Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017


Ông Dương Trung Quốc nhận xét: "Chúng ta vẫn cứ nhắc đến nguyên lý cổ điển 'không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng', nhưng đây là nguyên lý có giá trị đạo lý, ứng xử xã hội. Còn hiện nay chúng ta lại sợ thiếu và chỉ sợ cào bằng thôi".






Tham gia thảo luận tại Hội trường sáng ngày 20/11 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, cơ chế đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh không phải là chín mùi mà đã là “chín mõm” tức là chín đến mức nhũn rồi, không thể kéo dài nữa.

Theo đại biểu, Tp.HCM từ xưa đã là nơi phát triển mạnh. Từ 3 thế kỷ nay, phương Nam đã được nhìn nhận là tiềm năng, triều Nguyễn thời kỳ đầu đã biến khu vực Nam Bộ thành vựa lúa lớn của cả nước, là vùng xuất khẩu lúa gạo quan trọng của khu vực.

Đến thời Pháp thuộc, người Pháp sau khi chiếm Sài Gòn đã phá Sài Gòn xưa nhưng lại phát triển Sài Gòn mới với các thủy xưởng năng động, mạnh mẽ. Năm 1861 người Pháp đã có bản quy hoạch thành phố đầu tiên với tầm nhìn 500.000 dân, sau đó có điều chỉnh nhưng vẫn duy trì đến tận năm 1939. Cảng Sài Gòn đã được mở thành cảng tự do và nhanh chóng trở thành trung tâm của khu vực, đến năm 30 của thế kỷ trước đã xếp thứ 8 trong số các cảng của Pháp và thuộc địa trên thế giới.

Từ 1864, người Pháp đã nói rằng, Sài Gòn không những có vai trò chiến lược về chính trị, quân sự mà còn là kho hàng lớn nhất của Viễn Đông, trong khi đó Singapore thời điểm ấy chỉ như “làng chài”.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nói vậy để thấy người Pháp đã nhìn thấy và đánh giá rất cao tiềm năng của Tp. Hồ Chí Minh, và tầm nhìn là rất quan trọng.

Từ khi độc lập đến nay, Sài Gòn nói riêng, nền kinh tế nói chung đã đối mặt với nhiều khó khăn, dù vẫn phát triển nhưng thành phố còn ràng buộc trong cái chung, ràng buộc bởi các cơ chế không khác so với các địa phương khác.

"Chúng ta vẫn cứ nhắc đến nguyên lý cổ điển không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, nhưng đây là nguyên lý có giá trị đạo lý, ứng xử xã hội thôi. Còn hiện nay chúng ta lại sợ thiếu và chỉ sợ cào bằng thôi. Với nghị quyết lần này được thông qua, chúng ta không chỉ mở cho TP.HCM, và TP.HCM cũng không chỉ mang về lợi ích vật chất cho nền kinh tế, mà quan trọng hơn chính là cơ chế.

Tôi tin rằng không cần phải tới 5 năm, nếu chúng ta làm tốt thì sớm thôi, thì sự thành công của TP.HCM sẽ nhân rộng ra cả nước” – đại biểu nói và thêm rằng, ngay cả Hà Nội có luật Thủ Đô nhưng vẫn còn nhiều ràng buộc lắm, sự thành công của TP.HCM sẽ đem đến sự bứt phá cho Hà Nội và cả nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh rằng, trong công tác thí điểm cũng cần phải có cơ chế giám sát, và đại biểu kỳ vọng cơ chế thí điểm đối với TP. Hồ Chí Minh sẽ kết thúc thắng lợi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét