Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Sau khi đăng ký giao dịch trên UPCoM cuối tháng 12/2016, nhiều thông tin tài chính của Công ty cổ phần Giày Thượng Đình cũng được hé lộ.

Là thương hiệu có hơn 55 năm lịch sử, với sản phẩm nổi tiếng là giày vải, song hoạt động kinh doanh cũng như tình hình tài chính của Giày Thượng Đình cũng gặp không ít thách thức những năm gần đây.

Tại báo cáo tài chính đã kiểm toán giai đoạn từ 1/1 đến 18/7/2016 của doanh nghiệp, kiểm toán viên đã nêu ra nhiều ý kiến về các khoản chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng phải thu khó đòi. Theo đó, đại diện kiểm toán cho rằng việc chưa trích lập các khoản dự phòng này khiến tổng lợi nhuận trước thuế của Giày Thượng Đình được ghi tăng thêm hơn 8,5 tỷ đồng.

Cụ thể tại báo cáo, Giày Thượng Đình ghi nhận doanh thu hơn 160 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, nếu theo ý kiến kiểm toán viên, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sau dự phòng sẽ âm hơn 6 tỷ. Kết quả này cũng chưa tính đến các khoản nợ khó đòi chưa được trích lập.

Hoạt động kinh doanh của Giày Thượng Đình gặp nhiều khó khăn thời gian qua.

Trong bản công bố thông tin, doanh nghiệp này cho biết, tổng số nợ xấu tính tới thời điểm 18/7 đạt hơn 13 tỷ đồng, song giá trị thu hồi chỉ hơn 250 triệu đồng. Ban lãnh đạo cho biết 12,4 tỷ đồng trong số nợ xấu nêu trên thuộc về trách nhiệm của bà Đỗ Thị Hòa và các thành viên có liên quan (bao gồm con rể bà Hòa và Công ty TNHH Thương mại Bảo hộ lao động Giày dép do bà Hòa làm Giám đốc). Tính đến 18/7, doanh nghiệp vẫn chưa đối chiếu được khoản công nợ và thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Nếu toàn bộ khoản nợ xấu nói trên được trích lập, lợi nhuận của Giày Thượng Đình sẽ giảm một khoản tương ứng 12,4 tỷ đồng. Và với kết quả kinh doanh như hiện tại, doanh nghiệp sẽ phải gánh khoản lỗ hàng chục tỷ.

Về cơ cấu tài sản, danh mục bất động sản đang sở hữu của Giày Thượng Đình gây chú ý với khu đất hơn 36.000 m2 tại đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Thông tin về mục đích sử dụng, doanh nghiệp dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng làm nhà máy và trụ sở đến hết năm 2018, sau đó từ năm 2019 sẽ thực hiện di dời ra ngoại thành. Phương án sử dụng khu đất sau di dời chưa được nói đến.

Giày Thượng Đình từng là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường với sản phẩm chủ lực là giày vải và giày thời trang. Những sản phẩm này đã được công ty xuất khẩu đi các thị trường Đông Âu (cũ), EU từ những năm 1985.

Trong nước, cách đây khoảng 15-20 năm, nhãn hiệu Giày Thượng Đình, đặc biệt là giày vải sử dụng trong lao động và thể thao là một trong những sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích. Liên tục trong những năm từ 2000 - 2006, các sản phẩm của công ty đứng top đầu trong những cuộc bình chọn từ khách hàng.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia hội nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, sự xuất hiện của các thương hiệu nước ngoài đã tác động trực tiếp đến hoạt động của công ty.

Các sản phẩm từ các thương hiệu lớn như Nike, Adidas... đã dần thay thế giày Thượng Đình trong các cửa hàng. Bản thân hoạt động của công ty cũng gặp nhiều khó khăn khi doanh thu vẫn đạt vài trăm tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ loanh quanh ngưỡng 1 tỷ đồng những năm gần đây.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét