Israel thường xuyên triển khai các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Syria để tiêu diệt tổ chức vũ trang Hezbollah vẫn bị Tel Aviv coi là khủng bố.
Nguyên nhân nào khiến S-400 im lặng trước máy bay Israel?
Mọi cuộc tấn công của Israel nhằm vào lãnh thổ Syria đều không được Damascus cho phép (điều đương nhiên), có nghĩa là tên lửa Nga triển khai tại đây (ví dụ như S-400) sẽ phải phản ứng. Thế nhưng không một máy bay Israel nào bị tiêu diệt, điều đó gây ra dư luận về sự bất lực của các tổ hợp phòng không Nga. Có đúng như vậy hay không?
Như phần lớn các quốc gia Trung Đông, Iran theo đuổi những lợi ích của mình, trước tiên bằng cách ủng hộ chế độ đồng minh al-Assad.
Thứ hai, Iran tìm kiếm hướng giúp đỡ Hezbollah - một tổ chức không kém phần hữu hảo. Trong khi đó, Israel về mặt lịch sử hoàn toàn chống lại cả hai, ngoài ra Tel Aviv đang có tranh chấp với Damascus tại Cao nguyên Golan (nơi vừa tìm ra nhiều trữ lượng dầu). Bởi vậy, thứ duy nhất mà Israel có thể kiềm chế chính là IS.
Ai là người chiến đấu với IS? Tất nhiên là Moscow. Có nghĩa không nên tranh cãi với họ mà phải bàn bạc. Điều này cũng lý giải cho việc các hệ thống phòng không đã không kích hoạt trước tên lửa Israel.
Giữa Nga và Israel tồn tại một thỏa thuận, theo đó Israel sẽ phải thông báo cho Moscow thời điểm lực lượng không quân của mình dự kiến tiến hành chiến dịch trên không phận Syria.
Việc xây dựng cơ chế thông tin lẫn nhau được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benyamin Netanyaru thống nhất trong chuyến công du của lãnh đạo Israel tới Moscow vào tháng 9/2015 - thời điểm bắt đầu hoạt động quân sự của Nga tại Syria.
Trong khi đó, Iran từng cho phép các máy bay ném bom Tu-22M và Su-34 xuất kích từ căn cứ trên lãnh thổ mình, điều này đương nhiên khiến Tel Aviv lo ngại.
Chính sự tham gia của Iran vào tam giác Astana đã trở thành dấu hiệu đáng báo động đối với Israel - quốc gia đóng vai trò ít ảnh hưởng nhất trong tiến trình chính trị. Nhưng không có sự lựa chọn nào khác - IS đã tiến gần tới Cao nguyên Golan, khiến Israel ngày càng lún sâu vào khu vực nguy hiểm.
Điều khó hiểu ở đây là tại sao Moscow cho phép Israel tiến hành oanh kích dù không nhằm vào phe Assad, nhưng vẫn nhằm vào đồng minh của chế độ này. Có thể phỏng đoán rằng đó là cuộc xung đột nội bộ của các nước Trung Đông mà Moscow không có lợi khi can thiệp.
Giả sử Nga bắn rơi máy bay Israel thì một vụ bê bối quốc tế đã xảy ra, khiến cho chiến dịch tấn công khủng bố IS bị đình trệ. Đơn giản hơn cả là thỏa thuận với nhau bằng việc thể hiện sự trung lập toàn diện của mình trước vấn đề nội bộ giữa các quốc gia láng giềng.
Ngoài ra Israel nằm trong thành phần liên minh chống IS, Nga sẽ có lợi hơn nếu thu hút được nhiều lực lượng để thiết lập một mặt trận tấn công IS rộng mở, chiến dịch giải phóng Palmyra với sự tham gia của nhiều bên là minh chứng thích hợp cho điều này.
Trước mắt Nga là những ngày tháng khó khăn để triển khai hoạt động quân sự ở phía Bắc và phía Đông Syria - hướng Rakka và Deir-Ez-Zor, mà không thể thiếu sự hỗ trợ. Do vậy gây xung đột là điều hoàn toàn không cần thiết.
Căn cứ vào tất cả những thông tin nêu trên, có thể nói rằng nguyên nhân duy nhất khiến S-400 im lặng là do thỏa thuận giữa Nga và Israel, nhằm tránh tái diễn điều xảy ra với máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ - một lưỡi dao đâm từ sau lưng và sự thất tín trong con đường dài phía trước.
Mục đích thực sự của cuộc tấn công bằng F-35I Adir
Bên cạnh đó, vào ngày 8/3/2017 đã xuất hiện thêm những thông tin liên quan tới vụ Không quân Israel dội bom sân bay quân sự cách không xa Damascus hồi giữa tháng 1 vừa qua.
Bộ chỉ huy Quân đội Syria xác nhận thông tin này của các phương tiện truyền thông Israel, tuy nhiên tránh đưa ra những bình luận liên quan tới nguyên nhân chủ yếu của cuộc không kích, đó là tổ chức Hezbollah được đồn đoán sở hữu các tổ hợp phòng không Pantsir và S-300.
Trước đó, phóng viên tờ Le Figaro (Pháp) đã chia sẻ điều này trên trang Twitter cá nhân của mình. Cụ thể, cuộc không kích bằng 3 quả tên lửa được thực hiện bởi các máy bay F-35I tối tân từ không phận Liban nhằm vào những mục tiêu tại sân bay quân sự Mezza (ngoại ô Damascus) và sở chỉ huy sư đoàn tăng thiết giáp số 4.
Đối với Israel, cuộc đột kích này là lần thử nghiệm đầu tiên dành cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới được Mỹ bàn giao vào cuối tháng 12 năm ngoái.
Thực ra tiêu diệt các mục tiêu trên lãnh thổ Syria trong giai đoạn nước này suy yếu đã trở thành điều bình thường đối với Israel. Nhưng danh sách các vũ khí bị phá hủy trong cuộc tấn công đã tạo ra một đám mây đen bao trùm lên Nga - một nhà sản xuất và cung cấp các tổ hợp phòng không.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Politexpert, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Phương Đông đương đại thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông - Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Vladimir Akhmedov đã xác nhận thông tin về cuộc không kích của Isarel.
Để dẫn chứng, chuyên gia này đưa ra báo cáo mới nhất của Quân đội Israel về việc "các phương tiện phòng không và hệ thống phòng thủ không thể đảm bảo an ninh nội bộ cho họ", vì Hezbollah đã có trong tay những vũ khí tối tân nhất.
Vị chuyên gia thừa nhận sự lo lắng của Israel đối với việc Quân đội Syria cũng như các tổ chức vũ trang thân Iran được tăng cường thêm vũ khí, tuy nhiên ông Akhmedov loại trừ khả năng các tổ hợp phòng không nêu ra thuộc danh sách do Nga cung cấp.
"Điều này đã quá rõ. Israel đúng là đang lo ngại Syria có thêm nhiều vũ khí, đặc biệt là do Nga sản xuất với chất lượng rất cao và chúng đã chứng tỏ được mình trên chiến trường. Nhưng hoàn toàn không nhất thiết rằng các vũ khí trên có nguồn gốc từ Nga - chúng có thể được Ukraine, Belarus hoặc Iran cung cấp.
Israel sẽ không hành động như vậy nếu biết rõ rằng các vũ khí này có nguồn gốc từ Nga và được các lực lượng vũ trang Nga sử dụng trên lãnh thổ Syria", chuyên gia Akhmedov chỉ rõ.
Ông Vladimir Akhmedov cho rằng giữa Moscow và Tel Aviv tồn tại một thỏa thuận về việc gìn giữ cán cân an ninh cho Israel trong khu vực.
Theo thông tin từ truyền thông Arab và mạng xã hội, các đơn vị quân cảnh Nga hiện thời "đang cố gắng thay thế Hezbollah tại khu vực Tel Ammon gần biên giới Syria và Liban", mục đích chính là ngăn chặn Iran tuồn vũ khí cho Liban để sử dụng chống lại Israel.
Chuyên gia Nga lý giải rằng trong trường hợp này, những nỗ lực của Nga nhằm hạn chế khả năng quân sự của Hezbollah tại các khu vực giáp biên của Syria với Liban mang tính chất bắt buộc và nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang mới trong khu vực địa chính trị phức tạp này.
Moscow đang nỗ lực giành lại sự hợp tác của Syria với Iran và Israel như thời kỳ Hafez al-Assad - người đã giúp Syria giữ được sự ổn định và hòa bình trong vòng hơn 40 năm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét