Cơ quan thẩm tra cho rằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề xuất mới đây cần được báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Quan điểm này được Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nêu khi thẩm tra báo cáo về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội ngày 17/10.
Nhắc việc kế hoạch này đề cập đến dự án làm hơn 1.300 km cao tốc Bắc - Nam, Chủ nhiệm Ủy ban - Nguyễn Đức Hải phân tích đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế.
"Với dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Bộ Giao thông vận tải tính toán, để xây thêm hơn 1.300 km cao tốc Bắc - Nam cần khoảng 230.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Giang Huy
Giải trình thêm về dự án này, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho hay, dự án đường cao tốc Bắc – Nam đã được đưa vào là một trong các công trình trọng điểm trong kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn 5 năm. Thực tế, đề xuất của Bộ Giao thông chỉ là một phần trong dự án tổng thể đường cao tốc Bắc – Nam, để nối toàn tuyến chứ không phải là dự án mới; một số dự án thành phần của đường cao tốc này đã hoàn thành như đoạn Long Thành – Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình…
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội - Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, kế hoạch sử dụng 80.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng theo đề xuất của Chính phủ là số tiền lớn. Từ kinh nghiệm việc thực hiện xây dựng cao tốc Quốc lộ 1 và 14 đạt hiệu quả rất cao khi đã có chủ trương của Quốc hội, ông Hiển nhấn mạnh, đề án này cần đưa ra cơ quan này xem xét, quyết định để tập trung nguồn lực.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020, với tổng mức đầu tư gần 230.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là huy động từ nhà đầu tư.
Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.
Trong văn bản góp ý kiến về dự án này, Bộ Tài chính cũng lo lắng việc thu xếp đủ vốn cho dự án. Theo đó, đề xuất ngân sách hỗ trợ 40,7% vốn là rất lớn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng.
Ngay cả nguồn huy động vốn nhà đầu tư bên ngoài, ngành ngân hàng thời gian qua đã cho các nhà đầu tư BOT vay ở mức khá cao nên dư địa không còn nhiều. "Do vậy, việc huy động vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay) nên định hướng lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng huy động được các nguồn vốn ngoài nước với mức lãi suất vốn vay hợp lý", văn bản của Bộ Tài chính nêu ý kiến.
Kết luận thảo luận tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, do đây là dự án đầu tư lớn về cả vốn và quy mô nên thường trực Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn thiện lại hồ sơ, báo cáo và trình Quốc hội theo đúng Luật Đầu tư công.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét