Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017


Tuy nhiên, trên một số phương diện, nền kinh tế lớn nhất khu vực này vẫn “đuối” so với các quốc gia khác...






Indonesia đang trên đà trở thành nền kinh tế có quy mô 1 nghìn tỷ USD đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trên một số phương diện, nền kinh tế lớn nhất khu vực này vẫn “đuối” so với các quốc gia khác.

Theo hãng tin Bloomberg, Indonesia hiện vẫn đang thua kém các nước trong khu vực về phát triển cơ sở hạ tầng, cán cân ngân sách, và xóa đói giảm nghèo. Những tồn tại này vẫn còn đó dù kinh tế Indonesia đã tăng quy mô gấp hơn 2 lần trong một thập kỷ qua, đạt mức 932 tỷ USD.

Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo dự báo kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, và tăng 5,4% trong năm 2018 - mức cao nhất trong 5 năm.

Quy mô không phải là tất cả. Sau 8 lần hạ lãi suất từ đầu năm ngoái, nền kinh tế Indonesia vẫn chưa thể tăng tốc. Tăng trưởng tín dụng vẫn ì ạch, trong khi Ngân hàng Trung ương nước này dự báo lạm phát sẽ còn giữ ở mức thấp trong một khoảng thời gian. Nền kinh tế của quốc gia gồm hơn 17.000 hòn đảo này cũng thiếu sự thống nhất, có nơi tăng trưởng âm nhưng cũng có nơi tăng trên 7%.

Việc giữ tốc độ tăng trưởng bền vững sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Indonesia thu hút nhà đầu tư nước ngoài vốn đang “ngấp nghé” trở lại nước này 20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Dự trữ ngoại hối của Indonesia hiện đang ở mức cao kỷ lục 129 tỷ USD.

Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Jokowi đã đẩy mạnh đầu tư vào đường xá và cảng biển. Tuy nhiên, sự thiếu hụt lớn về hạ tầng khiến những nỗ lực này mới chỉ như “muối bỏ bể”, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Indonesia phải chi 1,5 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng nữa mới đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, trong đó 500 tỷ USD cần được đầu tư trong 5 năm tới.

Về ngân sách, tỷ trọng đóng góp của nguồn thu từ thuế vào GDP của Indonesia vào hàng thấp nhất trong khu vực. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính tỷ trọng này của Indonesia vào khoảng 12% ở thời điểm cách đây 2 năm. Hiện nay, theo số liệu của Chính phủ Indonesia, con số này thậm chí giảm còn 10,3% và Jakarta đặt mục tiêu nâng lên 16% vào năm 2019.

Thu thuế thấp gây sức ép ngân sách đối với Chính phủ Indonesia, trong khi họ phải giữ mức thâm hụt dưới 3% GDP. Tổng thống Jokowi đã phải cắt giảm chi tiêu vào tháng 7 năm nay khi mức thâm hụt tăng lên 2,9% GDP.

Một thách thức lớn nữa là Indonesia hiện có khoảng 28 triệu dân hiện sống dưới ngưỡng nghèo. Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ nghèo ở nước này tính đến tháng 3 năm nay là 10,6%, chỉ giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, theo WB, hơn 60 triệu người Indonesia đang đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Tiền lương tháng trung bình ở Indonesia đã tăng 24% trong vòng 1 năm tính đến tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm thu nhập cao hơn vẫn có thu nhập tăng nhanh hơn những nhóm thu nhập thấp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét