời đi, vì những lý do khác nhau, Guardiola cũng không còn gần gũi với CLB.
Đây không phải là lần đầu Guardiola trở lại Nou Camp. Nhưng cũng như những cuộc trở về trước đó, lần này cũng cảm xúc lẫn lộn. Đa số CĐV vẫn yêu mến ông, bởi hành trình đi từ một cậu bé nhặt bóng đến thủ quân của "Dream Team" và sau đó là một HLV chinh phục cả thế giới thật sự rất cảm xúc. Khi Barca đá trận cuối cùng dưới thời Guardiola, một trận derby với Espanyol, hàng vạn CĐV có mặt ở khán đài đã khóc. Và Guardiola đã hứa với họ: "Tôi rời đi, nhưng các bạn sẽ không bao giờ mất tôi".
Guardiola không trở lại Barcelona suốt một năm sau đó. Ông sống ở New York, cách xa hoàn toàn bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt ở châu Âu. "Tôi phải đi xa những 6000 km để tìm sự yên bình", ông nói. Với Ban lãnh đạo mới của Sandro Rosell, Guardiola chính là "tàn dư" của Joan Laporta, vị Chủ tịch phải từ chức vì bê bối tài chính. Nhưng sau đó, đến lượt Rosell cũng phải rời ghế, rồi Josep Maria Bartomeu lên thay, vẫn không có một cánh tay hòa bình nào được chìa ra cho Guardiola.
Có một sự thật là sau khi Laporta rời Nou Camp, Guardiola cũng không còn mặn mà ở lại nữa. Hết hai năm hợp đồng đầu tiên, ông chỉ ký theo từng năm một để luôn có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Hành động loại Cruyff ra khỏi ghế Chủ tịch danh dự của Rosell là một sự đả kích rất lớn với Guardiola. Khi ông nhận việc ở Bayern rồi Man City, không có một lời chúc nào đến từ Ban lãnh đạo Barca.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây cho tờ Financial Times, Bartomeu thậm chí còn đặt câu hỏi về khả năng thành công của Guardiola ở Man City. "Hãy xem Pep có thể làm được như những gì từng làm ở Barca hay không?" ông nói. "Pep tốt nghiệp trường của chúng tôi mà".
Guardiola không còn được CLB cũ chào đón mỗi lần trở về Nou Camp.
Truyền thông Catalan cũng không đồng nhất khi đánh giá Guardiola. TờMundo Deportivo - một trong hai tờ báo lớn nhất của Barcelona, dành sự ủng hộ tuyệt đối cho Ban lãnh đạo hiện nay. Họ đã chỉ trích Guardiola nặng nề vì đã kéo Claudio Bravo sang Man City. Trước đó, Guardiola từng lấy Thiago Alcantara về Bayern.
Guardiola từng xem trận đấu giữa Barca và Man City hồi 2015 từ trên khán đài. Hình ảnh ông ôm đầu khi nhìn thấy Lionel Messi "xâu kim" James Milner đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Chỉ ít lâu sau, Guardiola đứng dưới khu chỉ đạo, khi Bayern chạm trán Barcelona ở bán kết Champions League. Và ông là người buồn bã rời sân hôm ấy, vì Bayern bị loại.
Barca không nhớ Guardiola, hoặc có nhớ nhưng... không nhiều. Bốn năm hậu Guardiola, họ đoạt thêm 10 danh hiệu, trong đó có ba La Liga và một Champions League. Thậm chí, Barca còn làm được điều mà dưới thời Guardiola, họ không làm được: trở thành một con quái vật thương mại. Giá trị hình ảnh của bộ ba MSN không thua kém, thậm chí còn hơn bộ ba BBC của Real Madrid. Họ vừa mở một văn phòng ở New York, một phần trong kế hoạch khuếch trương danh tiếng ở Mỹ. Mùa trước, họ công bố mức doanh thu kỷ lục 747 triệu đôla.
Cách chơi của Barca cũng thay đổi theo hướng hấp dẫn hơn. Họ không còn giữ bóng đến cực đoan như dưới thời Guardiola. Lối chơi mới tạo không gian tối đa để Lionel Messi, Neymar, Luis Suarez chơi bóng và bùng nổ. Họ không còn dùng những cầu thủ tự đào tạo nữa, dù Gerard Pique, Sergio Busquets, Messi... vẫn ở đó. Cầu thủ trẻ duy nhất chen chân vào đội một những năm gần đây là Sergi Roberto. Nhưng anh này thật ra đã có màn ra mắt từ năm 2010. HLV hồi ấy là... Guardiola.
Barca vẫn còn đó Messi, Busquets, những trụ cột từ thời Guardiola, nhưng hình bóng của nhà cầm quân này đã mờ nhạt đáng kể.
Không ai biết ơn Guardiola nhiều hơn Messi. Nhưng chính anh thừa nhận là không còn giữ liên lạc với thầy cũ. Có không ít cule, khi được hỏi, đã trả lời họ thích Tito Vilanova hơn Guardiola. Hàng năm, họ vẫn có những hoạt động để tưởng nhớ đến HLV đã qua đời năm 2014 vì bệnh ung thư. Trước khi mất, Vilanova cũng chỉ trích Guardiola đã nói dối. Guardiola thì chỉ trích Barca vì dùng bệnh tình của Vilanova để ép ông quay trở lại.
Guardiola là một người đấu tranh quyết liệt cho việc Catalan giành độc lập khỏi Tây Ban Nha và đấy cũng là lý tưởng của Laporta. Nhưng Ban lãnh đạo mới không muốn Barca làm công cụ chính trị của chính quyền Catalan nữa. Họ muốn thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của chính trị. Nhưng chính trị có lẽ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến quan hệ giữa Guardiola và Barca có vết gợn. Và Barca không bao giờ xem người con năm xưa là tượng đài, nhất là khi bây giờ, Guardiola lại mang cái công thức mà ông từng được học ở Barca sang áp dụng cho Man City.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét