Danh sách 10 quốc gia có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới sẽ khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Cường quốc quân sự như Mỹ không sở hữu nhiều tàu ngầm nhất mà là một nước châu Á.
Reuters: Sức mạnh răn đe của tàu ngầm Việt Nam
Tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ - vũ khí đe dọa tàu tên lửa Nga
Ngắm tàu ngầm “sát thủ câm lặng” của Nga
10. Hàn Quốc - 14 tàu
Hải quân Hàn Quốc (ROKN) hiện có 14 tàu ngầm diesel-điện. 12 trong số đó là tàu ngầm sản xuất theo nguyên mẫu lớp Type 209 và 214 của Đức và hai chiếc còn lại sản xuất trong nước. Hiện tại Hàn Quốc đang có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm bằng việc đóng những mẫu tàu lớp Type 214 hiện đại, tối tân hơn. Tàu ngầm lớp Type 214 chứa 8 ống phóng ngư lôi có khả năng bắn tên lửa chống hạm và đặt mìn.
9. Thổ Nhĩ Kỳ – 14 tàu
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia vận hành nhiều tàu ngầm thiết kế tại Đức nhất thế giới. Tất cả các mẫu tàu ngầm diesel-điện của Thổ Nhĩ Kỳ đều xây dựng trên nguyên mẫu lớp Type 209 của Đức. Đây là một trong những mẫu thiết kế được xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới và được thay đổi phù hợp từng điều kiện quốc gia.
Với chi phí mỗi chiếc khoảng 290 triệu USD, mẫu tàu ngầm lớp Type 209 (trong biên chế Thổ Nhĩ Kỳ mang tên gọi lớp Gur) có khả năng bắn tên lửa chống hạm Harpoon. Đầu năm sau, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay thế các mẫu Type 209 cũ bằng mẫu Type 214 cũng của Đức nhưng hiện đại và tối tân hơn.
8. Israel – 14 tàu
Khi nghĩ về sức mạnh hải quân, nhiều người không nghĩ về quốc gia nhỏ bé như Israel. Về lĩnh vực quân sự, Israel nổi tiếng với các vũ khí trên bộ hoặc trên không. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn sở hữu một lượng tàu tên lửa/tuần tra và tàu ngầm đáng kể. Các số liệu về quân sự của Israel rất khó thu thập. Theo trang globalfirepower, Hải quân Israel có 14 tàu ngầm.
Nguồn tin gần đây nhất khẳng định các tàu ngầm này đều thuộc lớp Dolphin. Tàu ngầm lớp Dolphin được sản xuất ở Đức từ năm 1998, chạy diesel-điện và cả khả năng mang vũ khí hạt nhân do Israel sản xuất. Các tàu ngầm mới nhất loại này có động cơ đẩy độc lập nên ít phải trồi lên mặt nước như hầu hết các tàu ngầm diesel-điện khác.
7. Nhật Bản – 16 tàu
Sau Thế chiến II, quy định nghiêm ngặt áp đặt cho Nhật buộc họ chỉ được sở hữu lực lượng tự vệ chứ không được thành lập quân đội riêng. Sau này, Nhật Bản đã thành lập Lực lượng tự vệ hải quân (JMSDF) như một cách để xây dựng quân đội kiểu riêng của mình.
Hiện nay Nhật sở hữu một số tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện. Tàu ngầm chia làm hai chủng loại với chiếc lâu đời nhất đóng từ năm 1994. Tàu ngầm mới nhất là lớp Soryu. Tàu trang bị công nghệ hiện đại, phạm vi hoạt động lớn và có thể trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, ngư lôi Type 89 và mìn.
6. Ấn Độ – 17 tàu
Hiện nay phần lớn tàu ngầm Ấn Độ là tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện do Nga và Đức đóng. Những chiếc tàu ngầm này giúp Ấn Độ làm chủ hải phận và biển Ấn Độ Dương trong suốt 25 năm qua. Gần đây, Ấn Độ đang mong muốn biến hạm đội tàu ngầm của mình thành một thế lực về hạt nhân.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula do Nga sản xuất được ra mắt cũng như tàu ngầm tên lửa đạn đạo do Ấn Độ tự sản xuất đã thể hiện ước vọng mở rộng hạm đội tàu của nước này. Với thời gian đóng mới tàu hạt nhân rất lâu, khả năng cao tàu ngầm chạy diesel-điện sẽ vẫn là xương sống của Hải quân Ấn Độ trong nhiều năm tới.
5. Iran – 31 tàu
Iran là nước sở hữu hạm đội tàu ngầm lớn thứ năm trên thế giới. Trước đây, Iran dồn hết ngân sách quốc phòng cho lực lượng bộ binh và không quân. Trong vài năm qua, Hải quân Iran đã bắt đầu phát triển các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Tàu ngầm của Iran chủ yếu hoạt động ở vùng ven biển và cự li ngắn quanh vịnh Ba Tư.
3 tàu ngầm Nga sản xuất lớp Kilo chạy diesel-điện là những chiếc tàu ngầm hiện đại nhất hiện nay của Hải quân nước này. Đóng từ năm 1990, những tàu ngầm Kilo cho phép Iran kiểm soát phạm vi hơn 5.000km, đặt mìn và gây đe dọa bất kì lực lượng nào nhăm nhe xâm lấn bờ biển Iran. Ngoài ra trong biên chế Hải quân Iran còn có hạm đội tàu ngầm nhỏ hơn 1.200 tấn phục vụ cho các hoạt động ở vùng nước nông.
4. Nga – 63 tàu
Sau khi liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1990, Hải quân Liên Xô cũng chịu tổn thất không nhỏ vì thiếu vốn và duy tu thiết bị. Trong vài năm qua, Nga đã cố gắng thay đổi tình hình bằng các biện pháp đổi mới, hiện đại hóa dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Vladimir Putin. Hạm đội tàu ngầm của Nga là một trong những lực lượng được hưởng lợi từ sự quan tâm này của Putin.
Nga hiện duy trì hoạt động của hàng chục tàu ngầm tên lửa đạn đạo và 30 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Nga vẫn còn 20 tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng diesel-điện. Với nhiều tàu mới đang được đóng để thay thế những tàu cũ đã lỗi thời, có vẻ Hải quân Nga sẽ sớm cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng.
3. Trung Quốc – 69 tàu
Trong 30 năm qua, lực lượng quân đội Trung Quốc đã trải qua một chương trình mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa rất mạnh mẽ. Ngoài bộ binh và không quân, Hạm đội tàu ngầm thuộc Hải quân Quân giải phóng nhân dân (PLAN) đã cho thấy bước chuyển mình để gia tăng tầm ảnh hưởng ngoài nội địa. Trung Quốc sở hữu một số tàu ngầm hạt nhân và khoảng 50 tàu diesel-điện.
Khả năng ngăn chặn hạt nhân của nước này được giao phó cho một số tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược. Dù không có được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa.
2. Mỹ – 72 tàu
Á quân trong danh sách là Hải quân Mỹ. Dù chỉ là lực lượng xếp thứ hai về số lượng tàu ngầm nhưng Mỹ vẫn được coi là nước sở hữu hạm đội tàu ngầm mạnh nhất toàn cầu. Kể từ chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên USS Holland ra khơi năm 1900, Mỹ đã phát triển công nghệ đóng tàu của mình lên một tầm cao mới. Tàu ngầm Mỹ hiện nay tất cả đều chạy bằng nhiên liệu hạt nhân nên vấn đề di chuyển bao lâu trên biển không phải là vấn đề. Thứ duy nhất cần lo là lương thực đáp ứng trong bao nhiêu ngày mà thôi.
Số lượng đông đảo nhất hiện nay thuộc về tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles với số lượng 40 chiếc. Được đóng từ khoảng thập niên 70-90 của thế kỷ trước, tàu ngầm lớp Los Angeles có giá trị khoảng 1 tỉ USD theo thời giá hiện nay, lượng giãn nước 7.000 tấn, lặn sâu 275m và trang bị 4 ống phóng ngư lôi. Hiện tại, Mỹ đang đóng mới tàu ngầm lớp Virginia trị giá 2,7 tỉ USD để thay thế những tàu ngầm cũ kĩ từ thời Chiến tranh Lạnh.
1. Triều Tiên – 78 tàu
Hải quân Quân giải phóng nhân dân Triều Tiên (KPANF) nắm vị trí đầu bảng trong danh sách với 78 tàu ngầm. Tất cả tàu ngầm của Hải quân Triều Tiên đều chạy diesel-điện và không có tàu ngầm nào lượng giãn nước lớn hơn 1.800 tấn. Sự nguy hiểm của hạm đội tàu này được minh chứng khi chiếc tàu nhỏ 130 tấn lớp Yono bắn gục tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tàu ngầm Triều Tiên vẫn được coi là “loại hai” vì hầu hết đóng từ cách đây rất lâu và chỉ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Tàu ngầm Triều Tiên được cho là có khả năng hoạt động tốt ở vùng nước nông khi có thể đặt mìn, cung cấp tin tức tình báo và vận chuyển lực lượng đặc nhiệm tới bờ biển quân địch. Nếu Hải quân nước này tiếp tục phát triển hạm đội tàu ngầm cỡ nhỏ của mình thì chắc chắn Triều Tiên sẽ còn ở trong danh sách này một thời gian dài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét