Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018


Đại diện Uber Việt Nam cho rằng phán quyết của Toà án Công lý Hội đồng Châu Âu (CJEU) về việc Uber là một công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải nhưng không áp dụng ở Việt Nam.





Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 22-12, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Giám đốc Chính sách của Uber Việt Nam , cho rằng phán quyết của CJEU hôm 20-12 về "các dịch vụ trung gian sử dụng ứng dụng di động, có thu phí, để kết nối giữa các tài xế không chuyên có phương tiện di chuyển cá nhân và những người có nhu cầu đi lại trong thành phố, về bản chất phải được coi là có liên quan đến một dịch vụ vận tải và được phân loại là ‘một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải" chỉ đúng với hệ thống pháp luật Châu Âu.

Cụ thể, phán quyết này theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, chỉ áp dụng đối với dịch vụ cung cấp bởi các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải. Trong khi tại Việt Nam, mọi phương tiện sử dụng ứng dụng Uber phải là phương tiện hợp đồng, tuân thủ các quy định của pháp luật đối với loại hình này.

Thanh tra Sở GTVT TP HCM trong một lần kiểm tra hoạt động của Uber

Theo đó, đại diện Uber Việt Nam khẳng định chỉ các doanh nghiệp và hợp tác xã được cấp phép kinh doanh vận tải mới được sử dụng ứng dụng của đơn vị này. Vì vậy, phán quyết CJEU không nằm trong khuôn khổ của Đề án "Thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" đang triển khai tại Việt Nam.

Cũng theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Uber Việt Nam không chấp nhận các tài xế không chuyên, không đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong đề án thí điểm đang triển khai.

Đề án "Thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" bắt đầu triển khai từ ngày 1-1-2016 và còn hơn 1 tuần nữa sẽ hết hạn. Hiện Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ - ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã tổ chức tổng kết lại quá trình 2 năm thực hiện thí điểm nêu trên để đánh giá, đưa ra các quy định phù hợp trong hoạt động kinh doanh vận tải giữa loại hình như Uber, Grab và taxi truyền thống.

Theo Uber Việt Nam, dù triển khai cùng một công nghệ trên khắp thế giới, các quy định về Uber nói riêng và quản lý dịch vụ chia sẻ phương tiện nói chung có nhiều khác biệt tại mỗi quốc gia và đơn vị này khẳng định luôn tuân thủ theo khung pháp lý của từng quốc gia, các cơ quan quản lý.

Tại Việt Nam, đại diện Uber cũng khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại và hợp tác để tìm ra giải pháp cho chính sách quản lý dịch vụ chia sẻ phương tiện.

Trước đó, tại hội nghị "Tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hôm 19-12, nhiều địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội vẫn băn khoăn về việc nên xếp Uber, Grab vào loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ hay kinh doanh vận tải để có biện pháp quản lý thống nhất, cũng như công bằng với các loại hình vận tải khác. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của Uber và grab thuộc loại hình kinh doanh vận tải nên phải chịu các điều kiện doanh như các doanh nghiệp vận tải khác. Thậm chí có ý kiến yêu cầu ngừng thí điểm đối với hai doanh nghiệp này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét