Một nghiên cứu cho thấy có đến 80% những người thừa kế thế hệ thứ hai Trung Quốc không quan tâm đến việc tiếp quản công ty gia đình mà muốn tự mình gầy dựng sự nghiệp.
Đa số các doanh nghiệp gia đình tại Trung Quốc đại lục đang phải đối mặt với một vấn đề kế nghiệp bởi chỉ ít “cậu ấm, cô chiêu” sẵn sàng tiếp quản việc kinh doanh của gia đình, theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Tanoto về các vấn đề kinh doanh gia đình ở châu Á và khởi nghiệp thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.
Theo nghiên cứu có tên “Tương lai các doanh nghiệp gia đình Trung Quốc”, có đến 80% những người thừa kế thế hệ thứ hai không mặn mà với việc tiếp quản công ty gia đình, mà phần nhiều muốn tự tay lập nghiệp. Trong khi đó, hơn 70% các ông bà chủ doanh nghiệp gia đình muốn giao quyền quản lý cho con cháu.
Ngày càng nhiều các doanh nghiệp “mới phát” của Trung Quốc - ra đời sau thập kỷ 80 của thế kỷ trước khi đất nước thực hiện mở cửa kinh tế - đang thực hiện chuyển tiếp quản lý và sở hữu từ thế hệ thứ nhất cho thế hệ thứ hai. Nếu không được chuyển giao, các công ty này sẽ đối mặt tình trạng có bán đi hay không và bán đi như thế nào.
Giáo sư Roger King, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nói trên, cho biết các nhà đầu tư tư nhân thường không mua các doanh nghiệp gia đình, bởi thông thường các doanh nghiệp đó chỉ có một ông chủ và nhân viên nhất loạt nghe theo ông chủ.
Bởi vậy, các nhà đầu tư không sẵn sàng chấp nhận canh bạc mua những công ty như vậy do các công ty đó có nguy cơ tan rã một khi ông chủ không còn tại vị nữa.
“Rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động dựa trên sự quan hệ và lòng tin”, Giáo sư King nói. Điều này khiến các ông chủ mới gặp khó khăn trong việc tiếp quản và điều hành một cách trơn tru.
Giáo sư Roger King và GS. Winnie Peng giới thiệu về nghiên cứu "Tương lai các doanh nghiệp gia đình Trung Quốc" ngày 13/9/2017. Ảnh: Asia Times/Lin Wanxia
Một rào cản khác đối với các công ty gia đình liên quan đến khả năng của chúng trong việc nâng cấp hoặc chuyển hóa ngành nghề. Đa số các công ty khởi dựng ở Trung Quốc từ những năm 80 trở lại đây hoạt động trong các ngành nghề có chi phí thấp và ít giá trị gia tăng. Đây cũng là một phần nguyên nhân các thành viên gia đình thế hệ sau không mấy hào hứng tiếp quản chúng.
Theo GS. Winnie Peng, Phó giám đốc Trung tân Tanoto, nhiều người trẻ được học hành ở các nước phương Tây và muốn làm trong các ngành hiện đại hơn. Có đến 50% những người không muốn tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình cho biết họ muốn tham gia vào lĩnh vực tài chính.
Trong khi đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những cậu ấm cô chiêu dù không muốn thừa kế công việc gia đình nhưng vẫn thường tận dụng các nguồn lực xã hội và tài chính của gia đình để phục vụ việc làm ăn của mình.
GS. Kinh cho rằng khái niệm “công ty gia đình” đang dần chuyển sang “gia đình kinh doanh”, nghĩa là các gia đình giàu có muốn đa dạng hóa tài sản thông qua việc quản lý nhiều ngành nghề và danh mục đầu tư, thay vì chỉ tập trung vào một ngành nghề cơ bản hay cứ bám vào một di sản nào đó.
“Toàn cầu hóa là một vấn đề, và công nghệ đang tiến hóa rất nhanh”, và điều này phần nào giải thích mối lo ngại về tương lai của các ngành chế biến giá trị thấp ở Trung Quốc, GS. Kinh nói. Khi môi trường kinh doanh không ổn định, lẽ đương nhiên là các ông bà chủ muốn đa dạng hóa ngành nghề.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét