Góp ý dự luật Giáo dục sửa đổi, đại diện tỉnh Lào Cai chia sẻ năm 2017 có 26 giáo viên THPT xin thôi việc, lý do thu nhập thấp.
Sáng 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo góp ý cho dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục với sự tham dự của đại diện 14 tỉnh thành phía Bắc. Phần lớn đại biểu đồng tình với nội dung sửa đổi 29/120 điều của Luật Giáo dục, đặc biệt quy định về nâng lương giáo viên, miễn học phí THCS…
Lương giáo viên quá thấp
Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, ông Phạm Văn Đại chỉ ra thực tế ngành giáo dục đang khó thu hút nhân tài và nam giới. Tỷ lệ giáo viên nam bậc THPT của thủ đô chỉ chiếm 15% tổng số. Nguyên nhân cơ bản là lương giáo viên quá thấp.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục tỉnh Lào Cai, ông Trần Quang Vượng chia sẻ thực tế số giáo viên xin ra khỏi ngành tăng đột biến. Chỉ cấp THPT, chưa hết năm 2017 đã có 26 thầy cô xin thôi việc, gấp 4 lần số lượng năm 2015. Trong đó có cả giáo viên ở thành phố, cả người trẻ và người thâm niên công tác 10 năm.
“Càng về cuối năm, chúng tôi càng nhận được nhiều đơn xin nghỉ của giáo viên, ở tất cả cấp bậc từ mầm non đến THPT. Thầy cô vì thu nhập thấp, không đáp ứng được cuộc sống nên muốn chuyển sang công việc khác”, ông Vượng nói và thông tin nhiều giáo viên sau khi chuyển sang ngành dịch vụ có thu nhập cao gấp 4-5 lần.
Từ thực tế này, các đại biểu cho rằng cần nâng lương giáo viên. Quy định “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” nêu trong dự luật sửa đổi do đó nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, một số đại biểu góp ý cần thêm “cán bộ quản lý giáo dục” vào danh sách tăng lương. Bởi nhiều cán bộ đi lên từ giảng dạy, nếu không quy định rõ thì khi chuyển sang làm quản lý, họ sẽ bị mất thâm niên và giảm thu nhập.
Giáo viên đang hưởng lương thế nào? Đồ họa: Tiến Thành - Quỳnh Trang
Đại diện 14 Sở Giáo dục đều cho rằng, quy định miễn học phí THCS nêu trong dự thảo là cần thiết. Phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bắc Ninh, ông Phan Xuân Quyết dẫn Nghị quyết 29 “thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”. Giáo dục bắt buộc thì nhà nước phải cung cấp học phí, việc miễn học phí cho cả cấp THCS thay vì chỉ cấp tiểu học như hiện nay, là hợp lý.
“Dù mức thu học phí hiện không cao, nhưng nếu miễn được cho học sinh, thì việc phổ cập giáo dục sẽ thuận lợi hơn”, ông Quyết nói.
Đồng tình với chủ trương miễn học phí THCS, nhưng Phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Thi cho rằng điều này có thể gây khó khăn cho ngân sách nhà nước. Quy định mức chi thường xuyên cho hoạt động giáo dục chiếm 20% ngân sách, nhưng thực tế nhiều tỉnh chỉ có thể đáp ứng 10%. “Nếu giờ không thu học phí thì ngân sách có đáp ứng được không?”, ông đặt câu hỏi.
Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng, cần xem xét thêm việc hỗ trợ học phí cho học sinh trường dân lập. Quy định là phổ cập giáo dục bậc tiểu học, tiến tới là THCS cho tất cả trẻ em, nhưng hiện nay trẻ học dân lập lại không được hưởng thụ chính sách đó, như vậy là chưa công bằng.
Mặt khác, theo ông Phạm Văn Đại, khi miễn học phí trường công lập THCS, các trường dân lập sẽ bị sức ép về mặt tuyển sinh. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu tăng tỷ lệ trẻ học trường ngoài công lập các cấp.
“Theo tôi luật nên quy định tất cả học sinh ở bậc tiểu học và THCS đều được cấp học phí, trong đó nêu rõ mức cấp cho trường công lập, dân lập. Điều này sẽ tạo ra sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong xã hội”, Phó giám đốc Đại nói.
Tăng tuổi nhận trẻ mầm non từ 3 lên 6 tháng
Giáo dục mầm non 5 tuổi đã được phổ cập nên theo nhiều đại biểu Nhà nước nên miễn học phí cho cấp học này. Lãnh đạo Sở Giáo dục Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam đề xuất tăng tuổi nhận trẻ từ 3 lên 6 tháng tuổi để phù hợp thực tế.
Lãnh đạo Sở Giáo dục tỉnh Hải Phòng đề xuất tăng tuổi nhận trẻ vào trường mầm non lên 6 tháng tuổi.
Giáo viên Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Hà Nam) cho biết, điều lệ trường mầm non hiện nay quy định nhà trường phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Thực tế không phụ huynh nào gửi trẻ từ độ tuổi này, nhà trường cũng không thể nhận trẻ dưới một tuổi do cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu.
“Để chăm trẻ 3-6 tháng tuổi, trường phải cử riêng một giáo viên chăm sóc một em hoặc nhiều lắm là 3 trẻ một cô. Nhưng hiện nay chúng tôi thực hiện 2 giáo viên phụ trách một lớp 35-40 trẻ, nên nếu phụ huynh nào muốn gửi con từ 3 tháng tuổi, nhà trường cũng đành từ chối”, cô giáo nói.
Do Luật Bảo hiểm xã hội đã thay đổi thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 3 lên 6 tháng, cô Thủy cho rằng Luật Giáo dục cũng cần nâng độ tuổi nhận trẻ mầm non để phù hợp tực tế và Luật Bảo hiểm.
Quỳnh Trang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét