Sự thật về nền kinh tế Zimbabwe, quốc gia có giá Bitcoin lên tới 13.000 USD
Theo hãng tin Bloomberg, giá tiền ảo Bitcoin ở Zimbabwe đã tăng mạnh lên hơn 13.000 USD, cao gần gấp đôi giá Bitcoin trên thế giới, sau khi có tin quân đội đảo chính. Vậy tại sao nền kinh tế Zimbabwe, vốn từng là một quốc gia phát triển so với các nước láng giềng Châu Phi lại lâm vào tình trạng này?
Nguyên nhân chính của vụ việc là do mâu thuẫn về chính trị, lợi ích giữa các phe phái ở Zimbabwe. Tổng thống Robert Mugabe đã cầm quyền ở quốc gia này từ thập niên 80 và nền kinh tế Zimbabwe chỉ có đi xuống. Dẫu vậy nhờ sự hậu thuẫn của quân đội cũng như những thủ đoạn chính trị, nhà cầm quyền này vẫn tại vị được hơn 30 năm.
Tuy nhiên, ông Mugabe hiện đã 93 tuổi và chính việc tranh giành quyền lực của những phe phái chính trị đã dẫn đến cuộc đảo chính vừa qua. Quân đội đã kiểm soát thủ đô Harare, bố trí xe tăng cũng như bắt giữ Tổng thống Mugabe tại nhà riêng.
Con đường quyền lực
Tổng thống Mugabe trúng cử trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia độc lập Zimbabwe vào năm 1980 sau nhiều năm phải ngồi tù do những quan điểm chính trị giải phóng dân tộc của mình. Tầm ảnh hưởng của ông Mugabe thời gian này khá lớn khi ông được nhiều người dân coi như một Nelson Mandela của Zimbabwe, người có thể dẫn dắt đất nước sau nhiều thập niên bị cai trị bởi thực dân Anh cũng như người da trắng.
Thời kỳ này, Tổng thống Mugabe được cộng đồng quốc tế ghi nhận nhờ những cố gắng trong công cuộc cải thiện giáo dục, y tế trong nước. Xuất khẩu của Zimbabwe đã dần tăng trưởng ổn định với các mặt hàng nông sản cũng như công nghiệp. Quốc gia này cũng nổi tiếng về sản phẩm thuốc lá bởi thời tiết rất thuận lợi cho việc trồng và thu hoạch loại cây này quanh năm.
Tổng thống Robert Mugabe
Mặc dù vậy, tình hình chính trị của Zimbabwe xấu dần đi khi bước vào thập niên 1990. Việc Tổng thống Mugabe ép buộc những chủ đồn điền da trắng giao nộp đất đai để tái phân phối vào năm 1992 đã tạo nên cơn địa chấn cho nền kinh tế Zimbabwe. Mặc dù mục tiêu chính của động thái này là chấm dứt hàng thập niên kiểm soát đất đai của người da trắng và phân phối lại tại sản cho những người da màu nhưng cách thực hiện của chính phủ lại không phù hợp.
Quyết định của ông Mugabe khi đó đã khiến rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Zimbabwe. Hình ảnh của đất nước bị suy giảm trong khi nhiều người dân địa phương bị kích động tràn vào các đồn điền để cướp bóc, gây nên tình trạng hỗn loạn, qua đó hủy hoại hoàn toàn nền nông nghiệp phát triển của đất nước.
Kể từ đây, uy tín của Tổng thống Mugabe bắt đầu đi xuống và rất nhiều người đã cáo buộc nhà lãnh đạo này sử dụng quân đội cũng như hối lộ nhằm duy trì quyền lực của mình.
Chìm dần vào bóng tối
Sang đến thập niên 2000, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ việc phân phối đất đai, Tổng thống Mugabe kiên trì buộc các chủ đồn điền da trắng phải giao nộp tài sản. Nhà lãnh đạo này đã buộc 4.000 chủ đồn điền da trắng phải từ bỏ đất đai của họ và ngay lập tức sản lượng nông nghiệp của Zimbabwe đã giảm mạnh chỉ trong vài ngày.
Giám đốc quỹ đầu tư Silk Invest tại Châu Phi, ông Funmi Akinluyi nhớ lại rằng người dân Zimbabwe khi đó đã lầm vào nạn đói ngay lập tức do thiếu hụt nguồn lương thực.
Tồi tệ hơn, việc thu hồi đất đã hủy hoại hệ thống nống nghiệp, khiến vụ mùa không thể thu hoạch trong 2 năm liên tiếp, đi kèm với tình trạng hạn hán đã dẫn đến nạn đói tồi tệ nhất ở Zimbabwe trong hơn 60 năm.
Trong cơn bão khan hiếm lương thực đó, ngân hàng trung ương nước này đã in tiền vô tội vạ để nhập khẩu thực phẩm, dẫn đến tỷ lệ lạm phát tăng phi mã. Vào thời kỳ đỉnh điểm, giá cả tăng 100% sau mỗi ngày.
Zimbabwe phải từ bỏ đồng nội tệ của mình do siêu lạm phát
Vào năm 2008 khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, số liệu của Viện Cato cho thấy tỷ lệ lạm phát theo tháng ở Zimbabwe đạt 7,9 tỷ %. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, hệ thống dịch vụ công tê liệt và nền kinh tế Zimbabwe giảm 18% trong năm đó.
Đến năm 2009, Zimbabwe buộc phải từ bỏ đồng nội tệ của mình để chuyển sang sử dụng đồng USD, đồng Rand của Nam Phi và 7 đồng ngoại tệ khác để giao dịch.
Bước sang năm 2010, Tổng thống Mugabe phải chịu lệnh trừng phạt của quốc tế trước nhưng động thái cướp đoạt tài sản của người da trắng. Để đáp lại, ông Mugabe đe dọa quốc hữu hóa những quỹ đầu tư nước ngoài tại đây, qua đó càng khiến các nhà đầu tư sợ hãi rời bỏ đất nước này.
Không dừng lại ngành nông nghiệp, chính phủ Zimbabwe hiện đang chuyển hướng sang mảng khai khoáng khi yêu cầu tất cả các mỏ khai thác kim cương ngừng hoạt động và giao nộp tài sản để quốc hữu hóa hoạt động.
Động thái này tiếp tục gây hỗn loạn trên thị trường đầu tư Zimbabwe. Các ngân hàng quốc tế đã tháo chạy khỏi đây vào năm 2016 và Zimbabwe đang gặp khó trong việc tìm kiếm ngoại hối, từ đồng USD cho đến những đồng ngoại tệ khác nhằm duy trì giao dịch trong nước. Vào năm 2016, Zimbabwe thậm chí đã phải phát hành trái phiếu trị giá 1 USD để đảm bảo hoạt động thanh toán, lưu thông nội địa khi nền kinh tế này chỉ dùng đồng USD và ngoại tệ.
“Họ có kim cương, than đá, đồng , quặng sắt… bất kể loại khoáng sản nào họ đều có. Tôi nghĩ rằng Zimbabwe hoàn toàn có khả năng thay đổi tình hình kinh tế nếu có một nhà lãnh đạo mới”, Giám đốc Akinluyi luyến tiếc khi nói về Zimbabwe, một quốc gia với đầy tiềm năng phát triển.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét