Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Theo báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015, chi phí logistics (kho vận) ở Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong khi các nước có cùng trình độ phát triển chỉ 18%.

Được đánh giá là thị trường trẻ giàu tiềm năng bậc nhất khu vực Đông Nam Á, doanh thu toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4 tỷ USD. Online Friday mua sắm mùa thu 2016 mới đây đã đạt 170 tỷ đồng doanh thu.

Tuy nhiên, chi phí ngành kho vận tại Việt Nam vẫn còn cao, chiếm đến 25% GDP. Điều này gây nhiều trở ngại để các shop online phát triển tốt nhất. Số lượng các đơn hàng đặt mua trực tuyến ngày càng tăng đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Đó là hàng hóa xuất kho cần được bảo quản và vận chuyển ra sao, thanh toán như thế nào, cách thức giao hàng cho người tiêu dùng, quản lý hàng hóa tồn kho… Tất cả những công đoạn này được gọi chung là các dịch vụ "Hoàn tất đơn hàng” (Fulfillment Services).

Công đoạn này giúp những công ty, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể nâng cao dịch vụ, chất lượng bán hàng, tăng sức cạnh tranh và phát triển trong cuộc đua giành thị trường.


Dịch vụ hoàn tất đơn hàng có thể coi là một nhánh và là mức phát triển nhất của logistics (e-logistics, 5PL hay logistics cho thương mại điện tử) hầu như chưa phổ biến ở Việt Nam. Dịch vụ logistics hiện nay chủ yếu chỉ tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng, trong khi thị trường có 80% dân số tại các vùng nông thôn vẫn còn nhiều bất cập.

Với tốc độ phát triển của thương mại điện tử hiện nay, nhu cầu giao hàng nhanh chóng, đến tận tay người tiêu dùng tăng lên từng ngày. Do đó, các chuyên gia đánh giá hoàn tất đơn hàng là một lĩnh vực giàu tiềm năng và màu mỡ, nhưng chưa được khai phá.

Đó là lý do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo “Dịch vụ hoàn tất đơn hàng” tại Hà Nội vào ngày 24/10; TP HCM vào ngày 26/10 (chi tiết tại đây). Sự kiện nhằm kết nối doanh nghiệp chuyển phát với đơn vị bán hàng trực tuyến và các công ty liên quan để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời thảo luận để tìm ra các giải pháp mới rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng chuyển phát.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics đánh giá về khả năng tham gia thị trường thương mại điện tử với cuộc thử nghiệm đầu tiên là Ngày mua sắm trực tuyến 2016 (Online Friday - OF) sắp diễn ra.

Theo đại diện ban tổ chức, OF 2016 có khoảng 200.000 sản phẩm khuyến mại đến từ hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia. Ban tổ chức kỳ vọng tổng doanh thu của sự kiện năm nay đạt hơn 1.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2015. "Ban tổ chức sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng và triển khai các quy trình đăng ký chặt chẽ, áp dụng quy chế về báo xấu và xử phạt để đảm bảo khuyến mãi chất lượng, hấp dẫn đến được với người tiêu dùng", vị này nhấn mạnh.

Chương trình Online Friday 2016 do Bộ Công Thương cùng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử, Báo VnExpress tổ chức, FPT Online hỗ trợ nền tảng công nghệ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét