Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017


Sáng nay (17/11), Bộ trưởng bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn trước Đại biểu Quốc hội.






Một số đại biểu đặt câu hỏi về thông tin xấu, độc vẫn tồn tại trên mạng xã hội như Facebook, Youtube ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Internet, mạng xã hội là xu thế phát triển chung của thế giới, mà Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế này.

"Chúng ta nên nhìn nhận đúng đắn hơn. Khi internet, mạng xã hội ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Đó là công cụ kết nối mọi người đến gần nhau, đồng thời là kho kiến thức đồ sộ của mạng xã hội mang kiến thức về cho tất cả mọi người", Bộ trưởng cho biết.

Theo bộ trưởng Tuấn, vai trò của mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung là không thể phủ nhận, chúng ta không thể bỏ qua lợi ích của nó.

Tuy nhiên, song song với lợi ích, mạng xã hội cũng phát sinh nhiều vấn đề nan giải như: thông tin giả, thông tin bôi nhọ, xâm phạm đời tư, khiêu dâm,... đang ngày càng phát triển. Từ 2014 đến nay có ít nhất 5, 6 trường hợp tự tử vì bôi xấu trên mạng xã hội. Nghĩa là bên cạnh năng lượng tốt mang lại, mạng xã hội cũng có những nguồn năng lượng xấu, và đang phát triển nhanh.

Vậy có nên dùng mạng xã hội nữa không?

"Chúng ta cần nhìn nhận rõ. Mạng xã hội tự thân nó chỉ là công cụ. Trên đó cũng có người tốt, kẻ xấu, thậm chí là kẻ cướp. Nhưng chúng ta đừng nên coi dùng mạng xã hội là xấu, ý thức người dùng mạng xã hội mới là vấn đề", Bộ trưởng Tuấn đánh giá.

Hiện tại, có gần 70% dân Việt nam dùng Internet. Khi dùng Facebook như thế thì hầu hết người dùng vẫn là người tốt. Chỉ có một bộ phận nhỏ có mục đích xấu. Nhưng năng lượng của nhóm này đã ảnh hưởng rất lớn tới Mạng xã hội.

Theo Bộ trưởng, mấu chốt ở đây, là phải lan tỏa được năng lượng tốt và hạn chế được nguồn năng lượng xấu.

Để đẩy mạnh thông tin tích cực, trong thời gian qua, Bộ 4T đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan làm rõ một số vấn đề sau:

- Phối hợp, tuyên truyền làm rõ tiện ích, vai trò to lớn của MXH, nhưng cũng nói rõ hạn chế.

- Làm việc với các MXH nước ngoài: Facebook, Google (Youtube). Yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ đã gỡ bỏ gần 5.000 clip trên Youtube. Những clip xâm hại đến quyền lợi của cá nhân, Đảng, Nhà nước...

- Tăng cường hoạt động của MXH trong nước, hệ thống 300 trang MXH

- Phối hợp với cơ quan Nhà nước để đẩy mạnh thông tin trên các kênh báo chí. Báo chí hiện nay đang có tình trạng bị mạng xã hội dẫn dắt. Báo chí phải là hạt nhân định hướng thông tin đúng trên mạng xã hội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét