Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Trời mưa to gây ngập lụt những ngày qua ở Sài Gòn khiến nhiều người chuyển sang sử dụng taxi, Grab, Uber, nhưng tài xế các dịch vụ vận chuyển này vẫn than thất thu.

Thông thường, các hãng taxi sẽ "hài lòng" với thời tiết mưa gió vì giúp sản lượng khách tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, mưa to đến mức có thể gọi là thiên tai như mấy ngày qua thì cánh tài xế lẫn công ty cũng không mấy vui vẻ gì.

“Mưa to quá như mấy hôm cũng chán lắm. Coi vậy chứ không chạy hơn được gì đâu mà còn tệ hơn. Đường đi đâu cũng kẹt, rồi ngập nước. Chạy xong một cuốc cũng trần thân”, anh Tuấn – một tài xế chạy Grabcar thường xuyên tại khu vực quân 3 chia sẻ.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Tuấn Anh – CEO của Grab Taxi Việt Nam xác nhận, các ngày mưa vừa qua khiến hoạt động của dịch vụ có thời điểm rơi vào tình trạng quá tải, nhưng hiệu quả thì không cao.

“Mấy ngày mưa gió lượng khách tăng lên rất nhiều, thậm chí là quá tải. Tuy nhiên xe hư nhiều, đường sá kẹt và ngập thì làm sao đón khách”, ông Tuấn Anh cho biết.

Mưa lụt khiến nhu cầu sử dụng taxi, Grab, Uber tăng cao nhưng các tài xế vẫn kêu thất thu. 

Theo thống kê sơ bộ, hầu hết các hãng taxi tại TP HCM đều ghi nhận tình trạng số xe hư hỏng vì trận ngập lớn do mưa hôm  26/9, trung bình dao động từ 5 đến 20 xe mỗi hãng. Ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, dù chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính cũng vài chục xe hãng này bị hư hỏng.

“Mưa mà không gây ngập thì khách sẽ tăng lên. Còn mưa to quá như hôm trước thì thua. Thứ nhất là khách người ta trú hết. Thứ hai là tài xế thấy ngập quá cũng phải dừng. Tính ra đợt mưa vừa qua coi vậy chứ còn thất thu, thấp hơn khi có mưa bình thường”, ông Hỷ nhận xét và cho rằng chỉ khi trời mưa nhỏ dầm dề thì giới kinh doanh taxi mới thật sự “làm ăn” được.

Thực tế, trong mấy ngày mưa to vừa qua, rất nhiều người, đặc biệt là nhân viên văn phòng chọn taxi làm phương tiện di chuyển. Các cơn mưa lại thường diễn ra vào cuối giờ chiều, nằm trong khung giờ cao điểm mà các dịch vụ đặt xe như Uber hay Grab sẽ tự động điều chỉnh giá tăng lên. Mức độ tăng giá sẽ biến động càng cao khi có càng nhiều khách cùng đặt nhưng ít tài xế nhận (chủ yếu vì điều kiện đường sá không cho phép).

Một số khách hàng phản ánh, chức năng Dynamic Pricing (tự động điều chỉnh giá) của Uber có lúc tăng giá 2 lần, thậm chí 4 lần. Đối với khách hàng của Grab, họ phải chấp nhận cách tính giá của đơn vị này bao gồm: giá trên km di chuyển + biểu giá linh động khi nhu cầu tăng cao. Đó là chưa kể khách hàng di chuyển tại một số quận của TP HCM giờ cao điểm còn phải trả thêm khoản phụ phí từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng. Dù vậy, ông Tuấn Anh vẫn cho rằng, các cơn mưa to vừa qua là bất lợi đối với hãng.

“Mấy chuyện mưa lớn thế này cũng không ai vui. Như Grabcar bên này thì không lúc nào đáp ứng nổi. Còn GrabBike thì mưa to là không ai đi. Mấy ngày này còn thất thu hơn. Chỉ mong là trời đừng mưa”, ông trần tình.

Theo Đài dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do đang giữa mùa mưa và gió tây nam hoạt động mạnh nên TP HCM sẽ còn tiếp tục đón các cơn mưa to trong hơn một tuần nữa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét