Những câu chuyện về sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế đang gây ra những tranh cãi lớn. Đâu là nguyên nhân của những việc này? Báo Trí thức trẻ đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổ cục trưởng Tổng cục Thuế.
Vì sao trong 20 năm thực hiện thu thuế GTGT, các mặt hàng chăn nuôi, trồng trọt, thủy hải sản... vẫn thuộc diện không chịu thuế GTGT?
Không chịu thuế có nghĩa là không nộp thuế đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào. Ngay khi thực hiện luật thuế GTGT, hoạt động nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng để đánh bắt thủy hải sản, diêm nghiệp là những lĩnh vực được ưu đãi thuế. Người dân trực tiếp sản xuất, nuôi trồng và trực tiếp bán sản phẩm ra thì không phải kê khai nộp thuế GTGT. Đó là chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, khám chữa bệnh, bảo hiểm cho con người, bảo hiểm cho nông nghiệp, sản phẩm thuộc an ninh quốc phòng... cũng là những lĩnh vực ưu đãi. Có 25 nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT.
Vậy tại sao đề xuất mới đây của Bộ Tài chính lại đưa những sản phẩm như lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá, các loại thiết bị, dụng cụ... vào đối tượng chịu thuế suất 5%?
Nhóm sản phẩm thức ăn gia súc, phân bón, máy móc chuyên dùng cho nông nghiệp,... do nhà máy sản xuất. Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 đã từng quy định thuế suất 5% đối với những mặt hàng này.
Một số ý kiến sau đó nêu rằng, việc áp thuế suất 5% đối với những sản phẩm thiết yếu cho nông nghiệp khiến nông dân thêm phần vất vả do chịu thuế. Tiếp thu ý kiến này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 (luật 71) đã chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác sang diện không chịu thuế.
Nhưng khi thực hiện luật 71, doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm trên lại không được khấu trừ thuế. Vì vậy, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế lần này đã đề nghị đưa những mặt hàng này trở lại diện chịu thuế suất 5% để đảm bảo tính liên hoàn của thuế.
Sự điều chỉnh này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế có đồng nghĩa với việc nông dân không còn được ưu đãi hay không?
Có rất nhiều máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp mà thông tư do Bộ Tài chính ban hành vẫn không thể nào liệt kê hết. Máy ấp trứng, ống dẫn tinh dịch, máy rửa sạch chuồng,... có máy chịu thuế suất 5%, máy khác lại chịu thuế suất 10%.
Áp thuế suất dựa vào mục đích sử dụng sẽ rất khó làm và thiếu rõ ràng, nên các nước trên thế giới thường hướng tới đơn giản, đó là chỉ có một thuế suất duy nhất (Nhật Bản, Singapore, Philippines, Indonesia). Cần nhận thức rõ ràng rằng việc áp dụng thuế suất theo mục đích sử dụng như hiện nay đang gây khó cho doanh nghiệp. Khi làm ra sợi giềng, doanh nghiệp làm sao biết được sản phẩm được bán cho người nào và dùng để làm gì.
Như vậy là cơ quan thuế thấy khó làm nên soạn thảo ra một quy định dễ thực hiện, chứ không xuất phát từ sự công bằng và thuận lợi cho người nộp thuế?
Khi ban hành chính sách, khó để có bình đẳng tuyệt đối. Đã đơn giản thì dứt khoát thiếu bình đẳng giữa các đối tượng. Đã đơn giản thì sẽ có người bị cao, được thấp. Mình yêu cầu đơn giản thì chắc chắn sẽ không có bình đẳng. Nếu đưa về một thuế suất thì sẽ rất đơn giản nhưng không còn ưu đãi thuế với sản phẩm, dịch vụ thiết yếu nữa.
Ví dụ: nông dân muốn được mua máy cày không chịu thuế GTGT. Nhưng người sản xuất máy cày thì dùng thép, điện (chịu thuế suất GTGT 10%), nhưng không được khấu trừ. Họ không được tính vào giá thành thì giá thành đó sẽ đội giá lên chứ không phải như thế là giảm giá. Làm sao công bằng được.
