Thủ tướng khẳng định 6 điểm cần tập trung để tạo động lực cho giai đoạn phát triển mới
Đây là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại “Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”, sáng 20/12.
Hội nhập là tất yếu của quá trình phát triển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là một hệ quả tất yếu của quá trình phát triển. Các quốc gia thỏa hiệp, nhượng bộ lẫn nhau và chấp nhận những khó khăn của quá trình hội nhập, nhằm mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường và phát triển kinh tế. Không đứng ngoài xu thế đó, Việt Nam đã sớm đề ra chủ trương và xây dựng các biện pháp nhằm thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng làm bộc lộ những điểm yếu, bất cập lớn của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ mong muốn được lắng nghe những sáng kiến giải pháp trong trung và dài hạn của các chuyên gia, để hội nhập kinh tế quốc tế thực sự là “động lực cho giai đoạn phát triển mới”. Về phía Chính phủ, Thủ tướng đã nêu ra 6 ý kiến:
Thứ nhất, Chính phủ kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, dù bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước.
Thứ hai, Chính phủ coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Thứ ba, tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ tư, Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Thứ năm, tập trung phát huy nội lực, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thứ sáu, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ.
Nhiều hạn chế đã được phát hiện
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương đã nêu lên nhiều vấn đề trong giai đoạn 10 năm hội nhập vừa qua. Đây cũng là những điểm được nêu trong báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội của Việt nam dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế sau khi gia nhập WTO”.
Theo đó, việc thực hiện triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế còn bất cập. Các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thể. Một số chương trình, hoạt động chậm được cụ thể hóa, hoặc cụ thể hóa mà không tính đến chiều cạnh tương ứng của hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc cải cách trong nước, nhất là về mặt thể chế, vẫn chưa đáp ứng và chưa theo kịp các yêu cầu của việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khi đẩy mạnh quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế thì việc điều chỉnh chính sách trong không ít trường hợp còn chậm hoặc mang tính đối phó, chưa đồng bộ.
Khả năng nhận định, đánh giá và dự báo về xu thế và diễn tiến hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao. Việc đánh giá thực hiện định kỳ kết quả hội nhập kinh tế quốc tế và tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức nên kết quả rất hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, những vấn đề trên đều xuất phát từ nhận thực chưa cụ thể, nhất quán, đặc biệt là ở địa phương. Một số chủ trương, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế chưa được lồng ghép chặt chẽ vào kế hoạch hành động của Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong quá trình triển khai công tác hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Ngoài ra, nguồn lực về tài chính, nhân lực cũng là nguyên nhân khiến cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Cần làm gì để thay đổi tình hình?
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến nghị hai giải pháp: Củng cố năng lực để đối phó với những thay đổi trong một nền kinh tế mở; hỗ trợ hội nhập thương mại sâu rộng hơn nữa.
Ông Vũ Thành Tự Anh, đại diện Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, Việt Nam phải tận dụng thật hiệu quả các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, như: Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc với tầm nhìn dài hạn; Tìm mọi cách gia nhập mạng lưới cung ứng của các MNCs; Tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu; Phối hợp chính sách hiệu quả giữa các bộ ngành. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế trong nước song hành với hội nhập quốc tế. Ông Vũ Thành Tự Anh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề nguôn lực. Trong đó, ngoại lực là quan trọng, nội lực là then chốt.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã đề cập đến giải pháp cụ thể nhằm giảm chi phí kinh doanh giai đoạn 2018-2020. Trong đó, Chính phủ phải hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định về điều kiện kinh doanh; loại bỏ ít nhất ½ số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu hiểm kiểm.
Theo ông Cung, năm 2018 nên tiếp tục là “Năm cắt giảm chi phí” cho doanh nghiệp. Chính phủ cần xem xét giảm lãi suất cho vay một cách đại trà trên cơ sở cắt giảm lãi suất huy động. Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát phí BOT, giải quyết ách tắc giao thông,... nhằm giảm chi phí logistics.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam rất cần quyết tâm cao và sự nỗ lực của tất cả Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân. “Chính phủ Việt Nam mong nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, bạn bè quốc tế để tất cả chúng ta cùng nỗ lực, cùng chung tay và cùng thành công” – Thủ tướng nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét