Làm sao để đặc khu hút về những nguồn lực cao nhất của thế giới, những nhà đầu tư hạng nhất, những công dân hạng nhất.
Tại hội thảo Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) sáng nay, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT cho biết, đặc khu là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, dưới đặc khu có các khu hành chính.
Đặc khu không tổ chức như một cấp chính quyền có đầy đủ HĐND, UBND mà phân cấp mạnh thẩm quyền cho trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và chịu sự giám sát của HĐND, UBND cấp tỉnh.
Mô hình đặc khu kinh tế
Áp HĐND, UBND vào thì còn gì là đặc khu
Nguyên Phó viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển, Bộ KH-ĐT Nguyễn Bá Ân cho rằng: “Quan trọng là phải có tư duy đột phá về tổ chức hành chính cho đặc khu không hoàn toàn giống luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nếu áp HĐND, UBND vào đặc khu thì không thành công”.
Theo ông, quan trọng là có một thể chế hành chính hiện đại, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư. Trao đủ quyền của Thủ tướng, bộ ngành, tỉnh vào đây. Thậm chí, đặc khu phải có thẩm quyền vượt cả cấp tỉnh.
Còn để giám sát quyền lực, ông Ân cho rằng, Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng đặc khu là cơ chế giám sát tốt. Đây là cơ chế giám sát theo quyết định hành chính. Ngoài ra còn có HĐND cấp tỉnh, hội đồng giám sát tư vấn sẽ giám sát được. Còn phương án bầu trực tiếp chắc là khó.
Ông Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng điều quan trọng nhất khi xây dựng dự luật này là phải tạo ra được mô hình đảm bảo để đặc khu sẽ trở thành một hình mẫu vượt hẳn lên thông lệ.
“Làm sao để đặc khu không phải để thu hút đầu tư trong nước mà để hút những nguồn lực cao nhất của thế giới. Đó phải là những nhà đầu tư hạng nhất, những công dân hạng nhất”, ông nhấn mạnh.
Ông Thiên đề nghị, việc soạn thảo cơ chế phải nhằm vào mục đích phục vụ việc này thì mới tạo được sức cạnh tranh cho các đặc khu so với Hồng Kông, Ma Cao, Thâm Quyến xung quanh.
Vì vậy, ông cho rằng thiết kế luật này phải xem xét các điều kiện có đảm bảo cho kinh tế thị trường, đủ sức mạnh hấp dẫn nhà đầu tư, những người ưu tú vào đây không. Còn gò bó giống như các địa phương khác làm sao đột phá được.
Kiểm soát quyền lực thế nào?
PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Vusta) thắc mắc tại sao chỉ có 3 vùng này (Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong) là đặc khu. Tại sao không có luật về đặc khu chung để trong tương lai nơi nào cần thì thành lập.
Ông Hoàng Ngọc Giao
Nói về việc trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm nhưng lại do tỉnh giám sát, ông lưu ý: “Kể cả HĐND tỉnh có giám sát trưởng đặc khu cũng khó làm. HĐND giám sát chính quyền cấp tỉnh còn chưa làm được, rất hình thức, thì có giám sát đặc khu được không?”.
Ông cũng lưu ý đến việc chống nhóm lợi ích, khi trao hết quyền cho trưởng đặc khu thì việc giám sát, kiểm soát quyền lực như thế nào?
“Tôi cũng không tin tưởng vào hội đồng giám sát tư vấn, chưa kể đến việc dễ bị lợi ích nhóm kiểm soát”, ông Giao nói.
Vì vậy ông đề nghị cần phải có tư duy đột phá để kiểm soát quyền lực. “Tôi đề nghị vẫn có HĐND nhưng phải tổ chức khác đi. Khác ở chỗ trưởng đặc khu và trưởng khu hành chính không tham gia HĐND và để dân trực tiếp bầu HĐND. Trưởng đăc khu hành chính cũng bầu trực tiếp như thị trưởng để dân giám sát”, ông đề xuất.
Ngoài ra, theo ông Giao có thể giám sát tốt chính là thanh tra, kiểm toán phải trực thuộc HĐND. “Nếu không kiểm soát lợi ích nhóm len lỏi vào đây, 3 đặc khu dễ dàng trở thành miếng mồi ngon”, ông cảnh báo.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH bắt lỗi khi dự luật quy định, trưởng đặc khu chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, trước Thủ tướng, HĐND cấp tỉnh nhưng lại không phải do HĐND tỉnh bầu ra.
Ông cũng thắc mắc khi mục tiêu của dự luật là tạo cho trưởng đặc khu một vị thế đặc biệt, ít phụ thuộc để có thể quyết định, thúc đẩy việc thu hút đầu tư nhưng các quy định đưa ra lại cho thấy trưởng đặc khi rất phụ thuộc vào chủ tịch UBND và HĐND tỉnh.
“Tôi muốn mô hình đặc khu mà tổ chức chính quyền chính là HĐND và UBND cấp tỉnh, hợp hiến. Trưởng đặc khu phải đảm bảo không phụ thuộc vào UBND tỉnh mà độc lập, do HĐND bầu ra, Thủ tướng phê chuẩn”, GS Đường nói.
Sẵn sàng bãi nhiệm, miễn nhiệm, từ chức
“Phải đổi mới tư duy đi”, TS Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP cũng nói và đề nghị phải trao cho đặc khu thể chế đặc biệt và giao cho cá nhân trưởng đặc khu thực hiện.
“Phải suy nghĩ vượt ra ngoài, không nên đặt ra cứ phải có HĐND bên cạnh. Tôi nghiêng về phương án đặc khu trong cơ chế độc lập hoàn toàn và chịu điều chỉnh của pháp luật riêng dành cho nó và để trưởng đặc khu chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Khải nói.
Ông cho rằng đã cho đặc thù thì phải xung đột, quyền của mỗi bộ ngành có thể đụng chạm nhưng cứ quyền anh quyền tôi rất khó làm.
“Phải sẵn sàng đưa các khái niệm bãi nhiệm, miễn nhiệm, từ chức vào đây. Nên để ông trưởng đặc khu có đặc quyền riêng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và có giám sát”, TS Khải nhấn mạnh.
Dù vậy, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao vẫn băn khoăn: “Trưởng đặc khu với quyền hạn lớn, bộ máy có đủ năng lực thực thi không? Thủ tướng bổ nhiệm trưởng đặc khu theo tiêu chí nào. Nếu trưởng đặc khu không đáp ứng thì bãi nhiệm thế nào, từ chức ra sao?
Ông gợi ý nên quy định trưởng đặc khu như một giám đốc điều hành không được làm chính sách, không phê duyệt dự án và phải kiểm soát bên ngoài chứ không thể kiểm soát trong nội bộ hệ thống hành pháp.
“Đặc khu phải có thẩm quyền vượt trội so với các cơ quan hành chính khác. Còn cứ quy định giống như các đơn vị hành chính khác thì không cần làm luật này nữa. Luật này tuân thủ theo phương thức hiện nay thì đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt không còn cái đuôi 'đặc biệt' phía sau nữa”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét