Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018


Netflix luôn tự hào rằng công ty chỉ thuê những người "trưởng thành thật sự", và sau khi đã được tuyển dụng, những "người lớn" này được thoải mái sáng tạo và cống hiến mà không phải chịu bó buộc bởi bất kỳ quy trình phức tạp nào.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Nếu từng làm việc trong bất kỳ công ty nào, chắc hẳn bạn đã quá quen với những quy trình: xét duyệt năng lực và tăng lương định kỳ, xin nghỉ phép và mòn mỏi chờ đợi cấp trên duyệt những chi phí cần thiết.

Nhưng tại Netflix, những quy trình trên hoàn toàn không tồn tại.


Nhân viên tại Netflix có thể nghỉ phép bao nhiêu tùy thích. Họ có thể tiêu xài bất cứ khoảng chi phí lớn nhỏ nào, miễn là nó phục vụ cho lợi ích chung của công ty. Nhân viên Netflix cũng không phải nghĩ lý do chống chế và lên danh sách các thành tích cho đợt xét tăng lương mỗi năm vì công ty luôn trả lương cao nhất nhì khu vực.



Netflix - Xem nhân viên như người trưởng thành


Netflix luôn tự hào rằng công ty chỉ thuê những người "trưởng thành thật sự", và sau khi đã được tuyển dụng, những "người lớn" này được thoải mái sáng tạo và cống hiến mà không phải chịu bó buộc bởi bất kỳ quy trình phức tạp nào.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là các "nhân vật trưởng thành" này phải luôn đem lại kết quả tốt cho công ty nếu không muốn nhanh chóng bị cho "ra rìa".


Văn hóa đề cao "Tự do và trách nhiệm" được đề cập đến trong "Netflix culture deck", một file thuyết trình 124 trang được coi là đại diện "kinh điển" nhất của văn hóa tại Thung Lũng Silicon và đồng thời là bí quyết thành công của Netflix.Chỉ trong vòng vài năm, Netflix đã tìm ra mô hình kinh doanh tốt nhất của mình và liên tục tăng trưởng vượt bậc nhờ vào đội ngũ những nhân viên "trưởng thành". Một số công ty khác tại thung lũng Silicon cũng bắt đầu học hỏi bằng cách cho phép nhân viên của mình được tự do làm việc và ít chú trọng đến các tiểu tiết hơn.


"Nếu công ty tin tưởng và cho phép nhân viên của mình tự do phát triển. Đa phần nhân lực tại thung lũng Silicon sẽ vượt ra khỏi sự trong đợi của mọi người," theo Sam Stern, một nhân viên phân tích lâu năm tại Forrester Research.


Làm việc nhiều giờ chưa chắc được tăng lương!

Nhân viên Netflix luôn hiểu rằng họ sẽ không "bị đánh giá" qua số giờ làm, cũng như các nỗ lực hàng ngày. Tại đây, làm việc một cách hiệu quả và sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định thành công. Trên thực tế, các nhân viên có số giờ làm việc nhiều nhưng đem lại kết quả không có gì nổi bật thường bị Netflix "nhắc nhở", còn những nhân viên chỉ làm dưới 40 giờ 1 tuần nhưng lại có hiệu quả cao luôn được cân nhắc lên chức và tăng lương.


Bằng nguyên tắc này, Netflix đã biến mình từ một công ty giao đĩa phim qua đường bưu điện để trở thành tập đoàn phân phối và chiếu phim trực tuyến lớn nhất thế giới. Hiện Netflix đang có hơn 54 triệu người dùng khắp 50 quốc gia, và công ty đang nung nấu ý định mở rộng thị trường lên tới hơn 200 quốc gia chỉ trong vài năm tới.

"Netflix luôn lường trước được những dự kiện sẽ diễn ra trong tương lai và luôn thích ứng rất nhanh trước sự thay đổi của thị trường," Jesper B. Sørensen, giáo sư tại Đại học Stanford cho hay "Tôi nghĩ rằng văn hóa đặc biệt của công ty đã cho phép họ làm điều đó."

