Nhiều người Trung Quốc sử dụng các trang bán hàng trực tuyến để sắm đồ hiệu từ quốc gia khác, còn thời gian du lịch để tận hưởng và dành cho gia đình.
Song Lei, chuyên viên ngân hàng 33 tuổi tại Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) thích mua hàng từ nước ngoài. Cô đã 3 lần tới Nhật Bản và tiêu khoảng 2 triệu yen (19.864 USD) để mua sắm tại đây, trong đó có một chiếc máy ảnh hiệu Canon và một nồi cơm điện do Panasonic sản xuất.
Tới một ngày, Song nhận ra "thật ngớ ngẩn khi đi cả chặng đường dài tới Nhật Bản chỉ để mua sắm". Giờ đây, cô vẫn ngồi tại Đại Liên và bắt đầu mua các sản phẩm Nhật trên mạng.
"Lần tới, tôi sẽ không phải vác về nhà đống hàng nặng trịch nữa mà dành thời gian để tận hưởng Nhật Bản cùng gia đình", Song nói.
Người tiêu dùng Trung Quốc xem sản phẩm tại một cửa hàng bán đồ nước ngoài ở Quảng Đông. Ảnh: Nikkei
Sự thay đổi cách thức và thói quen mua hàng Nhật của Song đang dần phổ biến. Chính sách thuế mới mà chính phủ Trung Quốc đưa ra hồi tháng tư cũng góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Theo đó, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không phải trả thuế đối với các món hàng nhập ngoại mua trên những website thương mại điện tử. Như vậy, họ tiết kiệm khoảng 30% tiền thuế và phí so với việc nhập khẩu hàng thông qua những tuyến hàng hóa thông thường.
Ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp khách hàng trung lưu Trung Quốc như Song chi tiền cho các kỳ nghỉ ở nước ngoài và họ cũng không tiếc tiền để mua sắm các món hàng tại quốc gia mình đến. Tuy nhiên, số tiền dân du lịch Trung Quốc chi tiêu tại Nhật Bản tính theo đầu người bắt đầu giảm trong năm nay. Việc đồng nhân dân tệ mất giá trước đồng yen là một phần lý do, nhưng nguyên nhân chính được cho là sự phát triển của các website thương mại điện tử chuyên mua hàng nước ngoài với mức phí rẻ và dễ sử dụng tại Trung Quốc.
Theo công ty nghiên cứu thị trường iResearch Consulting Group, quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc năm 2015 đã mở rộng 50% so với 2014, đạt 900 tỷ tệ (134 tỷ USD), dự kiến đạt 1.200 tỷ tệ năm 2016.
Cả doanh nghiệp Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều muốn hưởng lợi từ sở thích của người dân đại lục đối với hàng hóa từ xứ sở mặt trời mọc. Daniel Zhang, CEO của Alibaba Group nói: "Hàng Nhật Bản có chất lượng cao và rất nhiều sản phẩm trong số này không xa lạ gì với người Trung Quốc".
Alibaba nắm trong tay 50% thị phần thương mại điện tử tại Trung Quốc đã mời các doanh nghiệp Nhật Bản mở cửa hàng ảo tại Tmall Global, website mua sắm phiên bản quốc tế của hãng nhưng vẫn nhận nhiều cái lắc đầu.
Recruit Lifestyle (RL), một doanh nghiệp dịch vụ tại Nhật Bản nhìn thấy cơ hội. Công ty nhận ra rằng rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản từ bỏ ý định bán hàng cho khách quốc tế vì không rõ cách làm. Để khắc phục, RL tạo ra khung dịch vụ cho phép doanh nghiệp Nhật bán hàng trên Alibaba bằng cách dịch mô tả sản phẩm sang tiếng Trung, tạo những tài khoản nội địa, thu xếp thanh toán và giao hàng. Nói cách khác, RL trở thành một đại diện không chính thức của nhiều doanh nghiệp Nhật để bán hàng tại Trung Quốc.
"Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến" Amazon (Mỹ) cũng nhìn thấy cơ hội tại thị trường rộng lớn đầy tiềm năng này. Jasper Cheung, Giám đốc Amazon Nhật Bản đã hướng dẫn cấp dưới đẩy nhanh tiến độ để đưa website của mình đến được với người mua sắm tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Người tiêu dùng Trung Quốc truy cập vào website Amazon Nhật Bản đang tăng nhanh chóng", Cheung nói. Ông cho hay số đơn vị trung gian ngày càng tăng. Các công ty nhỏ này có nhiệm vụ mua và nhận hàng từ Amazon Nhật Bản rồi chuyển tới người mua tại Trung Quốc. Để đáp ứng được xu hướng này, Cheung đã cho ra mắt phiên bản tiếng Trung của Amazon, bản đầu tiên hoạt động ngoài Trung Quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét