Cứ tham gia BHYT 5 năm liên tục là đi viện không mất tiền? Khỏe 360
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến, nhưng phải kèm theo một số điều kiện sau.
Theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung từ ngày 1/1/2015, các trường hợp có thẻ BHYT đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục kể từ ngày tham gia và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở cần liên hệ với nơi cấp thẻ để được cấp “Giấy chứng nhận miễn đồng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo.
Lý giải rõ hơn vấn đề này, một lãnh đạo cơ quan BHXH cho biết, quy định “đủ 5 năm liên tục” này được tính kể từ ngày 1/1/2015 khi Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi và bổ sung bắt đầu có hiệu lực. Như vậy, từ ngày 1/1/2015, người tham gia BHYT liên tục không bị gián đoạn quá 3 tháng được gọi là “thời gian liên tục”, và hoàn toàn không phân biệt doanh nghiệp mua hay mua tự nguyện tại hộ gia đình.
Để được hưởng quyền lợi theo “5 năm liên tục” này sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố:
- Một, thời gian 5 năm liên tục.
- Hai, khi đã có tham gia 5 năm liên tục và trong một năm tài chính (từ ngày 1/1 - 31/12), nếu người đóng BHYT đi thăm khám chữa bệnh, khoản chi phí đồng chi trả trong một đợt hay nhiều đợt điều trị phải bỏ ra (20%) quá 6 tháng lương cơ sở (1.210.000 x 6 tháng = 7.260.000 đồng), những lần khám sau, người tham gia BHYT mới không phải đóng và được quỹ BHYT chi trả 100%. Và đến năm tài chính sau được quay lại tính tiếp như vậy.
Để hiểu được “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” là gì, nên hiểu về nguyên tắc “cùng chi trả”. Tiền khám, chữa bệnh được chi trả theo nguyên tắc cùng chi trả nghĩa là bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành chi trả một phần và người khám chữa bệnh cũng sẽ phải chi trả một phần. Khi đã được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, nguyên tắc cùng chi trả sẽ không tiếp tục áp dụng trong năm đó, tức người đi khám chữa bệnh sẽ không cần tiếp tục cùng với bảo hiểm xã hội chi trả các chi chi phí khám chữa bệnh đến hết năm dương lịch.
Để được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người khám chữa bệnh cần phải thỏa mãn điền kiện đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở được áp dụng từ ngày 1/5/2016 là 1.210.000 đồng/tháng).
Tóm lại, dòng chữ “đủ 5 năm liên tục” phát huy tác dụng khi mình rơi vào bệnh điều trị kỹ thuật cao, ví dụ chi phí cho một cuộc mổ xẻ có thể vượt quá 7.260.000 đồng. Còn những lần khám chữa bệnh sau trong năm, BHYT sẽ chi trả toàn bộ.
Mọi người dân tham gia BHYT khi có đủ điều kiện đó nên đến ngay cơ quan bảo hiểm xã hội làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm để được hưởng quyền lợi miễn 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
-Bản chính các hóa đơn.
-Biên lai thu tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT từ đầu năm.
-Thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng.
Theo Quảng An
Tiền phong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét