Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018


Tuy nhiên để đánh đổi cho thành tích ấy là tỉ lệ học sinh tự tử cao nhất trong số những quốc gia phát triển trên thế giới. Hiện thực ấy đang diễn ra ở Hàn Quốc.





Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền giáo dục xuất sắc nhất trong số các nước phát triển - đây là hiện thực không thể bàn cãi.

Quốc gia này thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là tổ chức sử dụng bài test PISA nhằm đánh giá học sinh quốc tế ở độ tuổi 15. Và trong nhiều năm, Hàn Quốc luôn đạt top đầu trong số 70 quốc gia thành viên.



Nếu so sánh với thời kỳ sau Thế Chiến II, đây là một tiến bộ vượt bậc, khi thời điểm đó chỉ có 5% người Hàn được học hết trung học. Không có quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, người Hàn đã chọn cách đầu tư dài hạn và lâu bền nhất, đó là con người cùng tri thức.

Tuy nhiên để đánh đổi cho thành tích ấy là tỉ lệ học sinh tự tử cao nhất trong số những quốc gia phát triển trên thế giới. Hiện thực ấy đang diễn ra ở Hàn Quốc.

Theo một nghiên cứu năm 2012 của Viện chính sách thanh thiếu niên Quốc gia Hàn Quốc, cứ 4 học sinh lại có 1 có ý định tự tử. Còn theo Quỹ nâng cao sức khỏe Hàn Quốc, tỉ lệ là 1:8. Dù có chênh lệch khá lớn do quy mô nghiên cứu, nhưng rõ ràng tỉ lệ học sinh tự tử ở Hàn Quốc đã luôn ở mức cao.

Hàn Quốc - Làm tất cả để vào đại học

Có một quan niệm cho rằng những quốc gia tại châu Á rất xem trọng thành tích học tập. Nhưng theo rất nhiều nhận định thì Hàn Quốc đã đưa quan niệm này lên một tầm cao mới.

Quốc gia này thực sự xem trọng việc học tập, luôn ưu tiên kết quả cao. Và cũng bởi vậy, cha mẹ cũng luôn đặt vào con cái những kỳ vọng khổng lồ.



Học, học và học là hiện thực diễn ra trong đời sống học đường Hàn Quốc

Trong một bài phỏng vấn trên trang The World of Buzz, một nam sinh 16 tuổi giấu tên (tạm gọi là A) đã quyết định lên tiếng chia sẻ về những căng thẳng trong việc học, mà cậu gọi là "sự tra tấn".

"Cuộc sống học đường của hầu hết học sinh trung học Hàn Quốc đều giống nhau, và đó là địa ngục, ngày qua ngày." - A cho biết.

"Khi bắt đầu kỳ học, ngôi trường bắt đầu trở nên đáng sợ. Em chỉ có 3 tiếng để ngủ mỗi ngày."

"Ngay cả vào lớp 1, áp lực cạnh tranh giữa các học sinh đã rất lớn."

Cuộc cạnh tranh trở nên nặng nề nhất vào những năm trung học. Trong một bài phỏng vấn khác trên trang Al Jazeera, một nam sinh 17 tuổi khác là Kim Young Hwan đã thẳng thắn so sánh nền giáo dục giống như lạc trong rừng vậy.

"Nền giáo dục Hàn giống như một khu rừng. Ở đó phải cạnh tranh sinh tồn, ăn hoặc bị ăn."

Nhưng tại sao phải cố gắng đến vậy? Lý do được đưa ra là vì tất cả mọi người đều phải học, với mục tiêu chen chân vào giảng đường đại học. Dường như quan niệm phải vào đại học mới có công ăn việc làm tử tế vẫn đang hằn sâu vào tiềm thức của người dân Hàn Quốc.

Trong số các trường đại học, danh giá nhất là nhóm SKY - gồm 3 trường ĐH quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc, và ĐH Yonsei. "Vào được những nơi này có thể quyết định xem bạn làm được gì cho đời, và cô vợ bạn cưới sẽ như thế nào. Đó là tương lai." - Kim cho biết.



Đại học Hàn Quốc - một trong 3 trường ĐH thuộc nhóm SKY

"Tất cả đều muốn vào đại học và cao đẳng, hệ thống trường học trở thành chiến trường, nơi các học sinh phải cạnh tranh thật lực." - A đau khổ chia sẻ.

"Em chỉ mong cánh cửa địa ngục ấy (ý là kỳ học) mở sớm để qua cho sớm. Em còn tận 2 năm nữa."

Áp lực đến từ mọi phía

Để đạt được mục tiêu, đáp ứng kỳ vọng gia đình, hiển nhiên học sinh Hàn Quốc phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Kim Young Hwan chia sẻ rằng cậu và các bạn cùng lớp mỗi ngày phải học chính khóa từ 8h đến 15h40.

Rất nhiều học sinh sau đó ở lại trường đến tối muộn để hoàn thành bài tập (thư viện tại Hàn thường mở cửa đến 11h đêm). Số khác thì đến các lớp luyện thi buổi tối. Chuyện một ngày dành 12h cho việc học là điều rất bình thường.



"Em chẳng có thời gian để nghĩ về tương lai hay ước mơ nữa" - Inchae Ryu, một nam sinh khác chia sẻ. Tất cả thời gian của cậu là để dành cho việc học.

Vào thời điểm bài kiểm tra cuối kỳ đến gần, lịch học của học sinh Hàn dày đến mức thời gian ngủ chỉ còn chưa đến 4h mỗi ngày (trường hợp của A là 3h). Họ thường xuyên về đến nhà vào thời điểm gần nửa đêm, và chỉ có vài giờ đồng hồ để sửa soạn đi ngủ, để rồi tiếp tục guồng xoay vào sáng hôm sau.

Việc vào đại học trở nên quan trọng đến mức có một câu nói rất nổi tiếng trong đời sống của người Hàn Quốc, tạm dịch như sau: "Bạn ngủ 3h mỗi đêm mới mong vào các trường trong SKY; nếu ngủ 4h mỗi đêm, bạn có thể vào các trường khác; nếu ngủ 5h hoặc nhiều hơn - đặc biệt là năm cuối trung học - thì quên chuyện đó đi".



Áp lực nặng nề đến mức bật khóc

Nhưng việc học không phải là áp lực duy nhất. Thực tế theo thống kê của Bộ giáo dục Hàn Quốc, 41% sinh viên đại học thất nghiệp trong năm đầu tiên sau khi ra trường. Điều này đã tạo ra thêm một áp lực khác nữa cho học sinh Hàn Quốc - nỗi sợ về tương lai.

"Em rất lo lắng về tương lai. Liệu có vào được trường đại học mình đã chọn? 20 năm sau thì điều gì sẽ xảy ra? Em có mất việc không?." - A chia sẻ.



Ảnh minh họa

Áp lực khủng khiếp dồn nén mỗi ngày có thể tạo ra trầm cảm. Vậy nên cũng không khó có thể tưởng tượng ra việc Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới.

"Trước kia, em chẳng hiểu vì sao người ta muốn tự tử. Còn giờ thì em mệt đến mức nghĩ đến cái chết vài lần trong ngày."

Tham khảo: World of Buzz

0 nhận xét:

Đăng nhận xét