Sự thành công của bộ phim "House of Cards" với hàng loạt giải Golden Globe và Emmy là một minh chứng rõ ràng nhất về hiệu quả của văn hóa "tự do và người lớn" của Netflix. Công ty đã tự tin đầu tư vào 2 mùa phim mà không cần phải duyệt trước nội dung. Netflix cho các biên tập và đạo diễn của "House of Cards" có thể tự do làm những gì mà họ muốn.

Tawni Cranz, trưởng phòng nhân sự của Netflix, cho biết công ty luôn muốn giữ văn hóa này cho dù đã trở thành một công ty trên sàn chứng khoán và hiện đang phát triển ra cả thế giới. "Đó là văn hóa của sự tự do và trách nhiệm - không cần luật lệ, không cần chính sách, cũng không cần hệ thống quản lý theo dõi phức tạp, Netflix thay vào đó luôn cho nhân viên của mình hiểu rõ về tầm nhìn của công ty và cho phép họ được tự do làm việc. Đây là bí quyết thành công của Netflix."



Không phải là "Bạn có muốn ở lại công ty?" mà là "Công ty có muốn giữ bạn không?"


Vào nhiều lần trong năm, ban giám đốc ra lệnh cho các quản lý tại Netflix sử dụng "Thuốc thử" để đánh giá các nhân viên của mình: Nếu một trong những nhân viên trong nhóm của anh/chị bày tỏ rằng họ đang có ý định nghỉ việc để chuyển sang một công ty tương tự, anh/ chị có sẵn sàng đấu tranh để giữ người này lại Netflix hay không?


Nếu câu trả lời là "không" Netflix sẽ ngay lập tức đưa nhân viên đó vào danh sách xem xét và đánh giá năng lực. Hoặc trong tài liệu Culture Deck của Netflix có ghi: "Nhân viên có hiệu quả làm việc loại B, dù có nỗ lực đến mức A đi chăng nữa thì cũng sẽ được cân nhắc nghỉ việc."

Dù nghe có vẻ khá "ác" nhưng các quản lý tại Netflix cho rằng đây là một cách hiệu quả để xây dựng nên một đội ngũ nhân viên giỏi nhất.

Netflix cũng tự thừa nhận rằng văn hóa của công ty không phù hợp với mọi người – nhất là những người "coi trọng sự vững vàng, hơn là hiệu quả công việc."

"Áp lực lắm lúc trở nên rất nhiều, rất nặng", theo Patty McCord, giám đốc nhân sự đầu tiên của Netflix, người đã rời khỏi công ty vào năm 2012 sau hơn 14 năm gắn bó.


Netflix – mô hình đáng học hỏi

Tập đoàn Virgin của tỷ phú Richard Branson và công ty HubSpot đã "copy" Netflix và khai tử chính sách nghỉ phép có giới hạn của mình.

Và Lou Shipley, giám đốc của công ty Black Duck Software tại Boston bảo rằng môi trường tại Netflix là niềm cảm hứng to lớn khi ông phát triển công ty. Kể từ khi lên chức vào năm ngoái, Lou Shipley đã cho phép nhân viên được nghỉ phép thoải mái và "ép" họ chỉ làm việc duy nhất 40 giờ một tuần mà không cung cấp bất kỳ một hướng dẫn cụ thể nào khác.

Shipley đặc biệt áp dụng triết lý "không chú trọng tiểu tiết" của Netflix vào công ty của mình. "Bạn phải tập trung vào việc tuyển dụng những nhân tài tốt nhất, tiếp theo hãy cho họ hiểu mục tiêu chung của công ty là gì, và sau đó chỉ việc để họ tự do làm việc," ông cho hay.

Nhờ vào triết lý "học hỏi" từ văn hóa Netflix, Black Duck đã nhanh chóng phát triển trên thị trường và vừa được tập đoàn Synopsys mua lại với giá 548 triệu USD bằng tiền mặt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét