Việc chuẩn bị của Bộ Tài chính đối với Dự thảo sửa đổi 5 luật thuế, dù công phu nhưng vẫn chưa đủ và cần thêm thời gian để đánh giá tác động cũng có phương án về cải cách chi ngân sách.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo luật sửa đổi 5 luật thuế và dự kiến sẽ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc vụ trong kỳ họp tháng 10. Tuy nhiên, với một dự thảo luật cực kỳ quan trọng và có tác động, trong nhiều ngành kinh tế có thể nói là tác động sống còn với doanh nghiệp, việc chuẩn bị của Bộ Tài chính, dù là công phu, nhưng vẫn chưa đủ.
Tôi cho rằng, có 3 lý do để lùi việc trình trình dự thảo theo kế hoạch hiện nay, để đánh giá tác động và tiếp thu kỹ lưỡng góp ý từ doanh nghiệp, từ người dân.
Thứ nhất, khâu đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh thuế vẫn còn chưa đủ thông tin cần thiết. Ở đây, cả tác động vĩ mô đến toàn bộ nền kinh tế, đến thu ngân sách; và tác động ở cấp độ vi mô – đối với "sức khỏe" và sự sống còn của doanh nghiệp; lẫn tác động cụ thể đến từng nhóm dân cư với thu nhập khác nhau.
Các chuyên gia đã lên tiếng khá nhiều về những tác động vĩ mô, tuy nhiên ở khía cạnh tác động đến doanh nghiệp kinh doanh trong từng ngành cụ thể cũng quan trọng không kém. Và cho đến nay, chưa thấy Bộ Tài chính đưa ra được một báo cáo hay thông tin đánh giá về khía cạnh này.
Lần tăng thuế này điều chỉnh đồng loạt 5 sắc thuế khác nhau, và dự báo mức độ tác động sẽ rất sâu sắc đến số phận của doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành. Vì thế, không thể sơ sài trong công việc đặc biệt quan trọng này.
Thứ hai, về khâu tham vấn ý kiến, Bộ Tài chính chưa tham vấn đủ rộng rãi và kỹ lưỡng các nhóm đối tượng bị tác động. Mặc dù hiện tại, Bộ Tài chính mới đang dự thảo đề xuất chính sách, nhưng ngay ở bước này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng yêu cầu dự thảo phải được lấy ý kiến đối tượng tác động ít nhất trong 30 ngày.
Tuy nhiên, đến nay, thông tin đưa ra từ bộ hầu như mới chỉ giới hạn trong nội dung tăng VAT. Còn rất nhiều nội dung khác, gồm điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên … thông tin được chuyển tải đến đối tượng tác động rất hạn chế.
Hiện ngoài việc VCCI tổ chức 2 cuộc họp tham vấn ý kiến chung của doanh nghiệp trong tất cả các ngành, theo tôi biết, Bộ Tài chính chưa tổ chức tham vấn nào với doanh nghiệp.
Trong khi đó, như đã trình bày ở trên, với tác động toàn diện và rất sâu đến doanh nghiệp trong từng nhóm ngành khác nhau, đáng lẽ ra, Bộ cần tổ chức các hội thảo riêng để cung cấp thông tin và lấy ý kiến với từng ngành cụ thể.
Ngay cả trong hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp do VCCI tổ chức dành cho tất cả các ngành, thời gian nêu ý kiến của đại diện các hiệp hội rất hạn hẹp. Thế nhưng trên cả 2 khía cạnh – liên quan đến phạm vi và đối tượng điều chỉnh cho từng nội dung thuế chi tiết, và mức điều chỉnh cụ thể - các doanh nghiệp đều rất quan ngại và nêu nhiều ý kiến trái chiều với dự thảo.
Các doanh nghiệp đều lo lắng rằng với những điều chỉnh này sẽ gây khó khăn nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Nếu điều đó là đúng, điều chỉnh thuế sẽ dồn doanh nghiệp đến đường cùng chứ không phải là tạo thuận lợi, khuyến khích, giảm chi phí cho doanh nghiệp như mục tiêu dự thảo luật đặt ra.
Điều này một lần nữa nhấn mạnh rằng, ban soạn thảo cần có đánh giá tác động riêng cho từng ngành, lượng hóa được chi tiết mức độ ảnh hưởng chứ không thể mù mờ như hiện nay. Hơn thế nữa, kể cả khi có đánh giá tác động rồi, Bộ cũng cần công khai kết quả đánh giá để các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các nhóm chuyên gia độc lập tiến hành kiểm chứng độc lập và phản biện kết quả đánh giá này.
Thứ ba, câu hỏi về cải cách chi ngân sách như thế nào vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng thỏa đáng. Thế nên, tăng thuế, tăng thu ngân sách trong khi Chính phủ chưa đưa ra được kế hoạch nào cho việc tiết kiệm chi tiêu và tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền sẽ rất khó nhận được sự ủng hộ của người dân ở thời điểm này. Một chính sách không nhận được sự ủng hộ và đồng thuận thì đến lúc đi vào thực hiện cũng khó có thể hiệu quả và rồi sẽ lại phải tiếp tục sửa chữa.
Vì thế, nên cân nhắc lùi lại việc trình dự án luật. Việc có thêm thời gian giúp việc đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Thêm vào đó, Chính phủ đề ra được kế hoạch cắt giảm chi tiêu hợp lý. Lúc đó, chắc chắn đề xuất sẽ thuyết phục và được ủng hộ hơn rất nhiều.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét