Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018


Hiện chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí người nông dân khi trở nên giàu có cũng không muốn quay lại sản xuất, theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT, thành viên HĐQT The PAN Group.





Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nông nghiệp Việt Nam đối với nền kinh tế?

Trong 30 năm Đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam là một trong những ngành kinh tế chói lọi nhất. Xuất khẩu nông sản đã trở thành một mũi nhọn của đất nước, liên tiếp vượt qua các kỷ lục. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành một cường quốc về xuất khẩu nông sản trong vùng với rất nhiều mặt hàng, trong đó, có hơn 10 mặt hàng là có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng các cơ hội đang đan xen với thách thức. Bởi chúng ta muốn xuất khẩu thì phải mở rộng cánh cửa hội nhập theo đó, mặt mạnh và yếu của nông nghiệp đều được phô bày. Điểm mạnh của nông nghiệp Việt là sản xuất hàng hữu cơ rẻ, khối lượng nhiều, thích ứng nhanh, đa dạng với đối tượng. Tuy nhiên, chúng ta yếu về vệ sinh an toàn, thương hiệu, mẫu mã...

Như vậy, có thể thấy bước vào giai đoạn mới sản xuất, nông nghiệp có cơ hội to lớn nhưng đồng thời đi kèm với những thách thức rất lớn.



Giải cứu nông sản là một trong những vấn đề nhức nhối trong thời gian qua, theo ông tại sao có hiện tượng này?

Thời đầu của quá trình Đổi mới, điều chúng ta lo nhất là có đủ lương thực để ăn, đủ nông sản cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tốc độ tăng dân số về sau đã tăng lên rất nhanh, đi kèm tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức thu nhập của người dân tăng nhanh,... Điều này khiến cơ cấu về tiêu dùng thay đổi rõ rệt. Song song quá trình đó, chúng ta mở rộng hội nhập, nên có thể nói giai đoạn đầu Việt Nam đã cố gắng sản xuất để có nhiều nhất, nhanh nhất và rẻ nhất.

Giai đoạn đấy qua rất nhanh, chớp mắt một cái giờ Việt Nam đã đứng trước đòi hỏi mới của người tiêu dùng, kể cả người tiêu dùng trong nước, là phải có thực phẩm sạch, chất lượng cao, có thương hiệu, thậm chí là yếu tố văn hoá đạo đức trong đấy.

Chúng ta đang ở trong điểm uốn để chuyển từ sản xuất phát triển theo chiều rộng sang là sản xuất phát triển theo chiều sâu.

Muốn làm được tất cả những điều này thì phải bắt đầu từ thể chế. Tức là việc làm thế nào để hơn 9 triệu bà con nông dân làm ăn nhỏ lẻ liên kết lại với nhau, mở rộng quy mô ra chứ không phải là mỗi hộ dân chỉ có 0,5 – 0,6 ha đất sản xuất.

Bên cạnh đó, cần lôi kéo thêm doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp. Hiện chúng ta chỉ có chưa tới 1% doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong nông nghiệp, người sản xuất là nông dân nhưng người buôn bán phải là doanh nhân. Thiếu doanh nhân thì sản xuất sẽ không có đầu tàu. Thế nên hai mũi này phải gắn lại với nhau. Đây là thách thức rất lớn.

Để giải quyết vấn đề này rất cần có chính sách của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước phải là nhạc trưởng, người dẫn dắt. Nghĩa là phải tạo ra hệ thống chính sách, thủ tục thông thoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Ông có nhắc đến con số 1% doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp, tại sao lại có sự hãn hữu này?

Cách đây không lâu, chúng ta đã có Nghị định 75 thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực ra nhiều năm trước, cũng đã có Nghị định 210 tương tự. Nhưng suốt một thời gian dài, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng không vượt lên được tỷ lệ 1%, đặc biệt hầu như không có doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào nông nghiệp. Các đại gia rất lẫy lừng trong công nghiệp, hay BĐS muốn đầu tư vào nông nghiệp cũng có, họ thực tâm huyết, thực sự muốn làm nhưng hết sức khó.

Đếm đi đếm lại trong nông nghiệp cũng chỉ có một vài doanh nghiệp kiên trì nhất, dũng cảm nhất như Vinamilk, TH True Milk, các doanh nghiệp làm tôm hay Lộc Trời kiên quyết đứng ở lại. Tại sao lại vậy?

Phải nói là các doanh nghiệp phàn nàn nhiều về thủ tục. Đối với doanh nghiệp mới lập nghiệp, họ gặp khó khăn về điều kiện tham gia. Những doanh nghiệp đã hoạt động thì gặp khó khăn về các đoàn đến kiểm tra, kiểm định, kiểm soát quá nhiều.

Nhà nước thực tế cũng đã đưa ra nhiều chính sách tốt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nông nghiệp nhưng để tiếp cận được chính sách là điều cực kỳ gian nan. Đấy còn chưa kể đến cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.

Nhiều chính sách về vốn cũng đang hạn chế, doanh nghiệp đói vốn khó tiếp cận được vốn từ ngân hàng do những thủ tục, rào cản khiến ngân hàng muốn "với tay" cho doanh nghiệp cũng không được.

Mà không phải nói doanh nghiệp đâu, ngay cả người nông dân khi giày lên, họ cũng không đầu tư vào nông nghiệp mà dùng tiền để đầu tư cái khác!

Cảm ơn ông!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét