Vì sao hơn nửa triệu người Nhật quay lưng không chịu hòa nhập với xã hội?
So với nhiều nước khác, người Nhật có tâm lý kém hài lòng nhất với bản thân họ. Chỉ khoảng 7,5% người cho thấy họ hài lòng với cuộc sống của mình.
Makoto Takahashi từng là một đứa trẻ năng động, vui vẻ trong những năm tiểu học, khi đến trường, cô bé thường thích chơi bóng đá với các bạn trai.
Thế nhưng khi lên đến cấp hai, đối diện với việc bị bắt nạt ở trường học trong khi bố mẹ và nhà trường không thể tìm được giải pháp nào thích hợp, cuối cùng cô bé học kém dần, khi lên cấp 3, cô học ngày một sa sút hơn và cuối cùng nghỉ học ở nhà.
Thời gian qua đi, khi bạn bè đồng trang lứa đến trường thì Makoto dần tụt lại so với họ và cuối cùng trở thành một hikikomori (người quay lưng với xã hội), một thuật ngữ trong tiếng Nhật để nói đến hơn nửa triệu hoặc thậm chí một triệu người Nhật sống trong nhà, hạn chế tiếp xúc với những người bên ngoài gia đình của họ.
Họ trở nên sợ hãi với những gì xa lạ, thậm chí việc đi ra ngoài quên mang theo một số đồ dùng cá nhân cũng có thể khiến họ trở nên hoảng sợ. Họ cảm thấy sợ gặp người lạ, nhiều bậc cha mẹ đã cố gắng thúc ép thậm chí dọa dẫm buộc con họ phải ra ngoài nhưng con cái họ chỉ ngày một thu mình hơn.
Trong trường hợp của Makoto vào được nhắc đến ở đầu bài viết, thời gian qua đi, sau nhiều nỗ lực cuối cùng bố mẹ cô cũng thuyết phục được cô ra khỏi nhà. Cuối cùng cô kiếm được một công việc bán thời gian tại một trường đại học, thế nhưng vẫn có nhiều lúc cô cảm thấy quá sợ hãi khi ra khỏi nhà mỗi ngày.
Vấn đề hikikomori trong xã hội Nhật không hề mới, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có lên kế hoạch thu hút họ quay trở lại thị trường lao động trong bối cảnh dân số già. Thủ tướng Nhật đã lên kế hoạch sẽ ngăn dân số Nhật giảm xuống dưới mức 100 triệu từ mức 127 triệu dân của hiện tại, đồng thời giúp tất cả thành phần trong xã hội đều được công hiến cho nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.
Cho đến hiện tại, sẽ rất khó để chỉ ra một nguyên nhân đơn nhất nào của tình trạng hikikomori. Hikikomori có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, ví như tình trạng bắt nạt tại trường học, áp lực phải thành công quá lớn trong các kỳ thi cử hoặc trong công việc từ phía gia đình.
Trong một câu chuyện khác, trường hợp của Hideko Takahashi chính là minh chứng rõ nét nhất cho việc áp lực từ phía gia đình đã tạo ra không ít bi bịch cho người trẻ Nhật. Bố mẹ của Hideko đều làm giáo viên tại những trường trung học có tiếng, chính vì vậy áp lực phải thành công trong học tập của Hideko luôn rất cao.
Tuy nhiên việc học ở trường không làm cho Hideko cảm thấy hứng thú. Hideko muốn theo đuổi con đường nghệ thuật, hoặc ít nhất Hideko có nguyện vọng như vậy. Tuy nhiên, cha mẹ của Hideko lại không thể chấp nhận được việc đó. Với họ, con họ cần phải đi học đại học và đi làm công ty theo đúng những gì người Nhật hay làm. Việc một gia đình không có truyền thống nghệ thuật mà con lại muốn theo con đường nghệ thuật hẳn là điều không thể chấp nhận được.
Hideko cũng nghe theo lời cha mẹ và học được đến đại học. Tuy nhiên chính tại ngôi trường này, Hideko tìm được nhiều bạn bè cùng chung chí hướng với mình. Hideko chơi trống trong ban nhạc của trường và muốn tiếp tục theo đuổi mãi nghề đó.
Giữa Hideko và cha mẹ bắt đầu nổi ra nhiều cuộc cãi vã bởi Hideko muốn chuyển hẳn sang chơi trống còn bố mẹ kiên quyết không chấp nhận. Và thế rồi Hideko chán nản, bỏ học nhiều và cuối cùng bỏ hẳn.
Nếu không được chơi nhạc, Hideko không còn cảm thấy hứng thú nữa, hàng ngày Hideko đóng cửa ở trong phòng và không tiếp xúc với bố mẹ, mẹ cậu đến bữa mang cơm để trước cửa phòng còn Hideko trốn xuống rửa bát vào lúc nhà im ắng nhất.
Năm tháng trôi qua, Hideko không đến trường nữa còn bố mẹ cậu cũng để mặc cho đứa con trai loanh quanh một mình. Đã có nhiều lần những nhân viên của tổ chức hỗ trợ cộng đồng đến tìm gặp cậu, nhưng các cuộc nói chuyện này không mang lại nhiều kết quả bởi với bố mẹ Hideko, việc con trai họ đi học nhạc vẫn là điều gì đó không thể chấp nhận được. Hideko tiếp tục cuộc sống của một hikikomori.
Dù vậy, có một số trường hợp hikikomori vẫn có thể thay đổi được cuộc sống của mình. Họ chấp nhận hợp tác với các nhân viên xã hội, nhận được hỗ trợ từ một số tổ chức phi lợi nhuận để có thể tiếp tục đi học. Một số người cũng học được nghề nhất định và có thể tự nuôi sống bản thân mình dù chỉ ở mức tối thiểu.
Họ cho biết, khoảng thời gian sống làm hikikomori cũng khá đáng sợ. Một nữ nhân viên công ty 28 tuổi cho biết: “Tôi sợ sẽ phải né tránh xã hội thêm một lần nữa. Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi khi ngày này qua ngày khác, tôi lo lắng về việc cuối cùng bố mẹ tôi cũng sẽ qua đời, rồi tôi sẽ sống như thế nào sau đó.”
Giáo sư tâm lý học tại đại học Shiga, ông Hachiro Haju, khẳng định tâm lý thiếu tự tin khiến nhiều người trở thành hikikomori. Cùng lúc đó, định kiến của xã hội chống lại những người hikikomori khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện tại Hàn Quốc, Nhật và cả Mỹ cho thấy người Nhật có tâm lý kém hài lòng nhất với bản thân họ. Chỉ khoảng 7,5% người cho thấy họ hài lòng với cuộc sống của mình.
Chính phủ Nhật ước tính có khoảng nửa triệu người Nhật đang là hikikomori, tuy nhiên ước tính của một số tổ chức xã hội uy tín khác lại cho thấy con số này có thể là 700 nghìn hoặc thậm chí lên đến 1 triệu người.
Theo định nghĩa của chính phủ Nhật, những người này được định nghĩa là đã sống trong nhà và tránh tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình ít nhất sáu tháng.
Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng người Nhật nên thay đổi cách nghĩ về những hikikomori để họ tự tin hơn vào cuộc sống và có thể học nghề trở lại đóng góp cho xã hội.
Tính toán của Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật cho thấy khi một người trở lại thị trường lao động, người đó có thể đóng góp cho nền kinh tế đến 98 triệu yên trong suốt cuộc đời của họ.
Rõ ràng, tâm lý khoan dung và cởi mở là vô cùng cần thiết để thay đổi cuộc sống buồn tẻ đáng chán của rất nhiều hikikomori Nhật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét