Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng, trên cơ sở kiến nghị của các thành viên Hội đồng Tư vấn.
Chỉ đạo này được Phó thủ tướng đưa ra tại phiên họp thường kỳ quý III/2016 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chiều 30/9.
Theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đào Quang Thu, 9 tháng đầu năm GDP tăng khoảng 5,93%, trong đó quý III tăng 6,4%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2015 nhưng đã tăng khá cao so với quý II và quý I/2016. Trong đó, nông-lâm nghiệp đã bắt đầu có tăng trưởng trở lại đạt 0,65%; công nghiệp chế biến chế tạo là 11,2%, xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 9,1% …
"Tính toán thì tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt khoảng 6,3-6,5%, nhưng khả năng cao là 6,3%", ông Thu cho hay.
Đồng tình với quan điểm GDP khó đạt kế hoạch, Phó thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tăng trưởng của quý IV/2016 phải đạt 8,3% thì mới có thể đạt được mức tăng GDP 6,7% cho cả năm, trong khi bình quân quý IV các năm trước chỉ khoảng 5,6-7%.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng. Ảnh:Nguyễn Hoài
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Tư vấn chung nhận định, GDP cả năm 2016 tăng từ 6,1- 6,3% cũng là cố gắng lớn trong bối cảnh điều kiện tài khóa, tiền tệ "chật chội".
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại phiên họp, đến hết tháng 9 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11%, bằng mức tăng cùng kỳ 2015; tín dụng cho vay tiêu dùng tới hết tháng 8 đã tăng 29%. Cơ quan này đánh giá, chất lượng tín dụng đã được kiểm soát chặt và mở rộng tín dụng với bất động sản, cho vay trung, dài hạn.
Trước xu hướng tăng mạnh dư nợ vay trung, dài hạn, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, cơ quan này đã lưu ý các ngân hàng thương mại chủ động cân đối vốn để tránh rủi ro trong hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã cung ứng lượng tiền lớn qua kênh thu mua ngoại tệ và không hút mạnh tiền về, để dư thừa thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào giúp giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. "Khi các tổ chức tín dụng gặp khó khăn thanh khoản có thể vay trên thị trường liên ngân hàng, mà không cần phải vay tại thị trường 1 - huy động từ dân cư. Điều này đã giải tỏa tâm lý găm dữ, đầu cơ ngoại tệ và ổn định được mặt bằng lãi suất huy động, giảm áp lực tăng lãi vay", Phó thống đốc phân tích.
Tuy nhiên, từ một số kiến nghị của các thành viên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng huy động trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư để đánh giá rõ hơn thực trạng nền kinh tế; làm rõ hơn những nguyên nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua để có giải pháp cho nền kinh tế đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2016. Đặc biệt là có giải pháp nâng cao cầu nội địa và thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng hơn; giảm chi phí trung gian cho doanh nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, lạm phát 9 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8, tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, diễn biến lạm phát cơ bản ổn định, tháng 9 so với cuối 2015 tăng 1,58%, cùng kỳ tăng 1,85% vẫn trong khoảng dao động hẹp. Thách thức điều hành tiền tệ cơ bản ổn định. Trong điều kiện lạm phát như vậy thì có dư địa điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ.
Đồng tình với các ý kiến phát biểu của các thành viên và cho rằng cũng là mong muốn của Chính phủ trong quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên tiếp tục bám sát diễn biến tình hình tài chính quốc tế để tiếp tục thảo luận, tham mưu với Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét