KTS Nguyễn Văn Tất, Phó chủ tịch Hội KTS TP.HCM đã có những kiến giải đa chiều và hiến kế cho "cuộc chiến vỉa hè".
KTS Nguyễn Văn Tất có khá nhiều bài viết về vỉa hè ở các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn. Ông nhìn nhận ở đó là cả một đời sống đô thị, và cũng là một không gian giao tiếp đặc biệt của đô thị kiểu Việt Nam.
Câu chuyện "trả lại vỉa hè cho người đi bộ" được ông Tất nhìn nhận ở góc độ một nhà chuyên môn. Ông cho rằng: "Không cần phải đưa ra tranh luận vì chân lý chỉ có một, trong vấn đề kiến trúc đô thị, đó chính là sự cân bằng."
Phải hỏi: 8 triệu xe máy ở đâu?
Bằng cái nhìn của một kiến trúc sư, với ông, bộ mặt kiến trúc đô thị Sài Gòn hiện tại đang như thế nào, và ông có hài lòng với nó không, thưa ông?
Sài Gòn là đô thị năng động nhất Việt Nam, nên tất cả những biểu hiện dạng chung của cả nước thì Sài Gòn đều có tính ở mức cao.
Ở góc độ chuyên môn, tôi cảm thấy những điều âu lo lớn hơn cái được.
Đô thị Sài Gòn đang phát triển nhanh, nóng nhưng mất cân bằng.
Vậy ông thấy kiến trúc đô thị Sài Gòn đang không ổn ở chỗ nào: từ nhà ra phố từ phố vào nhà - và đặc biệt là sau câu chuyện "đòi lại vỉa hè cho người đi bộ"?
Nếu dùng những nguyên tắc lý thuyết trong ngành, dễ đánh giá thôi. Còn ổn hay không, là giá trị nhân văn của kiến trúc thành phố này có hay không, đó mới là thước đo.
Quay lại câu chuyện vỉa hè mấy hôm nay đang nóng, ở góc độ chính quyền, đó là việc "trả lại vỉa hè cho người đi bộ". Ai vi phạm vỉa hè thì phải xử lý, nhưng sau đó cần đặt câu hỏi: Có bao nhiêu người đi bộ trên vỉa hè?
Bạn nhìn đi, gần như chỉ có mấy khách du lịch ở khu trung tâm. Phiền bạn đếm hộ tôi có bao người dân ở Sài Gòn đi bộ trên vỉa hè? Chỉ là thiểu số.
Một thành phố có đến hơn 8 triệu cái xe máy chưa kể xe vãng lai, và xe máy còn tồn tại một số năm nữa, nghĩa là cả đời sống xã hội tồn tại trên cái xe máy đó. Thế nhưng thử đặt câu hỏi: Chẳng lẽ xe máy chỉ chạy mà không có điểm dừng, điểm đỗ?
Chắc chắn xe máy đi dưới lòng đường sẽ gấp nhiều lần số người đi bộ trên vỉa hè. Xe máy không được đỗ, không có điểm đỗ, ai cũng ngồi trên cái xe máy, vậy thì ai đi bộ? Muốn đi bộ ở phố Nguyễn Huệ phải đi bộ từ Bình Thạnh qua hay sao?
Vì vậy, lấy lại vỉa hè chỉ có hiệu quả thực sự khi quy hoạch điểm dừng đỗ đủ mà vẫn tiện lợi cho dân.
Chúng ta sẽ làm gì khi 10 người đi bộ phải di chuyển bằng 8 xe máy?
Vậy cách nào giải quyết bài toán phương tiện xe máy và vỉa hè có người đi bộ?
Ta đã làm phố đi bộ Nguyễn Huệ. Như một trào lưu cho giống các thành phố lớn trên thế giới. Người ta làm hấp dẫn, mình cũng làm. Nhưng đằng sau phố đi bộ, chúng ta làm được gì khi mà 10 người tới đi bộ thì đi kèm theo là 8 cái xe máy đi cùng?
Và người ta quăng đống xe máy đó vào đâu để đi bộ? Nếu chẳng biết gửi xe vào đâu, gửi xe không tiện thì người ta không tới. Mà không tới thì mục tiêu của phố đi bộ xem như không đạt.
Khi anh phát triển "văn minh đi bộ" thì đi đôi với nó phải là phương tiện công cộng phải tối ưu nhất. Miễn là chỉ ngồi trên các phương tiện đó, bạn dễ dàng tiếp cận được đời sống và dịch vụ của phố thị.
Một thành phố chi chít bởi những chiếc xe máy, một bộ phận không nhỏ người dân phải sống bằng những chiếc xe đẩy và những chiếc xe ô tô không có điểm đỗ, thì nếu chỉ duy trì trật tự vỉa hè là chưa đủ. Bởi khi đó, chúng ta vì một thiểu số đi bộ mà làm khó cho đa số đi xe cá nhân.
Nên ưu tiên làm chỗ để xe trước lúc dẹp vỉa hè. Có điểm đỗ xe thì người ta mới tiếp cận dịch vụ, giao dịch thuận lợi, cái đô thị đó mới là đô thị sống. Chứ đô thị mà người ta chỉ lên xe chạy và chạy không ngừng, thì nó có sống không?
Bên cạnh đó, sinh nhai trên vỉa hè, là một số lượng hoạt động cực kỳ lớn. Nói một cách nào đó, vỉa hè cũng là một phương tiện sinh nhai cho một tỷ lệ người lao động không nhỏ. Tính ra là 25-30% miếng bánh sinh nhai đô thị diễn ra trên vỉa hè.
Nhắc đến 8 triệu cái xe máy, có nên nhắc đến con số xe hơi khủng đang "chỉ có đi mà không có đỗ" ở Sài Gòn cũng như các thành phố phát triển ở Việt Nam?
Singapore khéo ở chỗ: Đất quá nhỏ nên từ lâu rồi, nó rất chặt chẽ trong việc quota cho xe hơi. Bạn mua một quota cho xe hơi nhiều khi còn đắt hơn giá gốc của chiếc xe.
Cách đây nhiều năm tôi nghe, mỗi quota cho xe hơi đã hơn 40 ngàn đô la Sing. Và mỗi năm, số lượng quota chỉ có hạn thôi.
Nếu bạn đủ tiền mua xe chưa chắc bạn dám mua vì phải có chỗ đỗ mới được mua. Hơn nữa, tất cả các dịch vụ trong đô thị, phải có chỗ đỗ xe đảm bảo, mới được hoạt động.
Bạn muốn kinh doanh, bạn phải chứng minh được chỗ đỗ xe. Nếu không đủ, phải đi mua quota đỗ xe và có hợp đồng rõ ràng, mới cho phép kinh doanh.
Mô hình không thiếu. Các quốc gia đã làm và các chuyên gia đều thấy, nhưng quan trọng là phải có cách làm sáng tạo để đảm bảo sự cân bằng hạnh phúc cho người dân đô thị.
Sự cân bằng quyền lợi phải tự nhiên: Ai hưởng nhiều thì trả nhiều và không phải ai muốn hưởng là hưởng trọn, mà phải chia sẻ lợi ích, thì người khác mới cùng tham gia để cùng phát triển.
Vỉa hè hiện nay đang đẻ ra tiền cho ai?
Hầu hết người đồng thuận cách làm hiện nay, đều thống nhất rằng, vỉa hè của người đi bộ, thì phải trả cho người đi bộ. Trật tự sẽ có khi mà cái gì của ai phải trả lại cho chính người đó?
Vỉa hè là nơi giao tiếp ngẫu nhiên chủ yếu của đô thị. Nếu bạn nói vỉa hè chỉ để đi bộ thôi, mà phủ nhận chức năng giao tiếp của nó là chưa đủ. Vỉa hè tồn tại cùng với thể trạng của một đô thị. Nó đang khoẻ, đang giàu hay mới ổn định, vỉa hè nói lên tất cả.
Vỉa hè của Mỹ, bán tất cả những gì tân kỳ, vĩ đại, hào nhoáng không tưởng tượng được.
Qua Ý, nó bán rong rêu, bán mùi của quá khứ, bán hình ảnh của cái vĩ đại nào đó đang đổ nát, đã đổ nát, còn lại là những vết tích gợi cảm của thời quá khứ huy hoàng mà thu tiền du lịch đâu kém gì Mỹ.
Nhưng chúng ta không thể minh biện cho việc lấn chiếm vỉa hè trái phép, khi mà các nước văn minh đều rất chú tâm vấn đề này, thưa ông?
Khi lập lại trật tự vỉa hè, phải nghĩ đến vấn đề sức mạnh thương mại quanh vỉa hè và sự sống của thành phố.
Nếu lập lại trật tự vỉa hè mà khách không có chỗ để xe ở nơi tiện lợi, thì cửa hàng mở ra không có khách. Phá sản. Câu chuyện vỉa hè đã đụng đến sức mạnh thương mại của những nhà phố nhỏ.
Nhìn một cách khác, vỉa hè chính là quyền lợi của người đi bộ nhưng cũng là tiềm năng kinh tế của các hộ kinh doanh bên đường. Chỉ có điều, cho thuê khoán vỉa hè thế nào cần khoa học và minh bạch. Nếu để vỉa hè chỉ cho người đi bộ, thì rất lãng phí.
Vậy vấn đề ở đây là, làm thế nào để người đi bộ cũng hạnh phúc và người bán hàng quanh vỉa hè cũng hạnh phúc, không nên lệch về phía nào.
Vậy, trật tự vỉa hè cho Sài Gòn, theo ông, phải như thế nào là hợp lý?
Trật tự là cần, nhưng là để đẩy đô thị phát triển mạnh, khoẻ khoắn và cân bằng chứ không phải chỉ mà để quản lý.
Người Pháp sẽ chẳng bao giờ đòi hỏi đường phố Sài Gòn phải rộng rãi như Paris hay người Mỹ cũng chẳng đòi hỏi vỉa hè Sài Gòn phải đồ sộ như New York. Thế nên cứ phải giống người ta thì trật lất.
Giá trị nhân văn là mục tiêu rất lớn của nghệ thuật kiến trúc đô thị là vậy. Nó quyết định hết: kinh tế, các mối quan hệ xã hội trên vỉa hè. Khi nhiều người cùng thấy hạnh phúc vì cái vỉa hè đó, thì chắc chắn chính sách thành công.
Quay lại câu chuyện vỉa hè Sài Gòn như những gì ông đã nói trên đây, vậy theo ông, còn thêm sáng kiến nào để nó vừa đẹp, thành phố vừa "sống", đời sống được cân bằng và trên hết - để Sài Gòn phát triển, thưa ông?
Sài Gòn có đến 12 triệu m2 vỉa hè. Người đi bộ có đi hết không, chắc ta đã có câu trả lời. Nhưng nó có giúp nhà nước đẻ ra tiền không? Chắc chắn có. Nhưng nó đang đẻ ra tiền cho ai?
Bạn cứ tính, một mét vuông trên đường Đồng Khởi hiện giờ bao nhiêu tiền? Trung bình là mấy trăm triệu, thậm chí có những điểm cụ thể 1 m2 lên tới 1 tỉ đồng. Nhưng, đó là một m2 trong cửa sắt, còn 1 m2 bên ngoài cửa sắt là 0 đồng.
Vỉa hè đó, lâu nay nhà nước chỉ dọn dẹp trật tự, còn thu tiền là người khác. Một m2, mức thu buổi sáng, buổi trưa, buổi tối là khác nhau. Và chỉ mấy m2 ở cái vị trí đó, mỗi một tháng là rất nhiều tiền.
Nhà nước chỉ lo đi dọn dẹp cho sạch sẽ để rồi kẻ khác thu tiền, có phí không? Rất phí. Lề đường là vàng, nhưng vàng không có chủ cho nên nó rối.
Hồi xưa tôi có ý kiến là bây giờ nhà nước cứ cho thuê đi, thành lập một công ty công ích khai thác kinh tế vỉa hè đô thị. Công ty này có nhiệm vụ trồng cây, lát đường cho đẹp, ánh sáng cho tốt và phân quỹ đất ra cái nào là đi, cái nào là bày, cái nào là cho thuê tại chỗ. Các cửa hàng mở ra phải có chỗ để xe và phải đóng tiền chỗ để xe đó.
Có thể 2-3 cửa hàng bắt tay nhau cùng chung một điểm để xe, nhưng trong phạm vi nhà nước cho thuê và đóng tiền lại đàng hoàng, tất tần tật những khoản tiền đó nhà nước dùng để tái đầu tư xây dựng mỹ quan vỉa hè: đóng các trụ đá trang trí cho đẹp, phân luồng ra phần nào cho thuê, phần nào dành cho người đi đường...
Tính ra, lợi nhuận trên 12 triệu m2 lề đường của TPHCM, cho sử dụng 1/4 số đó để cho thuê, 3/4 sử dụng cho những chuyện khác: lối đi, các tiện ích khác. 1/4 đó, với số thu rất nhẹ nhàng là 150.000/ đồng tháng/1m2, thì mỗi tháng nhà nước có thể thu về 450 tỉ đồng (kể cả trừ 100 tỉ đồng chi phí thì vẫn thu về được 350 tỉ).
Tiền đó anh tái đầu tư cho vỉa hè đẹp vô cùng. Thậm chí lấy tiền đó tổ chức các cuộc thi public art, các vỉa hè của điêu khắc tranh tượng, rồi làm ghế ngồi, làm bồn hoa, làm các thứ..., nó cũng chẳng ảnh hưởng đến vỉa hè.
Bất kỳ sự thay đổi nào phải đi kèm với hạnh phúc, phồn vinh thì sự thay đổi đó mới có ý nghĩa thực sự.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét