Nhìn lại bức tranh 2017 đầy biến động của thế giới
Năm 2017 là một năm đầy biến động với kinh tế thế giới. Những sự chuyển biến trong thị trường tài chính, công nghệ hay chính trị đã khiến nhiều người phải bất ngờ do chúng khác xa với những dự đoán từ năm 2016. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, chính trị thế giới trong năm qua.
1. Trump và việc làm cho nước Mỹ
"Chúng đang khiến hàng loạt các công ty rời bỏ đất nước này cùng những công việc cho người lao động. Và tôi sẽ khiến điều này phải chấm dứt", Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố như vậy trong cuộc tranh cử năm 2016.
Có lẽ, vị lãnh đạo mới của Nhà Trắng trong năm 2017 là nhân vật thu hút được sự quan tâm của công chúng nhất thế giới. Sau một cuộc bầu cử đầy ồn ào năm 2016, Tổng thống Trump tiếp tục có những tuyên bố và động thái khiến thị trường và giới truyền thông phải tốn không ít giấy mực.
Ngoài những quan điểm cứng rắn về thương mại, đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm hay những phát ngôn gây sốc về ngoại giao, có lẽ vấn đề cải thiện lao động và việc làm là yếu tố cốt lõi khiến Tổng thống Trump gây dựng được uy tín trong cuộc bầu cử cũng như dẫn tới hàng loạt các quyết định gây bất ngờ.
Với lý do giữ lại việc làm cho người dân Mỹ, Tổng thống Trump chỉ trích các nền kinh tế nước ngoài như Trung Quốc là thủ phạm cướp các nhà máy sản xuất khỏi người dân nước này. Tổng thống Trump cũng cho rằng các hiệp định thương mại tự do Mỹ từng ký có quá nhiều bất công và muốn thay đổi chúng, đồng thời ra sắc lệnh siết chặt quản lý người nhập cư nhằm gia tăng việc làm kỹ thuật thấp cho tầng lớp lao động địa phương.
Do được tầng lớp lao động ủng hộ trong cuộc bầu cử nên việc Tổng thống Trump bất chấp những lời chỉ trích từ chuyên gia hay báo chí để đưa ra các quyết định mạo hiểm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tình hình có vẻ khó khăn khi nhiều kế hoạch của ông bị cản trở bởi Nghị viện.
Tồi tệ hơn, báo cáo mới đây của Good Jobs Nation cho thấy hơn 10.000 việc làm đã bị di dời khỏi nước Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump chuyển vào Nhà Trắng, cao hơn 100% so với mức bình quân hàng năm dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Nếu tính từ thời điểm Tổng thống Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, nước Mỹ đã mất hơn 93.000 việc làm do các công ty thuê ngoài hoặc chuyển nhà máy sang nước khác, cao hơn mức bình quân 87.000 việc làm bị mất trong 5 năm trước đó.
2. Chủ nghĩa bảo hộ
Cùng với chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, thế giới năm 2017 chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ tại hàng loạt các quốc gia. Việc Tổng thống Trump muốn bảo hộ cho lao động Mỹ là điều không có gì mới, nhưng ngay tại các quốc gia khác như Trung Quốc hay Châu Âu, chính phủ cũng tăng cường bảo hộ doanh nghiệp và lao động trước những đe dọa từ yếu tố bên ngoài.
Tại Châu Âu, cuộc khủng hoảng năm 2008 đi kèm với hàng loạt các cuộc khủng hoảng nợ công sau đó đã khiến nhiều tầng lớp lao động phải chịu thiệt thòi. Tiếp theo đó là làn sóng di cư từ Trung Đông đổ vào đây do xung đột địa chính trị, khiến mâu thuẫn trong xã hội ngày một dâng cao do người bản địa bị cướp việc làm cũng như do bất đồng văn hóa.
Như một giọt nước làm tràn ly, chủ nghĩa cực đoan dân tộc hòa cùng chủ nghĩa bảo hộ bùng cháy tại Châu Âu mà tiêu điểm là việc Anh rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra vào năm 2016, hay còn gọi là Brexit. Trớ trêu thay, sự kiện tại Anh chỉ là mở đầu khi hàng loạt các đảng phái chính trị cực đoan nhận được sự ủng hộ ở Châu Âu qua các vòng bầu cử.
Không dừng lại ở Châu Âu, Trung Quốc cũng đang bị cáo buộc xâm phạm sở hữu trí tuệ và có các chính sách bảo hộ với doanh nghiệp địa phương. Rất nhiều công ty nước ngoài buộc phải liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc đễ có thể dễ dàng làm ăn, hoặc thậm chí là được phép kinh doanh ở thị trường lớn nhất thế giới này.
3. Cách mạng 4.0
Năm 2017 là một năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu cuộc cách mạng 3.0 là sự kết hợp giữa điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất thì cuộc cách mạng công nghiệp lần này đã kết hợp các công nghệ lại với nhau, từ vật lý, kỹ thuật số cho đến sinh học.
Tiêu biểu cho những thành tựu này là việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và công nghệ dữ liệu (Big Data). Ngoài ra, hàng loạt những sản phẩm mới như vật liệu mới, máy in 3D, xe tự lái, công nghệ sinh học mới, hệ thống tự động hóa cao hơn… được phát triển và đưa vào ứng dụng, qua đó thay đổi chuỗi sản xuất và cung ứng trên thị trường.
Theo ước tính của McKinsey, những nhà máy thông minh có thể đóng góp khoảng 2,3 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Trong khi đó, nghiên cứu của MarketsandMarkets cho thấy tổng giá trị thị trường của ngành công nghiệp Internet of things đã đạt 94 tỷ USD vào năm 2014 và sẽ tăng lên 151 tỷ USD vào năm 2020.
Video tạm dừng
Robot tự động xếp hàng cho một xưởng hậu cần chuyển phát nhanh của Trung Quốc
Dẫu vậy, sự phát triển của công nghệ cũng đem lại rất nhiều hệ lụy, tiêu biểu trong đó là rủi ro mất việc làm đối với các lao động kỹ thuật thấp, một trong những nguy cơ lớn với các nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc vào sản xuất hàng giá rẻ.
Nghiên cứu của Viện McKinsey Global Institute cho thấy gần 5% tổng số việc làm của 46 quốc gia trên thế giới sẽ bị thay thế hoàn toàn bằng các công nghệ hiện nay. Riêng tại Mỹ, những việc làm liên quan đến ngành xây dựng, thu thập dữ liệu hay kỹ thuật thấp chiếm tới 51% hoạt động kinh tế toàn quốc với tổng mức lương 2,7 nghìn tỷ USD sẽ dần bị loại bỏ do những ứng dụng từ tự động hóa.
4 cuộc cách mạng công nghiệp
4. Thương mại điện tử và ngành kinh tế chia sẻ
Đi cùng với sự phát triển của công nghệ, ngành thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ cũng bùng nổ theo, kéo theo nhiều hệ lụy liên quan.
Trong khi chuỗi bán lẻ Walmart chật vật với nhiều khó khăn thì hãng thương mại điện tử Amazon lại tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu của Adobe Analytics cho thấy doanh số bán hàng trong ngày Black Friday của Amazon đã tăng gần 17% so với năm trước, trong khi cổ phiếu của hãng này tăng gần 60% từ đầu năm đến nay. Ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo cổ phiếu của hãng này sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018.
Không chịu kém cạnh, hãng thương mại điện tử Alibaba của Jack Ma cũng liên tục bành trướng, thu mua, sáp nhập cũng như tiếp cận các thị trường.
Tuy nhiên, có lẽ nổi tiếng nhất trong năm qua là những công ty của ngành công nghiệp chia sẻ như Uber, Grab, Airbnb… Các hãng này đã làm thay đổi dường như hoàn toàn một ngành kinh doanh tại nhiều nước trên thế giới.
Hàng loạt các hãng taxi ở Châu Âu, Châu Á hay Mỹ đã phải biểu tình trước sự bành trướng của mảng dịch vụ vận chuyển chia sẻ. Các chuyên gia tranh luận về ưu việt của chúng, những nhà hoạch định chính sách đau đầu xem liệu có nên chấp nhận ngành kinh doanh này không, cơ quan thuế thì tích cực truy thu các khoản thuế bị cho là trốn tránh, người tiêu dùng thì hân hoan với mức cước rẻ trong khi các tài xế taxi thì lao đao trước sự thay đổi của thị trường.
5. Môi trường và sự trỗi dậy của xe điện
Nói đến công nghệ năm 2017 thì không thể không nhắc đến xe điện và môi trường. Trước sự biến đổi ngày càng xấu của khí hậu khiến môi trường trở nên tồi tệ hơn, nhiều quốc gia đã tập trung hơn vào việc phát triển các công nghệ xanh, tiêu biểu là năng lượng sạch, ô tô điện.
Trong khi những nước Châu Âu như Đức tăng cường phát triển nguồn năng lượng sạch thì Mỹ lại rút khỏi hiệp định khí hậu Paris với lý do thỏa thuận này có thể gây tổn hại đến các công ty nước này. Bất chấp điều đó, nhiều nước Châu Âu và một số nước Châu Á như Trung Quốc vẫn quyết tâm thực hiện hiệp định này nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới với 300.000 chiếc và cũng là nơi sản xuất ắc quy hàng đầu trong ngành, việc phát triển năng lượng sạch và xe điện là điều dễ hiểu khi môi trường không khí tại đây đã xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm tăng trưởng nóng mà không quản lý.
Điều trớ trêu là Tesla, nhà tiên phong trong ngành của tỷ phú Elon Musk lại đang gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường này bởi chính quyền Bắc Kinh đang bảo hộ rất chặt, ưu tiên sử dụng các hãng xe điện và ắc quy trong nước.
6. Bitcoin
Một trong những tác động nữa của công nghệ đến thị trường là Blockchain và tiền ảo. Nổi tiếng trong số đó là cơn tăng giá chóng mặt của đồng Bitcoin. Giá đồng Bitcoin đã tăng hơn 2.000% trong năm qua tại một số sàn giao dịch và chạm ngưỡng kỷ lục 17.000 USD vào phiên 15/12. Việc đồng Bitcoin được một số thị trường kỳ hạn đưa vào giao dịch đã kích thích các nhà đầu cơ đổ tiền mạnh hơn trong thời gian này. Không riêng Bitcoin, một số đồng tiền khác như Litecoin hay Ethereum cũng tăng giá mạnh.
Trong khi công nghệ Blockchain đang được nhiều công ty hay tập đoàn nghiên cứu ứng dụng thì việc có nên đưa tiền ảo trở thành một loại tài sản hợp pháp hiện nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi nhiều nhà đầu cơ cho rằng những đồng tiền ảo sẽ giúp quá trình lưu thông hàng hóa nhanh gọn hơn, tiết kiệm chi phí do không chịu sự kiểm soát từ bất kỳ ngân hàng trung ương nào thì những người phản đối lo ngại về tính an toàn của tài sản này.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc có nên sử dụng tiền ảo hay không cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, trong khi nhiều nước cấm giao dịch bằng tiền ảo thì một số nước lại không có ý kiến hoặc im lặng chờ xem tình hình trước khi có những quyết định chính thức.
Bất chấp điều đó, cơn sốt tiền ảo trên khắp thế giới vẫn bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt tại Châu Á khi người người đổ xô đi đào Bitcoin, mua tiền ảo và đầu cơ với hy vọng đổi đời.
7. Mong chờ hiệp định TPP
Ngay khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút lui khỏi Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù vậy, những thành viên còn lại mà dẫn đầu là Nhật Bản vẫn quyết tâm đàm phán đi đến ký kết hiệp định này dù không có Mỹ.
Ảnh hưởng từ quyết định rút lui khỏi TPP của Mỹ là khá lớn khi thỏa thuận này chiếm tới 40% GDP thế giới và việc Mỹ rút lui khiến TPP trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà hoạch định chính sách. Thêm vào đó, quyết định này của Tổng thống Trump khiến chính quyền Bắc Kinh có cơ hội quảng bá các kế hoạch của mình như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) hay Con đường tơ lụa (One Belt One Road) đến các nước Đông Nam Á.
8. Bê bối cựu tổng thống Hàn Quốc
Năm 2017 là một năm đầy biến động với chính trường Hàn Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia này có một tổng thống bị quốc hội bãi nhiễm và đưa ra tòa án xét xử. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị người dân và giới chính trị gia chỉ trích mạnh mẽ sau hàng loạt những thông tin cho thấy bà để người bạn thân Choi Soon Sil can thiệp quá sâu vào công việc quản lý đất nước. Hàng loạt các cáo buộc nhắm vào bà Choi với tội danh lạm dụng chức quyền, đe dọa các công ty để thu lợi bất chính.
Vụ việc này gây sự chú ý trên toàn thế giới bởi tình tiết như phim điện ảnh, thêm vào đó liên quan của nó đến nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, từ đó đã tác động mạnh đến nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng như những nước nằm trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn này.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye
9. Khủng hoảng ngoại giao Qatar
Nếu Châu Á có vụ bê bối Hàn Quốc thì Trung Đông có cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar. Do những bất đồng chính kiến, Ả Rập Xê Út và nhiều nước vùng Vịnh đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, gây ra tình trạng cô lập về thương mại, giao thông tại quốc gia giàu có này.
Cho đến thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa Qatar với các nước vẫn chưa hề giảm nhiệt khi Ả Rập Xê Út quyết định đóng cửa vĩnh viễn cửa khẩu với Qatar.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát khi 4 nước Ả Rập Saudi, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Qatar, cũng như cắt đứt mọi liên lạc đường biển, đường bộ và đường không với Doha.
Các nước này cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố và có quan hệ gần gũi với Iran. Doha phủ nhận cáo buộc này và cho rằng những "láng giềng" vùng Vịnh muốn bóp nghẹt nền kinh tế Qatar.
Tình hình diễn ra trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp khiến hàng loạt các quốc gia xuất khẩu dầu tại Vùng Vịnh gặp khó khăn. Mới đây, Ả Rập Xê Út đã phải thông qua khoản ngân sách khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế khi nguồn thu từ dầu mỏ của họ bị giảm sâu.
10. Khủng hoảng kinh tế, chính trị Zimbabwe
Biến động đáng chú ý gần đây nhất là vụ Cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe bị quân đội đảo chính. Dù không thừa nhận nhưng việc nhà lãnh đạo 93 tuổi này phải từ chức, nhường lại vị trí cho Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa cho thấy đã có sự can thiệp của giới quân sự trong cuộc chuyển giao quyền lực này.
Ông Mugabe là nhà lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe từ sau khi quốc gia này giải phóng và đã cầm quyền được hơn 30 năm. Việc lạm dụng chức quyền và hàng loạt chính sách sai lầm của ông Mugabe đã khiến nền kinh tế Zimbabwe chìm vào khủng hoảng đến mức buộc phải sử dụng ngoại tệ thay bằng đồng nội tệ do lạm phát quá cao.
Theo giới truyền thông, quân đội đã tạm giữ ông Mugabe để yêu cầu một cuộc chuyển giao hòa bình, qua đó nhường lại quyền lực cho vị Phó Tổng thống bị cách chức trước đó.
Cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe
0 nhận xét:
Đăng nhận xét