Khi xây dựng chính sách phải làm thế nào để có thể hài hòa các lợi ích đó, giảm thiểu sự bất bình đẳng. Quản lý thuế cũng là bài toán rất khó, vừa muốn đơn giản, công bằng, minh bạch, vừa muốn lồng các chính sách xã hội vào nên khó đạt được tất cả các mục đích. Chính sách thuế cần quá trình hoàn thiện, bổ sung, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, khả năng quản lý trong tường giai đoạn lịch sử cụ thể.
Không phải vì quản lý thuế khó mà thay đổi chính sách, đôi khi còn quản lý khó hơn khi thay đổi. Ví dụ: không chịu thuế thì không phải thu thuế, nhưng chịu thuế thì phải kiểm tra xác định tiền thuế phải nộp, khấu trừ, hoàn,...
Chính sách thuế và quản lý thuế luôn gắn liền. Với nhiều giải pháp được đưa ra, tại sao tình trạng mua hàng không xuất hóa đơn vẫn diễn ra?
Nguyên tắc là bán hàng phải lấy hóa đơn, chứng từ để kiểm soát. Nhưng có hiện tượng người ta mua nhiều hàng nhưng chỉ ghi rất ít khi lập hóa đơn; giá bán cao, ghi giá thấp trong hóa đơn,... để trốn thuế. Trên thế giới, không có quốc gia nào kiểm soát thu thuế được trọn vẹn 100%. Cơ quan thuế quốc gia nào kiểm soát, quản lý tốt hơn thì việc thất thu thuế ở quốc gia đó ít hơn, thấp hơn.
Vấn đề của Việt Nam là chưa kiểm soát được dòng tiền và hàng. Luồng tiền và hàng phải đi với nhau. Ở các nước, cửa hàng có gắn code của cơ quan thuế. Lượng hàng hóa bán được sẽ báo về dữ liệu cơ quan thuế. Với cách làm như thế, cơ quan thuế vẫn thu được đủ thuế mà không cần hóa đơn.
Không chỉ với doanh nghiệp, hiện nay Việt Nam cũng khó kiểm soát được thu nhập của cá nhân. Ví dụ: khi mua một ngôi nhà, phải chứng minh được nguồn thu nhập ở đâu. Nếu kê khai tài sản có 10 tỷ đồng, năm nay thu nhập được 2 tỷ đồng thì việc mua tài sản từ 12 tỷ đồng trở xuống là hợp lý. Còn nếu kê khai tài sản có 12 tỷ đồng nhưng mua ngôi nhà trị giá 20 tỷ đồng thì phải chứng minh nguồn gốc thu nhập đó ở đâu, xuất trình chứng từ: nộp thuế TNCN kể cả thừa kế, tặng cho? Và như vậy, câu chuyện lập hóa đơn cho món hàng vài trăm nghìn đồng so với một tài sản lớn lại không có nguồn gốc thu nhâp, chứng từ thuế như trong ví dụ cũng đang là vấn đề đặt ra. Chính sách thuế và quản lý thuế, quản lý thu nhập, tài sản cần phải được nghiên cứu thay đổi.
Theo bà, cần có những giải pháp gì?
Khi chúng tôi khảo sát chính sách thuế ở Pháp, cơ quan thuế đưa một tờ khai khi quyết toán thuế TNCN năm, gọi là tờ khai khai trước. Ví dụ: thông tin về anh X có lương từ doanh nghiệp, có thu nhập từ giảng dạy, có thu nhập từ cho thuê nhà, có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán,... đều được cơ quan thuế biết rõ.
Cơ quan thuế đưa ra cho anh X và họ yêu cầu khai đầy đủ thêm những thông tin còn thiếu. Họ nắm đến mức độ chi tiết như thế. Nhưng mình bây giờ chưa nắm thu nhập bao nhiêu. Việc mua bán bất động sản, tài sản hàng chục tỷ đồng, thanh toán bằng tiền măt, đô la Mỹ, vàng,... được tất. Làm sao cơ quan thuế có thể quản lý được thu nhập như Pháp, Nhật và các quốc gia khác được. Vấn đề quản lý phải theo dòng tiền, hàng, quản lý được doanh thu, thu nhập.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét