Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018


Có thể nói năm 2016 là một trong những năm bùng phát các thông tin thất thiệt, gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích khách hàng. Bên cạnh việc chờ đợi sự xử lý từ các cơ quan chức năng, cũng đã đến lúc người tiêu dùng cần trở nên tỉnh táo hơn trong việc tiếp nhận những thông tin hàng ngày.





Trong những tháng cuối năm, việc nhiều mẫu nước mắm xuất hiện hợp chất Asen đã thổi bùng lên làn sóng phản đối. Dư luận hoang mang lo sợ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng đã sẵn sàng cho một cuộc tẩy chay ở mức độ lớn và bên chịu thiệt chính là các nhà sản xuất nước mắm theo phương pháp cổ truyền. Sự vào cuộc của các chuyên gia cũng như những cơ quan chức năng đã dập tắt các luồng thông tin không chính xác.

Khi sự việc liên quan đến các sản phẩm nước mắm còn chưa tạm lắng, việc Dầu gội dược liệu Thái Dương bị cáo buộc có chứa Ketoconazole tiếp tục gây xôn xao. Sự việc gây chú ý bởi bên tố cáo chính là một trong những tập đoàn Quốc tế lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Tập đoàn này cũng cho rằng sản phẩm của công ty Cổ phần Sao Thái Dương không đảm bảo yếu tố “dược liệu” như trong tên gọi. Sau những cáo buộc này, cơ quan Y tế tỉnh Hà Nam đã nhanh chóng vào cuộc và có các kết luận “giải oan” cho sản phẩm Dầu gội dược liệu Thái Dương. Theo đó, hợp chất Ketoconazole được chứng minh hoàn toàn an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, các thành phần chính của sản phẩm này đảm bảo yếu tố thiên nhiên như tên gọi.


Dầu gội Thái Dương được chứng minh hoàn toàn an toàn với da đầu. (Nguồn Internet)

Có thể nói, đây là trường hợp hiếm hoi một doanh nghiệp đã “đấu tranh” kịp thời để bảo vệ chất lượng sản phẩm và hình ảnh thương hiệu. Tuy nhiên, việc liên tục xuất hiện các thông tin tiêu cực đã làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời dấy lên những nghi ngờ về việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Với việc các mạng xã hội như Facebook phát triển, các thông tin đang được phát tán và chia sẻ với tốc độ chưa từng thấy. Tuy nhiên, chất lượng của các thông tin này lại gây ra nhiều lo ngại.

Năm 2013, thông tin về việc sữa dê Danlait là sữa giả nhập từ Trung Quốc đã khiến doanh nghiệp này “điêu đứng”. Bất chấp việc sau này các cơ quan chức năng đã xác nhận chất lượng và nguồn gốc nhập khẩu của sản phẩm, Danlait đã buộc phải rời khỏi thị trường do những tác động gây ra là quá lớn. Đáng chú ý, các thông tin này ban đầu chỉ là tin đồn xuất phát từ một diễn đàn dành cho cha mẹ.

Để tránh các trường hợp tương tự xảy ra, bản thân người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình khả năng tìm hiểu và chọn lọc. Thay vì hoảng sợ trước những tin đồn tiêu cực, điều đầu tiên cần làm là bình tĩnh và kiểm tra lại sự chính xác của thông tin. Người tiêu dùng cần đợi những kiểm định cuối cùng từ phía các cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa ra quyết định cuối cùng một cách chính xác nhất.

Người tiêu dùng cần biết chọn lọc các thông tin để đưa ra các lựa chọn chính xác nhất.(Nguồn Internet)

Có thể nói, việc cạnh tranh vốn dĩ là điều hết sức bình thường và tạo ra nhiều lựa chọn cho khách hàng. Tuy nhiên, những hình thức cạnh tranh dựa trên sự thiếu thông tin của khách hàng lại gây ra nhiều tác động tiêu cực tới xã hội, khiến cho người tiêu dùng hoang mang và mất niềm tin vào thị trường. Để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình, người tiêu dùng hơn lúc nào hết cần giữ sự tỉnh táo để có những lựa chọn chính xác nhất.

A.D

Theo Trí Thức Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét