Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp, trong đó nhiều nội dung đang bị các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia phản đối
Trong khi đại diện Bộ Y tế cho rằng người Việt đang sử dụng rượu bia ở mức nguy hại thì nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh rượu bia lại cho rằng mức tiêu thụ của Việt Nam thua xa nhiều nước, thậm chí đang giảm sút.
Người Việt uống 4 tỉ lít bia/năm
Báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ gần 43 lít bia/năm. Con số này cũng cao hơn so với năm 2016 gần 3,8 lít bia. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước với bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm, trong khi chi tiêu cho y tế chỉ bình quân 113 USD/người.
Tuy nhiên, tại hội thảo mới đây do Bộ Y tế tổ chức để lấy ý kiến các bên liên quan về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đại diện VBA cho rằng thực trạng sản xuất - kinh doanh, sử dụng rượu bia tại Việt Nam ở mức trung bình. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của thị trường rượu bia trong 3 năm gần đây giảm. Lượng cồn nguyên chất tiêu thụ tại Việt Nam chỉ là 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 nước theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Mức tiêu thụ bia bình quân theo đầu người ở Việt Nam thua xa các nước: Úc, Ba Lan, Đức, Estonia, Nhật Bản...
Phản bác điều này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết tỉ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia thuộc dạng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới. Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn/năm. Về tiêu thụ rượu bia, Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Đặc biệt, tốc độ gia tăng sử dụng là đáng lo ngại khi chỉ 15 năm, Việt Nam tăng tới 74%.
Người trẻ tuổi uống rượu bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm. "Nếu tính độ tuổi sử dụng rượu bia là trên 15 thì trung bình mỗi người Việt uống khoảng 6,6 lít cồn nguyên chất nhưng ở Việt Nam có tới 77% nam giới uống rượu bia. Con số này tương ứng với mức tiêu thụ trung bình khoảng 27 lít cồn nguyên chất mỗi người. Đây là mức rất cao. Không những thế, tỉ lệ sử dụng rượu bia tăng nhanh hằng năm. Giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ số cồn trung bình là 3,8 lít/năm nhưng chỉ sau 5 năm đã tăng gấp đôi. Dự tính khoảng 5 năm tới, mức độ tiêu thụ cồn ở Việt Nam sẽ vào khoảng 7 lít/năm" - bà Trang dẫn chứng.
Rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn là tác nhân gián tiếp gây bất ổn xã hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuyên truyền thôi, chưa đủ!
Nhiều DN cho rằng dự thảo luật nên bỏ phương án bán rượu bia theo giờ. Bởi lẽ, việc cấm sẽ khiến người tiêu dùng có xu hướng uống nhiều hơn hoặc thiếu trách nhiệm trước giờ "giới nghiêm". Việc này còn thiếu tính khả thi trong hoạt động giám sát, kiểm tra, đặc biệt vào khung giờ cấm ban đêm.
Cùng đó, đại diện VBA cũng cho rằng việc sản xuất rượu bia giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp quan trọng vào ngân sách. VBA đề nghị Bộ Y tế xem lại tính khả thi của quy định về hạn chế quảng cáo, tài trợ đối với bia.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết đến nay, WHO đã xác định không có ngưỡng an toàn của sử dụng rượu bia. Vì thế, không có ngưỡng cho sự lạm dụng.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Phòng chống ung thư quốc tế, sử dụng rượu bia dù ít (dưới 1 lon bia 330 ml) vẫn có mối liên quan với nhiều loại ung thư: vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... Các chuyên gia cũng tiếp tục khẳng định tác hại khôn lường của rượu bia là người dùng không kiểm soát được hành vi dẫn đến bạo lực, tai nạn giao thông, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe với nhiều căn bệnh nguy hiểm.
"Việc chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của rượu bia sẽ không có hiệu quả trong giảm tiêu dùng thức uống này ở mức nguy hại. Cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế tính sẵn có rượu bia, hạn chế việc tiếp cận và tiêu dùng. Nhiều nước trong khu vực đã ban hành luật kiểm soát buôn bán, tiêu thụ rượu bia" - ông Quang nhấn mạnh.
DN rượu bia lãi "khủng"
Các thống kê cho thấy DN rượu bia ở Việt Nam đang kinh doanh có lãi và rất thuận lợi. Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế của Sabeco năm 2017 là 4.562 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước; Habeco cũng lãi 658 tỉ đồng. Chủ tịch Heineken châu Á - Thái Bình Dương Frans Eusman cho biết hãng này đang đổ tiền vào Việt Nam bởi đây là thị trường có khả năng sinh lãi lớn thứ 2 cho hãng, chỉ sau Mexico.
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm mức tiêu thụ rượu bia, kiểm soát việc cung cấp mặt hàng này. Thậm chí, để giảm khả năng tiếp cận rượu bia, cần đánh thuế thật cao đối với mặt hàng này. Theo chuyên gia của WHO, Việt Nam nằm trong số những nước đồ uống có cồn rất sẵn có và giá rẻ nên dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu bia.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA:
Nhiều văn bản mà quản không xong
Chỉ có lạm dụng rượu bia hoặc sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm mới là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc cho rằng sản phẩm rượu bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm có tác hại giống như rượu bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ là chưa chính xác.
Những ý kiến về tác hại của rượu bia đối với kinh tế - xã hội cũng cần được xem xét lại. Cần có điều tra thực tế tại Việt Nam chứ không thể lấy số liệu quốc tế với điều kiện khác rất xa Việt Nam để nói rằng chi phí cho việc phòng chống và khắc phục tác hại của rượu bia lớn gấp 1,5 lần đóng góp ngân sách của ngành.
Mặt khác, rượu là hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định của Luật Thương mại. Sản xuất, kinh doanh rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Bia rượu còn được xếp vào loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 65%. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Vì vậy, khi xây dựng luật, cần có báo cáo đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật này và trả lời câu hỏi tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt được? Nếu thực hiện tốt các văn bản đã có và khắc phục được các hạn chế đó thì có cần thiết phải ban hành luật mới hay không?
Đại diện Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco):
Nên quản lý, thu thuế rượu tự nấu
Habeco về cơ bản ủng hộ quan điểm của VBA. Bản thân Habeco cũng đang chuẩn bị một văn bản phản hồi để gửi cơ quan soạn thảo dự thảo luật là Bộ Y tế.
Về nội dung, chúng tôi dự kiến sẽ phản hồi về quy định thu phí của bia bởi cho rằng đây là quy định không đúng. Quy kết cho bia gây tác động đến sức khỏe là không hợp lý mà phải tập trung vào mặt hàng rượu, nhất là rượu mà người dân tự nấu, không kiểm soát được chất lượng. Rượu mới chính là loại đồ uống ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và cần phải quản lý để thu được các loại thuế, phí từ đây.
Ngoài ra, bản thân người Việt Nam đã có ý thức quan tâm đến sức khỏe rồi, không cần phải cho ra đời một luật nữa. Người dân sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình dựa trên chính mối quan tâm cá nhân của họ.
Cũng cần phân tích đến yếu tố du lịch. Trước đây, du lịch chưa phát triển nhưng trong một vài năm nay, tăng trưởng du lịch rất cao, mỗi năm tăng 30%. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sẽ đạt khoảng 17 triệu người trong năm 2018. Khách du lịch đến kéo theo nhu cầu sử dụng rượu bia tăng cao. Vì thế, không thể lấy sản lượng tiêu thụ để chứng minh cho việc người Việt ngày càng tiêu thụ nhiều rượu bia.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế:
Mập mờ "uống có trách nhiệm"
Ban soạn thảo xây dựng luật nhận được nhiều kiến nghị của DN sản xuất, kinh doanh rượu bia về việc bỏ đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe vì các công ty này đang dành một khoản tiền lớn cho các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về "uống có trách nhiệm".
Tuy nhiên, đây là khái niệm mập mờ vì không ai có thể xác định ngưỡng ở đâu, đã uống thì khó mà dừng được. Thông điệp này chỉ có ý nghĩa với người không uống rượu bia, còn thường thì người uống không kiểm soát được bản thân cũng như trách nhiệm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét