Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017


Phí sử dụng lòng đường, vỉa hè cao nhất lên tới 240.000 đồng/m2/tháng, gấp 3 lần hiện nay. Giá vé trông xe máy tăng từ 3.000 lên 5.000 đồng.




Chiều 5/12, với 100% đại biểu có mặt nhất trí, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung quy định thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn. Mức phí sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm.

Khu vực trên tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng sử dụng lòng đường trông giữ ôtô; từ 45.000 lên 135.000 đồng/m2/tháng đối với trông giữ xe máy.


Hà Nội tăng phí vỉa hè từ đầu năm 2018. Ảnh: Phương Sơn


Khu vực từ trung tâm thành phố đến vành đai 3 sẽ được điều chỉnh tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến ngoại thành.

Các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iParking), được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu.

Cùng với việc điều chỉnh trên, mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới sẽ được tăng lên. Xe máy tăng từ 3.000 lên 5.000 đồng/xe/lượt; ôtô tăng từ 30.000 lên 50.000 đồng/xe/lượt.

Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1.700.000 lên 2.600.000 đồng/ôtô/tháng.

Việc tăng phí cho thuê lòng đường, vỉa hè và tăng giá trông giữ ôtô, xe máy được thực hiện từ ngày 1/1/2018.

Đề xuất đấu giá việc sử dụng lòng đường, vỉa hè

Trước khi HĐND thành phố thông qua, góp ý vào dự thảo nghị quyết, đại biểu Hoàng Huy Được nhắc đến ý kiến của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại hội nghị đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị (ngày 4/3) "trên 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng đằng sau".

Ông Được đặt câu hỏi: "Khi tăng phí thì hệ lụy là gì? Ai là người thụ hưởng? Thành phố được bao nhiêu tiền từ việc tăng phí này?".

Theo ông Được, trên địa bàn thành phố hiện có hàng triệu xe máy, nên việc tăng phí cho thuê vỉa hè, đồng thời tăng giá trông giữ phương tiện sẽ tác động đến tất cả hộ gia đình trên địa bàn.


Đại biểu Hoàng Huy Được chất vấn việc tăng phí cho thuê lòng đường, vỉa hè. Ảnh: Hoàng Hùng.


"Thành phố nên tổ chức đấu giá việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để tạo sự minh bạch, tránh nghi ngờ", ông Được nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban pháp chế HĐND TP Hà Nội, chia sẻ ý kiến đại biểu Được về việc tăng phí đồng thời với tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc lạm thu; xử lý những tổ chức, cá nhân lập các điểm trông giữ xe trái phép hoặc thu quá giá quy định.

"Ngày cuối tuần, tôi để ôtô ở trung tâm Hoàn Kiếm cũng phải trả không dưới 50.000-100.000 đồng", ông Nam nêu thực tế và giải đáp câu hỏi đại biểu Được "chỉ người hoạt động trái phép thụ hưởng, người dân không được hưởng, nhà nước không thu được mấy".



Giải trình ý kiến đại biểu HĐND, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho hay, việc tăng mức phí như trên là để thực hiện nghị quyết giảm ùn tắc giao thông và tiệm cận theo mức giá thực tế các điểm trông giữ đang thu. Ví dụ xe đạp giá nhà nước 2.000 đồng nhưng điểm trông giữ thường thu 5.000 đồng; xe máy là 5.000 đồng nhưng thu 10.000 đồng; ôtô 30.000 đồng/2h nhưng thu 50.000 đồng...

Theo ông Viện, mục tiêu tăng phí không phải để tăng thu ngân sách. "Năm 2017 mức thu cho thuê vỉa hè được khoảng 38 tỷ, mức thu mới sau khi tăng phí 113 tỷ, tăng lên không đáng kể theo tổng mức đầu tư", ông Viện nói.

Cũng theo ông Viện, khi thành phố tổ chức lấy ý kiến thì "đa số người dân và cơ quan đồng tình với việc tăng giá", đây là lần đầu thành phố thực hiện việc này.

Võ Hải

0 nhận xét:

Đăng nhận xét