Số liệu thống kê giai đoạn 2012 - 2016 cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP Đà Nẵng đều từ 8-9%. Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Thành phố cũng tăng cao qua từng giai đoạn và luôn cao hơn bình quân chung của cả nước...
Đà Nẵng là một thành phố thuộc trung ương từ năm 1997, nằm trong vùng Nam Trung Bộ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số Đà Nẵng năm 2016 là 1.046.200 người.
Thành phố có diện tích 1.256,53 km² gồm 06 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ) và 02 huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa.
Đà Nẵng nằm trong top những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Từ năm 2012 - 2016, tốc độ tăng trưởng GRDP địa phương nay đều từ 8-9%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP cả nước.
GRDP Đà Nẵng từ năm 2012 - 6 tháng 2017 (tính theo giá so sánh 2010). Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng
Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tính theo giá hiện hành của Đà Nẵng cũng khá cao và tăng trưởng tốt qua các năm.
Năm 2016, ước tính tốc độ tăng GRDP (tính theo giá 2010) tăng 9,04% so với năm 2015; còn tính theo giá hiện hành là 69.806 tỷ đồng, tăng hơn 10% so năm 2015.
Bước sang năm 2017, GRDP 6 tháng đầu của Đà Nẵng ước tính tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6 tháng đầu năm 2016 (6 tháng 2016 tăng 8,54%).
Đóng góp vào tăng trưởng của Đà Nẵng trong nhiều năm trở lại đây chủ yếu do khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp - xây dựng.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương, song khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do đa số các ngành dịch vụ đều tăng thấp hơn năm trước, đặc biệt một số ngành chiếm tỷ trọng cao lại có tốc độ tăng thấp như ngành vận tải (tăng 3,97% thấp hơn mức tăng 4,83% cùng kỳ 2016); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 4,73%, thấp hơn mức tăng 12,93% so với cùng kỳ)...
GRDP tính theo giá thực tế của Đà Nẵng (đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng
Tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Thành phố cũng tăng cao qua từng giai đoạn và luôn cao hơn bình quân chung của cả nước. Năm 2011, GDP bình quân đầu người của thành phố 2283 USD thì năm 2016, con số này là 2980 USD.
Trình bày Báo cáo chính trị tại đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng (lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 -2020) hồi tháng 10/2015, lãnh đạo Thành phố khẳng định trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Đà Nẵng sẽ huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo đó, về kinh tế, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ phấn đấu để tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8-9%/năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.000 - 4.500 USD.
Về tình hình thu - chi ngân sách, tổng thu ngân sách của Đà Nẵng cũng khá cao so với nhiều địa phương trong cả nước và có tốc độ tăng dần qua các năm.
Năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước của Thành phố là 16.331 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 13.477 tỷ đồng. Sang năm 2016, tổng thu là 18.826 tỷ đồng, tổng chi là 13.447 tỷ đồng, bội thu khoảng 5.379 tỷ đồng.
Bước sang năm 2017, mới chỉ 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách ước đạt được 17.762 tỷ đồng; còn tổng chi ngân sách là 11.226 tỷ đồng.
Đà Nẵng phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 sẽ đạt 20.900 tỷ đồng, gồm: thu nội địa 18.095 tỷ đồng (tiền sử dụng đất 2.100 tỷ đồng, thu xổ số kiến thiết 137 tỷ đồng) và thu thuế xuất nhập khẩu 2.805 tỷ đồng.
Còn tổng chi ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến 12.562,8 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển khoảng 5.251,5 tỷ đồng và chi thường xuyên đạt 6.633,3 tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng
Số liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI 6 tháng đầu năm 2017 của Đà Nẵng cho thấy, thành phố này đang kiểm soát được ở dưới mức 5%.
CPI bình quân qua các năm. Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng.
Về ngoại thương, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 sẽ tăng 11-12%. Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố ước đạt hơn 1,3 tỷ USD, trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 696 triệu USD, bằng 48% kế hoạch, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm ngoái; còn nhập khẩu là 609 triệu USD, bằng gần 50% kế hoạch năm, tăng hơn 10%.
Trước đó năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố này là gần 2,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 1,24 tỷ USD, còn nhập khẩu là hơn 1,16 tỷ USD.
Các mặt hàng chủ lực duy trì mức tăng trưởng khá của Đà Nẵng là cao su thành phẩm, dệt may, động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ, đồ chơi trẻ em.
Riêng xuất khẩu thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2017 mặc dù có tăng trở lại nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng và rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu lớn.
Năm 2017, Đà Nẵng đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư phát triển tăng 9-10%. 6 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư phát triển toàn Thành phố ước 16.845 tỷ đồng, tăng 4,1% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn 4.315 tỷ đồng, giảm 3,81%; vốn ngoài nhà nước đạt 10.998 tỷ đồng, tăng 7,46%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.532 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Trước đó, năm 2016 tổng vốn đầu toàn địa bàn của Đà Nẵng thực hiện được 32.197 tỷ đồng, tăng 2,68% so với năm 2015.
Tổng vốn đầu phát triển trên toàn địa bàn (tỷ đồng).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét