Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017


Theo đó, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người ăn.
Nguy cơ từ “đặc sản”
Thực ra, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn đã có từ xưa với các món “cổ điển” như: nhộng tằm, châu chấu, cào cao và thậm chí cả bọ xít rang, cà cuống ngâm nước mắm... Món bánh cuốn ăn với nước mắm pha vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay, thêm chút cà cuống dầm hoặc tinh dầu cà cuống thì càng tăng hương vị. Bẵng đi một thời gian người ta toàn ăn các “cao lương mĩ vị”, giờ việc ăn côn trùng lại trở lại như “mốt”, là món ăn lạ miệng, khoái khẩu của không ít người. Ở một số tiệc cưới trong khách sạn lớn, món côn trùng rang (sấy) thậm chí còn là món chính trên bàn tiệc...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo GS.TS Bùi Công Hiển, Khoa Sinh, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), mặc dù côn trùng được con người khai thác làm thực phẩm có cách đây hàng nghìn năm. Nhưng việc ăn uống từ côn trùng hoàn toàn tự phát và theo kinh nghiệm tập quán của từng địa phương, từng dân tộc. Côn trùng được làm thực phẩm chủ yếu ở 2 dạng: chế biến thành các món ăn và ngâm rượu uống.
Cho đến nay các kết quả nghiên cứu về côn trùng thực phẩm mới giới hạn ở một số loài. Trên thế giới cũng đã có những công ty nhân nuôi dế và chế biến thành đồ hộp như ở Mỹ. Ở Việt Nam các kết quả nghiên cứu khoa học về chuyên mục này còn hạn chế. Do cơ địa, do ăn nhầm côn trùng có độc tố mà không ít vụ ngộ độc đã xảy ra. Nhẹ thì mẩn ngứa khắp người, nặng thì ngộ độc cấp với triệu chứng nôn mửa, run tay chân, kích thích vật vã, hôn mê... Mới đây nhất là vụ ngộ độc do ăn côn trùng (ăn sâu Ban miêu) tại Lào Cai làm 2 người mắc và 1 người tử vong vào ngày 21/8/2016.
 GS.TS Bùi Công Hiển cho biết, có rất nhiều loại côn trùng và không phải loại nào cũng ăn được. Trước khi sử dụng côn trùng làm thức ăn, cần thận trọng. Vụ ngộ độc do sâu Ban miêu vừa xảy ra là rất đáng tiếc, bởi sâu Ban miêu có độc tính. Sâu Ban miêu thuộc họ cánh cứng Meloidae, trong cơ thể có 0,4% chất cantharidin có tác dụng làm phồng da. Trong Đông y người ta sử dụng để chữa bệnh ngoài da, nhưng nếu ăn vào, chất cantharidin sẽ làm loét dạ dày, phá hủy niêm mạc ruột, thậm chí ảnh hưởng đến đường tiết niệu và sinh dục.
Ngoài sâu Ban miêu, có rất nhiều loại sâu bọ có độc tính để tự vệ, vì thế, nếu sử dụng làm thức ăn, trong quá trình xử lý nhiệt, không cẩn thận dễ còn độc tính và gây ngộ độc cấp.
Không ăn côn trùng lạ
Theo GS Hiển, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phân loại ra một số côn trùng có giá trị thực phẩm như: chuồn chuồn, bọ ngựa, cào cào, châu chấu lúa, dế dũi, bọ xít nhãn, cà cuống, niềng niễng, sâu chít, sâu tre, ong mật, ong vàng, kiến vàng... Mới nghe qua thì ai cũng nghĩ mình biết rõ các côn trùng này, nhưng thực tế không phải vậy. Ví dụ như, trong loài chuồn chuồn, chỉ có chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn ớt là ăn được; Trong họ bọ hung, chỉ có bọ hung nâu lớn là ăn được...
GS Hiển cho biết, ngoài việc ngộ độc do ăn phải côn trùng có độc tố, ngộ độc sau khi ăn côn trùng có thể do một trong các nguyên nhân sau: Do cơ địa, sức khỏe của từng người (lứa tuổi, giới tính, bệnh lý...). Ví dụ trong đông y, khi uống thuốc tránh ăn chất tanh, hay có người ăn thịt gia súc thì không sao, nhưng ăn cá lại đau bụng...;  Do côn trùng bị sinh vật khác ký sinh (giun tròn, nấm, vi sinh vật...) lúc đang sống hay đã chết; Việc chế biến không vệ sinh hoặc ngâm tẩm hóa chất độc hại (ví dụ dùng thuốc trừ sâu để giết rồi thu bắt côn trùng được nhanh và nhiều); Từ việc bảo quản hay ngâm lâu trong rượu khiến lên men, vi sinh vật xâm nhập; Từ việc ăn côn trùng với một số thực phẩm khác có thể tạo những phản ứng hóa học bất lợi trong tiêu hóa, giống như kinh nghiệm dân gian khi ăn loại này thì tránh ăn cùng với loại kia.
Với quan điểm “an toàn là trên hết”, GS.TS Nguyễn Thị Dụ, Nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho rằng: Nên ăn những thực phẩm thông thường mà mọi người vẫn ăn; các thức ăn lạ, hiếm như côn trùng... nên được sử dụng thận trọng. Khi dùng côn trùng làm thức ăn, cần phải biết chắc chắn loại đó tên là gì, có được kiểm soát chất độc hay không; côn trùng lạ, không phân biệt được rõ tên, loài... thì dứt khoát không ăn. Người có cơ địa dị ứng càng phải thận trọng trước các thức ăn như côn trùng.
Theo các chuyên gia, sau khi ăn côn trùng cũng như sau khi sử dụng thực phẩm nói chung, nếu có biểu hiện khác thường như mệt mỏi, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa…, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét