Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự
Một người dân mở cửa hàng bán phở nhưng chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Kinh doanh trái phép”. Hiện vụ việc đang bị Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm. Thật không thể tin đây lại là chuyện thật.
Các biên bản xử phạt vi phạm hành chính, kết luận điều tra vụ án của Công an huyện Bình Chánh và cáo trạng của Viện KSND huyện Bình Chánh đối với quán phở của anh Nguyễn Văn Tấn
Sự việc diễn ra khiến rất nhiều cá nhân kinh doanh xôn xao, bàn tán…
“Tôi phạm tội… cạnh tranh với căn tin công an quận!”
Đó là lời than của anh Nguyễn Văn Tấn (cư ngụ quận Bình Tân).
Anh kể, anh thuê mặt bằng tại địa chỉ C12/26 khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh để mở quán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng. Ngày 8-8-2015, anh khai trương cửa tiệm.
Chỉ sau 5 ngày khai trương, vào ngày 13-8-2015, hai chiến sĩ Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra hành chính, lập biên bản vi phạm “kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Hoảng hồn, ngay hôm sau, anh lên UBND huyện đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể. Chỉ 5 ngày sau, anh được UBND huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thế nhưng, với hành vi kinh doanh không phép theo biên bản kiểm tra ngày 13-8 trước đó, anh bị Trưởng Công an huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Quý ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng!
Trong khi, nếu chỉ với hành vi không đăng ký kinh doanh thì Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định mức phạt chỉ 7,5 triệu đồng.
Mặc dù biên bản kiểm tra chỉ ghi lỗi “không đăng ký kinh doanh” nhưng sở dĩ số tiền phạt lên đến 17 triệu đồng là vì Trưởng Công an huyện Bình Chánh đã tự phạt thêm 4 hành vi nữa (theo Nghị định 178/2013/NĐ/CP) gồm: “Vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm”; việc sử dụng khu vực chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh là “Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín”; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”; không lưu trữ đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Thử hỏi, người kinh doanh chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì tại sao đòi hỏi những giấy này?!
Số tiền phạt quá lớn, anh Tấn đứng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Anh đã lỡ ký hợp đồng thuê nhà thời hạn 5 năm, giá 4 triệu đồng/tháng và đã thế chân, nếu bỏ thì mất tiền thế chân.
Do vậy, anh chọn giải pháp ngưng kinh doanh để tiến hành các thủ tục theo yêu cầu. Trong lúc chưa chạy được tiền nộp phạt, ngày 10-9-2015, hai cán bộ Công an huyện Bình Chánh tiếp tục đến kiểm tra, anh Tấn không còn kinh doanh không phép nữa thì bị công an kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm!
Biên bản lần này ghi anh vi phạm hành chính về hành vi “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm” theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, trong khi quán của anh Tấn đã ngưng bán đồ ăn từ trước!
Anh chưa hết hoang mang thì công an quận lại tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với anh. Anh nói như mếu: “Bán phở kiếm sống thì tội tình gì mà xử lý hình sự đối với tôi. Phải chăng do cửa tiệm tôi đối diện công an quận nên phạm tội… cạnh tranh với căn tin của họ!”.
Tréo ngoe, vẫn lọt cửa viện?
Nhiều người hốt hoảng hỏi, bán phở mà cũng phạm tội kinh doanh trái phép? Điều 159 Bộ luật Hình sự quy định tội kinh doanh trái phép như sau: “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…”.
Từ đó, Công an Bình Chánh dùng 2 biên bản kiểm tra vi phạm hành chính làm căn cứ cấu thành tội phạm vì cho rằng anh đã “tái phạm” kinh doanh trái phép.
Thế nhưng, kiểm tra các bút lục hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy biên bản kiểm tra lần 1 chỉ ghi hành vi vi phạm là “không đăng ký kinh doanh”. Khi kiểm tra lần 2 thì anh Tấn đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ăn uống, giải khát. Biên bản lần 2 chỉ xác định 2 lỗi mới là “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm”.
Thế nhưng, phía gia đình của anh Tấn dù đã giải thích rõ, họ đã ngưng kinh doanh ăn uống, chỉ bán nước giải khát, nhưng vẫn không được chấp nhận.
Với hồ sơ như thế, không thể xác định anh Tấn đã tái phạm “kinh doanh không phép” nhưng Trưởng Công an huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Quý vẫn ký quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Ngoài ra, có rất nhiều điều đáng nói trong hồ sơ này.
Thứ nhất, theo lời kể của những người làm chứng trong lần kiểm tra đầu tiên, biên bản ghi lập lúc 9 giờ và kết thúc lúc 9 giờ 15 phút cùng ngày, thế nhưng, đến 10 giờ một người tên là Nguyễn Thị Sơn Trang mới đến ký vào mục “Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền”. Và hôm sau, khi công an quận trao photocopy biên bản vi phạm cho anh Tấn thì lại thấy có thêm chữ ký của anh Hoàng Sơn (được biết là cảnh sát khu vực).
Thứ hai, cả hai biên bản kiểm tra được lập ghi rõ thành phần kiểm tra là 2 cán bộ công an huyện, thế nhưng, trong kết luận điều tra lại ghi “Đội cảnh sát điều tra tội phạm phối hợp Phòng Y tế, Công an Thị trấn Tân Túc kiểm tra”.
Thứ ba, trong biên bản kiểm tra lần 2 chỉ ghi nhận 2 hành vi như kể trên nhưng trong kết luận điều tra do Trưởng Công an huyện Nguyễn Văn Quý ký lại ghi thêm “kinh doanh sai địa điểm” và “thải nước thải chưa qua xử lý vào môi trường” (?!). Chỉ cần lấy 2 biên bản kiểm tra của công an đối chiếu với kết luận điều tra sẽ phát hiện ngay điểm “lạ” này. Nhưng điều ngạc nhiên là cơ quan kiểm soát các vụ án hình sự vẫn để lọt dễ dàng. Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh Lê Thanh Tòng vẫn phê chuẩn quyết định khởi tố và đưa cả những điểm bất nhất của hồ sơ vụ án vào cáo trạng.
Triệt đường sống…
Trong lúc người kinh doanh nhỏ lẻ ở Bình Chánh xôn xao về vụ án này thì công an huyện đã làm động tác gửi công văn hỏi UBND huyện Bình Chánh để xác minh thêm và làm rõ ông Tấn có kinh doanh sai ngành nghề hay không và có bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Ngày 2-10-2015, UBND huyện ký Công văn số 2211/KT phúc đáp như sau: “Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tấn hoạt động kinh doanh ăn uống là kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký. Đối với phần ghi chú trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao là chỉ nhằm mục đích thông tin cho hộ kinh doanh biết để thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Trường hợp hộ kinh doanh không thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định”.
Nội dung trả lời đã rõ, chỉ phải đăng ký đối với thực phẩm có nguy cơ cao. Nếu có vi phạm quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm thì chỉ bị xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm, chứ không phải là tái phạm hoạt động kinh doanh trái phép để khởi tố vụ án hình sự. Thế nhưng, Công an huyện Bình Chánh vẫn mặc kệ nội dung phúc đáp này và tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với anh Tấn.
Chưa hết, công an đã kết luận điều tra ngày 25-1-2016 và đã chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát, tòa án thì đáng ra, các quyết định tiếp theo phải là của viện kiểm sát và tòa án, đằng này, đến ngày 22-2-2016, Công an huyện lại gởi công văn đề nghị UBND huyện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho anh Tấn.
UBND huyện phải gửi công văn trả lời là không có cơ sở thu hồi!
Và một điều khuất tất đáng ngờ nữa là sau khi bị làm khó về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ ngày 4-10-2015, anh Tấn đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng đến nay Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh vẫn không giải quyết mà cũng không trả lời lý do tại sao.
Mọi “cửa” đã đóng lại với người bán phở Nguyễn Văn Tấn. Giờ anh không biết phải làm thủ tục gì, đành ngưng kinh doanh ăn uống, nhưng cả năm qua, tháng nào anh cũng phải “gánh” tiền thuê mặt bằng. Đã vậy, anh đang phải đối diện với cái án hình sự từ trên trời rơi xuống. Không ai có thể ngờ, người nghèo bán được tô phở khổ đến vậy!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét