Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017


Mức hỗ trợ thấp, doanh nghiệp trong nước "sính ngoại" khiến nhiều người trẻ có năng lực không muốn tiếp tục nghiên cứu.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11, anh Lê Đức Tùng, giảng viên, Bí thư Đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội trăn trở về việc người trẻ Việt Nam gặp nhiều rào cản khi tham gia nghiên cứu khoa học.

Theo thống kê, có đến 80% công bố khoa học của Việt Nam có yếu tố quốc tế. Các sản phẩm nghiên cứu của Việt Nam hầu như chỉ tồn tại dưới dạng mô hình, chưa thoát ra được khỏi phòng thí nghiệm và phòng nghiên cứu. Trong hầu hết ngành công nghệ, Việt Nam chỉ tham gia thực hiện việc gia công, đóng góp nhân lực… Anh Tùng cho rằng những yếu kém trên sẽ được khắc phục nếu cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ được quan tâm nhiều hơn.


Anh Lê Đức Tùng cho rằng doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Ảnh: Dương Tâm


Anh Tùng nhận định một trong những hạn chế khiến các hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ chưa thể phát huy hiệu quả là mức hỗ trợ cho đề tài nghiên cứu còn thấp, không đều, cơ chế ưu đãi dành cho nhà khoa học trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến họ không thể hoàn toàn yên tâm nghiên cứu và việc thu hút cán bộ có trình độ, trí tuệ, bằng cấp cao tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học gặp nhiều rào cản.

Giảng viên Đại học Bách khoa cho rằng điểm mấu chốt, cản trở lớn nhất trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ là chưa có cơ chế sử dụng nội lực phù hợp. Các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có khả năng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để giải quyết một bài toán thực tiễn và đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp sản xuất lớn trong nhà nước có sự phối hợp nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ với các trường đại học trong nước là rất hiếm, và thực tế hầu như không có.

Trong khi đó các doanh nghiệp sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài với kinh phí rất lớn mà có thể vẫn không được nhận hết kiến thức công nghệ cần thiết, dẫn đến bị lệ thuộc về công nghệ.

Trước những vấn đề trên, anh Tùng cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn cần tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng, ban hành các quy chế phát triển mô hình phối hợp giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đặc biệt là với tổng công ty, tập đoàn lớn.

Anh Tùng khẳng định cán bộ nghiên cứu trẻ thực sự mong muốn cơ chế công khai, minh bạch trong việc đăng ký các đề tài, chương trình nghiên cứu. “Quỹ Nafosted nên là mô hình mẫu mà tất cả dạng quỹ nghiên cứu và đề tài khác hướng đến, đó là sự thuận lợi, văn minh và nhất là sự minh bạch, hoàn toàn thoát khỏi cơ chế xin - cho. Những quỹ nghiên cứu như vậy đã níu kéo được rất nhiều cán bộ, tiến sĩ trẻ tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học”, anh Tùng nói.

Đề xuất đưa môn học khởi nghiệp vào đại học

Anh Bùi Huy Toàn, Bí thư Đoàn Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng vấn đề đất nước, thanh niên sinh viên khởi nghiệp được dư luận nhắc tới nhiều. Tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp đang diễn ra chưa thực sự xứng tầm, đặc biệt ở các tỉnh, thành không phải trung tâm.


Anh Bùi Huy Toàn đề xuất đưa môn học khởi nghiệp vào đại học, cao đẳng. Ảnh: Dương Tâm


Anh Toàn lấy ví dụ ở Phú Thọ, phong trào khởi nghiệp trong nhà trường còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Nhận thức của giảng viên và sinh viên về tầm quan trọng của khởi nghiệp chưa đầy đủ. Chương trình đào tạo còn mang tính hàn lâm. Việc tổ chức hoạt động liên quan đến khởi nghiệp chưa thường xuyên và hiệu quả nên chưa kích thích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.

Từ những thực tế đó, anh Toàn cho rằng cần thiết phải có môn học về khởi nghiệp trong chương trình đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng.

“Để phát triển cần thay đổi triết lý giáo dục, thay vì chỉ đào tạo sinh viên trở thành những người có khả năng chuyên môn cao để đi xin việc thì còn phải dạy các em cách khởi nghiệp. Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng đã yêu cầu cơ sở giáo dục đại học phải chú trọng và đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình”, anh Toàn lý giải.

Bí thư Đoàn Đại học Hùng Vương cũng cho rằng mỗi nhà trường cần có đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về khởi nghiệp để giảng dạy, định hướng, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.

Bên cạnh đó, các địa phương, trường đại học, cao đẳng cần tăng cường hội thảo, hội nghị, ngoại khóa chuyên sâu về các vấn đề khởi nghiệp gắn với từng đối tượng sinh viên. Anh Toàn nhấn mạnh công tác này cần tiến hành một cách thực chất, có trọng tâm, trọng điểm.

Dương Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét