Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Cơ quan thẩm tra kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngay cả mức phấn đấu tăng trưởng kinh tế GDP 2016 được Chính phủ đưa ra là 6,3-6,5% cũng khó khả thi, chỉ là kỳ vọng.

Quan điểm này được Uỷ ban Kinh tế đưa ra khi thẩm tra báo cáo về phát triển kinh tế xã hội năm 2016, kế hoạch 2017 được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đây cũng sẽ là một phần trong nội dung thảo luận của cơ quan thường trực Quốc hội tại phiên làm việc ngày 17/10.

Theo báo cáo phát triển kinh tế xã hội năm 2016 của Chính phủ, chỉ tiêu GDP năm nay được Quốc hội thông qua là 6,7%, tuy nhiên mức thực hiện thực tế sẽ thấp hơn, GDP chỉ có thể đạt 6,3-6,5%. Và để đạt được mức tăng này, tăng trưởng kinh tế quý IV phải cao hơn nhiều các quý trước.

Bản báo cáo của Chính phủ cũng dẫn ra một loạt những dư địa chính sách để chứng minh mục tiêu GDP tăng 6,3-6,5% hoàn toàn có thể đạt được, như số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao; thu hút vốn FDI tăng và theo quy luật thì GDP quý cuối bao giờ cũng cao hơn các quý trước…

Tuy nhiên, thẩm định báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những dư địa chính sách mà Chính phủ đề cập là “chưa chắc chắn, chưa định lượng cụ thể”.

“Kết quả ước thực hiện GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó đạt được”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Vũ Hồng Thanh nhận xét.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, mức GDP phấn đấu 6,3-6,5% mà Chính phủ đề cập cũng khó khả thi, chỉ là kỳ vọng. Ảnh: VPQH

Đề cập quan điểm GDP 2016 không về đích, ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập đến những nguyên nhân khách quan mà chưa phân tích rõ về những nguyên do chủ quan.

Theo một số ý kiến, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra.

Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cao và sự yếu kém của một số ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn ở mức khá cao, gây khó khăn trong hạ mặt bằng lãi suất cho vay của doanh nghiệp. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong một báo cáo gần đây cho thấy, kinh tế phải tăng trưởng 7,4% trong quý IV thì GDP cả năm mới “cán đích” 6,3%; GDP muốn đạt 6,5% thì mức tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm nay phải cao hơn nhiều.

Còn để đạt được mục tiêu GDP 6,7% mà Quốc hội giao, kinh tế quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3%. Mức này được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại tại một hội thảo gần đây đánh giá, là cực khó trong bối cảnh hiện tại.

“Sau hiện tượng cá chết tại 4 tỉnh miền Trung, hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vừa qua… dự báo GDP 2016 chỉ quanh mức 6-6,2% là cố gắng rồi”, ông Tuyển đưa ra dự báo. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra mức kém lạc quan hơn, khi cho rằng GDP năm 2016 sẽ chỉ đạt 6%.

Trong kế hoạch 2017, Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP 6,7%, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội 31% GDP; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6-7% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%...

Trên cơ sở GDP 2016 khó đạt mục tiêu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần báo cáo rõ cơ sở xây dựng, tính khả thi của các chỉ tiêu trên để bảo đảm phản ánh đúng tình hình Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét