0 năm bỏ học đi làm thuê kiếm sống, vì quá nhớ trường lớp, anh Ngô Văn Bình đã trở lại, học liền một mạch giành học vị tiến sĩ.
Căn nhà trọ cấp 4 nằm sâu trong con hẻm đường Lê Ngô Cát (TP Huế, Thừa Thiên Huế) là tổ ấm của tiến sĩ Ngô Văn Bình, giảng viên Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm (Đại học Huế). Quê gốc thị trấn Sịa (Quảng Điền), sau năm 1976 lúc vừa lọt lòng, anh Bình theo gia đình đi kinh tế mới ở A Lưới. Đường lên A Lưới lúc ấy phải ngược ra Đông Hà (Quảng Trị), lên Đắc Krông rồi mới vòng vào nơi ở mới.
TS Ngô Văn Bình hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.
Gia đình khai hoang làm rẫy, anh em Bình một buổi đến trường, buổi còn lại phụ ba mẹ lao động kiếm thêm thu nhập. Vì nghèo nên khi vừa lên lớp 10, Bình bỏ học, trở thành người đi xẻ gỗ. Nhắc đến chuyện làm "lâm tặc", anh Bình ngập ngừng bởi đó là việc làm phi pháp.
Lúc trước những cánh rừng ở A Lưới còn giàu, nhiều người lên rừng cưa gỗ. Sau khi nghỉ học, hàng ngày anh vác cưa lên rừng khai thác, cứ sáng sớm đi chiều tối về. "Hồi đó cưa tay nên mỗi ngày chỉ kiếm được vài phách gỗ, bán cho các chủ xưởng mộc được 50-70 nghìn đồng. Bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền nên chưa ý thức được việc khai thác lâm sản trái phép”, anh Bình trải lòng.
Không bao lâu sau khi nghỉ học, người cha vì bệnh qua đời, kinh tế gia đình dồn lên vai anh. Muốn có nhiều tiền, có lần anh cùng một nhóm người khai thác lượng gỗ khá lớn tại xã Hồng Hạ (huyện A Lưới). Bởi vận chuyển gỗ lộ liễu nên nhóm bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ, tịch thu hết lâm sản.
Sau lần đó, anh thôi nghiệp "lâm tặc", được người quen giới thiệu đến với nghề phu trầm. Anh rong ruổi hàng tháng trời ở bên kia biên giới nước bạn Lào. Từ năm 1990 trở về trước, người Lào ở các bản làng giáp biên giới Việt Nam hễ thấy phu trầm Việt sang khai thác là bắn. Thời gian sau, khi bắt đầu có sự giao thương thì chuyện đó mới chấm dứt.
“Muốn làm phu trầm phải có sức khỏe, chấp nhận hiểm nguy, hiểu luật và có những lời nguyền khó lý giải. Chuyến hàng đầu tiên tôi bị lực lượng biên phòng bắt giữ. Tôi cũng nhiều lần run sợ khi giáp mặt người Lào nhưng vì để có tiền trang trải cuộc sống nên phải theo. Tôi đã ăn của rừng đến 10 năm, từ lâm tặc đến phu trầm…”, anh Bình tâm sự.
Trở lại việc học
Sau 10 năm “ăn của rừng”, anh đứng trước nhiều sự lựa chọn - hoặc học nghề, kiếm việc làm thuê, hoặc theo đuổi sự học. Cuối cùng con chữ đã thắng, năm 1998 anh quyết định đi học trở lại. "Trước đó, lòng vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền, bởi mẹ già không còn đủ sức lao động, anh trai cũng chưa làm được nhiều tiền. Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi quyết định đăng ký học hệ bổ túc, vừa học vừa làm thêm nghề thợ nề”, anh kể.
Tốt nghiệp hệ bổ túc, anh lại nghỉ học. Hai năm sau, anh đánh liều nộp hồ sơ thi tuyển vào Đại học Sư phạm Huế. “Tôi đi thi vì quá nhớ bàn ghế, trường lớp. Do nghỉ lâu quá, hổng kiến thức nên đến lần thi thứ hai mới đậu trường Sư phạm Huế ngành Nông lâm khóa 2002-2006”, anh Bình nói.
Tốt nghiệp đại học, có quyết định giảng dạy tại một trường ở A Lưới, thế nhưng anh Bình theo con đường học hành và tốt nghiệp thạc sĩ năm 2009. May mắn gặp được GS.TS Ngô Đắc Chứng có cùng sở thích về chuyên ngành động vật học, anh được thôi thúc nghiên cứu sâu hơn chuyên ngành này. Để có kinh phí học thạc sĩ, anh làm thêm ở nhiều công ty tư nhân, làm các dự án phát triển.
Lấy xong bằng thạc sĩ Sinh học chuyên ngành Động vật học, Ngô Văn Bình vẫn chưa có ý định xin việc làm mà nộp hồ sơ học tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Huế. Anh nhận được học bổng toàn phần học tiến sĩ 4 năm tại Đại học Quốc gia Thành Công (National Cheng Kung University) - đại học hàng đầu Đài Loan.
Anh Ngô Văn Bình (thứ ba từ phải sang) tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đài Loan. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.
Từ tháng 9/2010, anh bắt đầu học tiến sĩ tại Đài Loan. Trước đó, để đủ điều kiện chứng minh tài chính du học theo yêu cầu, anh phải vay mượn tiền nhiều nơi. Học bổng chỉ 4 năm nhưng anh học đến 5 năm mới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, bởi sau 2 năm học đầu tiên, giáo sư hướng dẫn qua đời nên phải chuyển người khác. Suốt một năm học “dôi dư”, anh phải tự túc kinh phí.
"Rất may tôi tiết kiệm được tiền từ việc tằn tiện chi tiêu. Nhờ vậy mà tôi đủ kinh phí theo đuổi nghiệp học”, anh kể.
Chàng “lâm tặc” ngày nào giờ đã là tiến sĩ với khoảng 35 bài báo khoa học được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tính điểm. Trong đó khoảng 10 bài báo khoa học xuất bản ở nước ngoài thuộc hệ thống ISI với chỉ số trích dẫn Khoa học cao (Science Citation Index, viết tắt SCI); cùng đồng nghiệp xuất bản được một cuốn sách (Giải phẫu - Sinh lý người và động vật) dày hơn 400 trang; đã và đang hướng dẫn 4 học viên thạc sĩ và một nghiên cứu sinh.
“Tháng 7/2015, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nhiều đại học trong nước mời tôi về giảng dạy, nhưng tôi chọn Huế. Đây là nơi tôi nếm trải nhiều khó khăn, gian khổ để đến được với thành công”, tiến sĩ Bình chia sẻ.
Theo báo Thừa Thiên Huế
0 nhận xét:
Đăng nhận xét