Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017


ình trạng thiếu lương thực có thể là nguyên nhân đằng sau một loạt tàu chở thi thể người nghi từ Triều Tiên trôi dạt vào Nhật.



Lực lượng tuần duyên Nhật phát hiện 8 thi thể trên chiếc thuyền dạt vào Akita. Ảnh: AFP.


Tình trạng thiếu thốn lương thực và ngoại tệ ở Triều Tiên do các lệnh trừng phạt quốc tế có thể đã góp phần dẫn đến lượng "tàu ma" nghi từ Triều Tiên dạt vào bờ biển Nhật Bản tăng đột biến, các nhà phân tích nhận định.

Hiện tượng "tàu ma" xuất hiện từ lâu nhưng bùng lên trong tháng trước vì Triều Tiên đã bán quyền đánh bắt cá ở các vùng biển của nước này cho Trung Quốc trong nỗ lực tìm kiếm nguồn thu ngoại tệ, buộc các ngư dân, thường đi trên các con tàu cá ọp ẹp, phải đi xa hơn về phía Nhật Bản để đánh bắt cá, theo AFP.

Áp lực chỉ tiêu

Hàng chục tàu cá nghi của Triều Tiên dạt vào bờ biển Nhật Bản mỗi năm nhưng chỉ riêng tháng trước, lực lượng tuần duyên Nhật Bản ghi nhận có đến 28 trường hợp như vậy, mức cao nhất tính theo tháng kể từ khi lực lượng này thống kê dữ liệu vào năm 2014.

Số ngư dân Triều Tiên được phía Nhật Bản cứu sống trong năm nay lên mức kỷ lục 42 người, trong khi năm ngoái không có ngư dân Triều Tiên nào được tuần duyên nước này cứu sống. Tuy nhiên, vẫn có nhiều "tàu ma" nghi từ Triều Tiên chở đầy xác người dạt vào bờ biển Nhật Bản. Năm nay, Nhật đã phát hiện 18 xác người trên các con tàu.

Giới chức Nhật Bản nói rằng rất khó để xác định chính xác nguyên nhân họ chết vì những con tàu này thường trôi lênh đênh nhiều tháng trên biển trước khi bị sóng đánh tấp vào bờ biển.

"Các ngư dân này tuyệt vọng tìm cách hoàn thành các mục tiêu đánh bắt cá tăng cao theo từng năm", Toshimitsu Shigemura, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên đồng thời là giáo sư danh dự từ Đại học Waseda ở Tokyo, nói.

Các nhà phân tích cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh nâng chỉ tiêu sản lượng đánh bắt cá cho ngư dân sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2013.

"Kể từ đó, các ngư dân Triều Tiên phải ráo riết tìm cách hoàn thành chỉ tiêu đánh bắt hàng năm, nhưng điểm khác biệt trong năm nay là họ đi đến những vùng biển xa trên những con tàu cũ nát", Pyon Jinil, một nhà quan sát Triều Tiên ở Nhật Bản, nói.

"Năm ngoái, Triều Tiên đã bán một phần quyền đánh bắt ở Hoàng Hải cho Trung Quốc để đổi lấy ngoại tệ, vậy nên ngư dân của họ bị đẩy ra khỏi khu vực phía tây của vùng biển Triều Tiên", ông nói.

"Trong bài phát biểu chào mừng năm mới hồi đầu năm, ông Kim Jong-un đã ra lệnh thiết lập ngư trường mới ở biển Nhật Bản", Pyon cho biết thêm.

"Vì không thể đánh bắt ở vùng biển truyền thống của họ nên ngư dân Triều Tiên phải đi xa hơn. Các tàu cá Triều Tiên khá cũ và chúng không có nhiều nhiên liệu nên rốt cục, chúng sẽ trôi lênh đênh và dạt vào bờ biển Nhật Bản", giáo sư Yang Moo-Jin từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nói.

Giới phân tích nhận định lý do đằng sau hiện tượng tàu cá nghi của Triều Tiên lạc sang Nhật Bản là tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, một phần do các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Pyon Jinil cho biết việc kiểm soát khẩu phần thực phẩm của người Triều Tiên ngày càng được siết chặt. Mỗi người Triều Tiên được cho là đang nhận được 300 gram thực phẩm mỗi ngày.

"Để bù đắp cho sự thiếu hụt các lương thực cơ bản như gạo và ngô, Triều Tiên thường mua chúng từ Trung Quốc nhưng giờ đây, họ cũng không có nhiều ngoại tệ mạnh để mua nữa", ông nói.

Ông cho biết dự trữ ngoại tệ của Triều Tiên đã giảm một phần ba so với mức năm ngoái do ảnh hưởng từ hai gói trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong năm nay, nâng tổng số gói trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng lên con số 9.

Nghi vấn tàu cá chở điệp viên

Truyền thông Nhật Bản đã đưa tin nhiều chiều về các con tàu cá nghi đến từ Triều Tiên và một số tờ báo suy đoán chúng có thể là tàu chở các điệp viên Triều Tiên.

Bộ trưởng Giao thông Nhật Keiichi Ishii nói rằng ông "đang thúc đẩy nỗ lực điều tra các vùng duyên hải Nhật Bản" sau khi nhận thấy số lượng các con tàu đáng ngờ trôi dạt hoặc bị sóng đánh tấp vào bờ biển nước này tăng đột ngột.

Phát biểu với báo chí hôm 5/12, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ đang điều tra một cách thận trọng các khả năng, bao gồm việc liệu những người trên các con tàu đó có phải thực sự là ngư dân hay không, sau khi có những tin tức cho biết một trong những con tàu được gắn tấm biển có dòng chữ "Quân đội Nhân dân Triều Tiên".

Song giáo sư Toshimitsu Shigemura cho rằng giả thuyết những ngư dân này là các điệp viên từ Bình Nhưỡng không thuyết phục.

"Các điệp viên Triều Tiên sẽ không xâm nhập bằng những con tàu cũ nát như vậy. Họ sẽ xâm nhập bằng những con tàu có trang thiết bị hoạt động tốt", ông nói.

Một trong những nhóm ngư dân Triều Tiên được phát hiện gần đây nhất ở vùng biển Nhật Bản bị nghi ngờ ăn cắp nhiều đồ đạc bao gồm tủ lạnh, tivi và một cái nắm cửa trước khi họ vào lánh nạn trên một hòn đảo của Nhật Bản. Họ đã vứt một số đồ đạc này xuống biển trước khi bị lực lượng tuần duyên Nhật Bản kiểm tra.

"Họ muốn mang những thứ này về bán ở nước họ. Nhưng nếu về nhà sau khi bị cảnh sát Nhật Bản điều tra kỹ lưỡng, họ có thể bị phạt vì nhà chức trách lo ngại họ đã chuyển sang làm điệp viên cho Nhật Bản", giáo sư Shigemura nói.

Hồng Vân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét