Chuyên gia quốc tế phân tích: Vì sao không nên tái đàm phán TPP với Mỹ?
Theo ông Stephen Grenville, thành viên không trực thuộc Viện nghiên cứu Lowy tại Sydney, các nước châu Á – Thái Bình Dương nên hoan nghênh sự trở lại của Hoa Kỳ, nhưng chỉ khi các điều khoản hiện tại được giữ nguyên.
Một năm về trước, Hoa Kỳ rút khỏi TPP khi Hiệp định gần tiến đến thống nhất. Nhưng gần đây, Tổng thống Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ cân nhắc trở lại TPP nếu họ đạt được những thỏa thuận tốt hơn.
Với ông Trump thì nghệ thuật đàm phán chỉ là một trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game), tức là một bên được lợi thì bên kia sẽ bất lợi. Nếu Tổng thống Trump tái đàm phán và đạt được những điều khoản tốt hơn cho Hoa Kỳ, có thể 11 thành viên còn lại buộc phải tiến tới một hiệp định TPP không có Mỹ.
Các quốc gia thuộc TPP-11 cần làm rõ rằng họ hoan nghênh sự trở lại của Hoa Kỳ, nhưng với điều kiện các điều khoản hiện tại được đảm bảo và sẽ không có tái đàm phán.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông Trump đã thay đổi quan điểm là phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos vào tháng trước, khi phỏng vấn với CNBC. Vị Tổng thống nói: "Hoa Kỳ sẽ tham gia TPP nếu chúng tôi có được một hiệp định tốt hơn".
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đưa ra bình luận về việc Nhật Bản, Úc và 9 quốc gia khác cam kết thực thi TPP phiên bản không có Mỹ. Ông nói: "Hoa Kỳ đã ký kết hiệp định với một vài nước trong số đó (trong TPP). Chúng tôi sẽ cân nhắc đàm phán với từng quốc gia hoặc theo nhóm nếu các nước đều quan tâm tới vấn đề này".
Vài ngày sau, Tổng thống Hoa Kỳ tiếp tục đề cập tới việc tái đàm phán TPP trong một bài phát biểu. Ông cho biết: "Chúng ta sẽ cải thiện những hiệp định thương mại chưa tốt và đàm phán thêm những hiệp định mới".
Hiệp định CPTPP sẽ được ký vào tháng 3 tới, với sự tham gia của 11 nước thành viên. Các điều khoản của Hiệp định cơ bản giống với phiên bản cũ khi vẫn có Hoa Kỳ.
Các điều khoản được chia làm hai nhóm khác nhau. Đầu tiên là các điều khoản thương mại nhằm khuyến khích xuất nhập khẩu. Mặc dù vẫn còn phân biệt đối xử giữa các nước thành viên và các nước ngoài TPP, các điều khoản này vẫn mang lại lợi ích tích cực cho các nước thành viên.
Nhóm thứ hai liên quan đến các cam kết "đằng sau biên giới", bao gồm rất nhiều nội dung như sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước, luật lao động, môi trường, vv… Với các điều khoản này, nếu Hoa Kỳ được lợi thì các nước khác sẽ chịu thiệt.
Nếu Mỹ thắt chặt các quy định về sở hữu trí tuệ đối với thuốc sinh học thì người tiêu dùng ở các nước khác sẽ phải trả giá đắt hơn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu của họ sẽ bị kìm kẹp. Nếu Washington thay đổi quy định về lao động và môi trường, các quốc gia còn lại buộc phải điều chỉnh luật theo Mỹ. Điều này có thể không phù hợp với nhiều nước, đồng thời giúp tăng tính cạnh tranh của Hoa Kỳ. Những vấn đề gây tranh cãi này đã được tháo gỡ khi TPP được đàm phán trước đây. Tuy nhiên, ông Trump vẫn muốn Washington nhận được nhiều ưu ái hơn.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao không nên tái đàm phán để xem yêu cầu của Tổng thống Trump có thể được đáp ứng hay không. Trong những hiệp định thương mại đa phương, càng nhiều thành viên thì lợi ích tổng thể càng lớn, các quốc gia như Việt Nam sẽ vô cùng được lợi nếu TPP có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi đàm phán với một nước lớn về các vấn đề về kinh tế và an ninh cùng với sự phức tạp của quan hệ giữa các nước, những nước yếu thế hơn sẽ khó đạt được một thỏa thuận tốt. Nói cách khác, nếu ông Trump không chịu nhượng bộ thì Hoa Kỳ sẽ được lợi.
Nếu tái đàm phán, ngay cả khi những điều khoản mới tệ hơn thì các nước thành viên như Nhật Bản, Australia hay New Zealand vẫn phải ký một hiệp định không mấy có lợi do tính chất của quan hệ quốc tế.
Theo ông Stenphen Grenville, lý tưởng nhất là cả 11 nước thành viên của TPP-11 cùng tuyên bố hoan nghênh sự trở lại của Hoa Kỳ, nhưng các điều khoản sẽ không thay đổi. Đây là một tuyên bố hợp lý và không công kích. Các quốc gia lớn như Nhật Bản, Australia và New Zealand cần phải đi đầu.
Bài phát biểu của Tổng thống Trump ở Davos đã nói lên tất cả: "Nước Mỹ trước tiên, không phải là nước Mỹ một mình". Tất nhiên rồi, Hoa Kỳ không thể đứng một mình. Nếu họ muốn ký kết các hiệp định, họ phải tìm đến các nước khác. Tư tưởng chính của thương mại toàn cầu là tất cả các bên tham gia đều có lợi. Thế nhưng quan điểm của ông Trump đang đi ngược lại với lý tưởng này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét