Tranh cãi nảy lửa về Uber, Grab
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ sửa quy định về điều kiện kinh doanh để làm rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp công nghệ, không mập mờ như hiện nay.
Chiều 19-12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị "Tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng". Cuộc họp kéo dài 4-5 giờ và rất gay cấn khi đại diện các địa phương, các hãng và hiệp hội taxi phản ứng, tranh luận với Bộ GTVT cũng như với đại diện Uber, Grab.
Không biết xếp Grab, Uber vào đâu!
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thừa nhận Uber, Grab là dịch vụ tiện ích, cung cấp cho hành khách dịch vụ chất lượng cao, kết nối công nghệ giảm xe chạy rỗng, giảm ùn tắc giao thông, minh bạch giá cước… Tuy nhiên, số lượng xe dưới 9 chỗ tăng quá nhanh, điều kiện kinh doanh vận tải của xe hợp đồng lỏng lẻo, quản lý khó hơn.
Các địa phương và doanh nghiệp đều than phiền những bất cập trong quản lý hoạt động của Grab, Uber sau 2 năm thí điểm Ảnh: Tấn Thạnh
"Giá cước rẻ nhưng không kiểm soát được vì linh hoạt theo giờ, đối tượng khuyến mại, thời gian khuyến mại... hoàn toàn do nhà công nghệ quyết, người tiêu dùng buộc phải chấp nhận, cơ quan quản lý không khống chế được trần giá" - ông Viện nói.
Do đó, ông Viện cho rằng cần nhận diện đúng bản chất của Uber, Grab để quản lý chứ không cấm. "Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quyết định quản lý loại hình này như taxi, phù hợp với bản chất hơn là xe hợp đồng" - ông Viện cho hay.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng loại hình Uber, Grab hoạt động gần giống taxi truyền thống nhưng đơn vị cung ứng phần mềm quyết định giá cước, vai trò của các hợp tác xã rất hạn chế. "TP HCM đang xây dựng quy hoạch phương tiện nhưng rất lúng túng không xác định được Uber, Grab thuộc loại hình gì" - ông Lâm thừa nhận.
Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết các đơn vị thí điểm khác rất minh bạch nhưng riêng Uber, Grab lại rất nhập nhằng. Mục đích của Uber, Grab muốn chia sẻ là sử dụng xe cá nhân. Tuy nhiên, trên 90% xe kết nối với Uber, Grab là để kinh doanh chứ không phải xe cá nhân nhàn rỗi. "Vậy câu chuyện rất mập mờ ở đây, Uber, Grab là doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ hỗ trợ hay kinh doanh vận tải?" - ông Dần đặt vấn đề.
Theo ông Dần, Uber và Grab tại Khánh Hòa không có văn phòng, không có đại diện pháp lý làm việc, tự tung tự tác. "Đến khi tỉnh hạn chế hoạt động, các ông ấy điều xe cá nhân tại TP HCM có phù hiệu vào Khánh Hòa để kinh doanh. Chúng tôi có văn bản đề nghị Bộ GTVT cần phải dừng thí điểm hoạt động với 2 DN này" - ông Dần bức xúc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ngắt lời và nói Khánh Hòa có toàn quyền quyết định, có thể cho thanh tra làm, không đúng yêu cầu thì cho dừng thí điểm ngay, không cần xin ý kiến bộ. Tuy nhiên, ông Dần lại than phiền xe của Uber, Grab hoạt động tại Khánh Hòa có đầy đủ phù hiệu do Sở GTVT TP HCM cấp nên tỉnh không xử lý được. "Phải thống nhất loại hình gì và giao cho UBND tỉnh quản lý thì mới quản được, không thì bất lực" - ông Dần bày tỏ.
Uber, Grab phải thành lập pháp nhân tại Việt Nam
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Taxi Vinasun, cũng rất bức xúc cho biết DN taxi khốn đốn và trông đợi hội nghị tổng kết này rất lâu rồi.
"Uber cũng như Grab từng nói tại sao chúng tôi không làm như họ. Nhưng làm sao chúng tôi làm được, trong khi họ chẳng phải đầu tư gì, từ xe, bến bãi… mà chỉ có phần mềm? Nếu hội nghị không có giải pháp giải quyết những bức xúc, hệ lụy thì rất đáng lo bởi không ít DN taxi đang bên bờ vực phá sản" - ông Quý nói. Ông Quý cáo buộc phần mềm kết nối đặt xe, gọi xe của Uber, Grab thực chất là đang trực tiếp chỉ đạo kinh doanh chứ không đơn thuần là cung cấp phần mềm.
Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng bên cạnh lợi ích người tiêu dùng, phải tính lợi ích chung. "Hai năm hoạt động, hàng chục ngàn xe của Grab chỉ nộp 9 tỉ đồng tiền thuế, trong khi hãng Vinasun chỉ với 6.000 xe taxi đã nộp 2.500 tỉ đồng. Nếu chúng tôi mỗi ngày né 1 tỉ đồng tiền thuế thì giá của chúng tôi sẽ cạnh tranh hơn nhiều" - ông Quý đặt giả thiết, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT cần định danh dịch vụ Grab, Uber là taxi và đề nghị ngưng thí điểm.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng lộ trình 2 năm thí điểm là phù hợp để đưa ra đánh giá cụ thể về loại hình đặt xe này. Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Tài chính để thông tin đầy đủ về nghĩa vụ thuế của loại hình này. "Phải định danh rõ các xe ứng dụng nền tảng công nghệ như Uber, Grab là hợp đồng hay taxi trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đang được sửa đổi - PV)" - ông Hùng đề nghị.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định những gì chưa có phải đưa vào quản lý; pháp luật chưa đầy đủ thì phải hoàn thiện để quản lý, trên tinh thần muốn làm gì phải theo pháp luật. "Quy định 5 loại hình vận tải đang không rõ ràng, mập mờ, tạo lỗ hổng để lợi dụng. Vẫn còn đâu đó sự bất cập về sân chơi chưa bình đẳng, về điều kiện kinh doanh"- ông Thọ nhìn nhận.
Do đó, ông Thọ đề nghị các địa phương có kiến nghị cụ thể để trình Chính phủ về việc tạm dừng thí điểm để chờ nghị định mới ra đời hay tiếp tục cho thí điểm. Trong khi chờ đợi, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý.
Tới đây, khi sửa đổi Nghị định 86 sẽ đưa điều kiện kinh doanh xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống phải gần nhau. "Trong đó, phải thể hiện rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp công nghệ. Càng rõ bao nhiêu càng dễ quản lý, không mập mờ. Nếu cần thiết phải yêu cầu Uber, Grab đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Tham gia công nghệ, phần mềm, vận tải phải chịu các điều kiện kinh doanh cụ thể" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu quan điểm.
Đại diện Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính đồng tình với kiến nghị yêu cầu Uber, Grab phải thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước là bình thường vì Uber, Grab là loại hình hoàn toàn mới. "Tuy nhiên, Bộ GTVT không nên loay hoay sửa Nghị định 86 mà nên tham mưu việc sửa Luật Giao thông đường bộ, với quan điểm tạo thuận lợi hơn cho điều kiện kinh doanh của DN" - ông Hiếu đề xuất.
10 đơn vị cung cấp phần mềm tham gia thí điểm
Sau 2 năm, ngoài 2 ứng dụng của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab), 8 đơn vị khác cũng đã tham gia Đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. 4 địa phương đã tham gia thí điểm gồm TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Hiện có 866 đơn vị (DN, HTX) với hơn 36.000 phương tiện tham gia thí điểm, trong đó nhiều nhất là TP HCM với 21.600 xe, Hà Nội 15.046 xe.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét