Chưa bao giờ xảy ra bão muộn, mạnh như bão Tembin, rủi ro thiên tai cấp cao nhất
Đánh giá về cơn bão Tembin, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVTW nói: đây là cơn bão cuối mùa, xảy ra hiếm có. Chưa từng có cơn bão muộn nào mạnh cấp 11-12. Diễn biến báo Tembin phức tạp, khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau.
Tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin sáng 23/12, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương (KTTVTW) cho biết, hồi 4h ngày 23/12/2017, vị trí bão Tembin ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 120,9 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippinnes) khoảng 330km về phía Đông Nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13 đang hướng vào biển Đông theo hướng Tây. Dự báo trong thời gian tới, bão di chuyển nhanh, tiếp tục mạnh lên cấp 11-12, giật cấp 15.
Theo dự báo của Đài Quốc tế: Khoảng đêm ngày 25/12, bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực từ Bà Rịa- Vũng Tàu đến Cà Mau, vào thời kỳ triều cao (3,8m).
Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 16- Tembin.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTVTW cho biết: Đây là cơn bão cuối mùa, xảy ra hiếm có.
“Bão muộn như thế này 10 năm mới có 1 cơn, nhưng riêng bão mạnh như thế này, cấp 11-12 thì chưa từng có”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng cho biết thêm, hiện nay Hồng Kông dự báo bão Tembin mạnh cấp 10, Hoa Kỳ dự báo cấp 11. Khi vào đất liền dự báo có thể khác nhau. Các đài dự báo bão sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bộ, đêm 25 sáng 26/12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đất liền.
Còn theo dự báo của Trung tâm dự báo KTTVTW, đêm nay (23/12) bão sẽ vào biển Đông, mạnh cấp 10-11 và liên tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây. Bão sẽ ảnh hưởng đến Nam Bộ, trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau.
Đêm nay (23/12) có đợt không khí lạnh nhưng yếu và lệch đông nên có tác động đến quỹ đạo và cường độ cơn bão nhưng mức độ ảnh hưởng không rõ rệt như cơn bão vừa qua.
Đưa ra kịch bản của bão Tembin, ông Cường cho rằng khi vào quần đảo Trường Sa, bão Tembin đạt cấp mạnh nhất cấp 12, có gió giật cấp 15. Thời gian từ Trường Sa vào đất liền chưa đến 1 ngày, tốc độ di chuyển của bão nhanh, cần sẵn sàng ứng phó. Đêm 25, rạng sáng 26/12, bão đổ bộ vào đất liền, sẽ giảm xuống cấp 10-11, ít nhất là cấp 9.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng xấu là khi vào bờ, bão vẫn giữ nguyên cấp 12. Như vậy, chúng ta sẽ phải cảnh báo cấp độ thiên tai cấp 5, mức cao nhất.
Khả năng thứ 2, với tốc độ di chuyển nhanh, bão Tembin suy yếu khi vào quần đảo Trường Sa và tan nhanh trên đất liền. Do vậy, lượng mưa trong đợt này không lớn, khoảng 100-200mm vùng trọng tâm bão, vùng xa hơn khoảng 50-100mm.
Ông Cường lưu ý bão Tembin sẽ gây sóng biển, nước dâng cao. Tại các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Huyền Trân, sóng cao 10m, khu vực ngoài khơi Nam Bộ sóng cao từ 6 đến 8m.
“Diễn biến báo Tembin phức tạp, không loại trừ khi vào biển Đông sẽ thay đổi”, ông Cường lưu ý.
Cũng theo ông Cường, đêm nay có không khí lạnh yếu, lệch đông nhưng đến ngày 26-27/12 lại có tiếp đợt không khí lạnh thứ 2. Hoàn lưu xa của bão Tembin kết hợp không khí lạnh sẽ gây mưa lớn từ Quảng Bình đến Phú Yên, khoảng 150-200mm trong 3-4 ngày.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai: đêm thứ Hai (25/12), rạng sáng thứ Ba (26/12) bão sẽ vào bờ. Đây là cơn bão mạnh nhưng đổ bộ vào Nam Bộ - khu vực ít bị ảnh hưởng của bão nên kinh nghiệm ứng phó hạn chế và còn có tư tưởng chủ quan của một số chính quyền cơ sở, cộng đồng trong ứng phó bão và có thể lặp lại kịch bản thiệt hại như ở Khánh Hòa trong cơn bão số 12.
Điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, tập quán sinh sống của người dân là những vấn đề khó khăn cho ứng phó.
Khu vực lại có nhiều tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt nhiều tàu nhỏ hoạt động ven bờ có chất lượng không bảo đảm an toàn. Trong 2 ngày 21-22/12 có 9 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển.
Theo thống kê, tổng số tàu thuyền từ Quảng Nam đến Cà Mau- Kiên Giang là 67.507 tàu, trong đó 47.800 tàu gần bờ, 19.708 tàu xa bờ. Đây là thời kỳ vụ cá Bắc nên nhiều tàu thuyền đang hoạt động khai thác. Ngoài ra, đây cũng là khu vực tàu thuyền vào tránh trú cơn bão số 15 (cấp gió không mạnh) nên các tàu mang tâm lý mong muốn được sản xuất dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Đặc biệt hiện nay có 29 điểm sạt lở khu dân cư tập trung ven biển với chiều dài 121km. Các tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau mới chỉ được thiết kế đảm bảo an toàn với bão cấp 9.
Để ứng phó với bão số 16-Tembin, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị, cần tăng cường cập nhật thông tin, kiểm đếm tàu thuyền, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão.
Huy động các lực lượng để kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền; rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là khu vực dân cư trên đảo, ven biển có nguy cơ sạt lở mạnh,…
Riêng đối với huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)… cần rà soát triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch và tàu thuyền. Tùy theo diễn biến của bão, các địa phương chủ động cấm biển.
Theo báo cáo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có 78.000 dân phải sơ tán. Huyện Côn Đảo 1.500 dân phải sơ tán. Nếu sáng mai tình hình không thay đổi sẽ tiến hành di dân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét