Chủ tịch Hà Nội chính thức nói về xây cao ốc 70 tầng khu vực ga Hà Nội
“Tôi dám khẳng định, những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy hoạch ga Hà Nội không có lợi ích nhóm...”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Đề xuất xây cao ốc 70 tầng khu vực ga Hà Nội: Ngược quy hoạch, hạ tầng có đủ sức gánh? Thủ tướng yêu cầu thận trọng khi quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội Đồ án khu vực ga Hà Nội chưa tính nhu cầu giao thông
Bác có lợi ích nhóm trong quy hoạch ga Hà Nội
Sáng nay (18/11), tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, xung quanh vấn đề quy hoạch khu ga Hà Nội , Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin và trả lời câu hỏi của cử tri.
Ông Chung cho biết, xung quanh ga Hà Nội đang có 5 dự án được thực hiện: Một là dự án tuyến đừng sắt số 3, từ Nhổn – Trần Hưng Đạo; Tuyến đường sắt số 1, chạy từ Yên Viên đi Ngọc Hồi; Dự án cải tạo xung quanh hồ Linh Quang; Dự án kéo dài đường Trần Quý Cáp; Chương trình cải tạo chung cư cũ có khu chung cư cũ Văn Chương đang được nghiên cứu.
Theo ông Chung, 5 dự án này đang rời rạc nhau. Từ năm 2015, thành phố đặt vấn đề với các đơn vị tư vấn nghiên cứu tích hợp 5 dự án này làm một. “Họ mới đưa ra phương án và có cụm từ quy hoạch ga Hà Nội và các vùng phụ cận. Quy hoạch ga Hà Nội là hoàn toàn phục vụ ga Hà Nội. Trong khu vực ga Hà Nội này thì giữ nguyên nhưng có xây dựng một số tòa nhà văn phòng để phục vụ cho các đơn vị quản lý của ga sau này, và các đơn vị hành chính của Bộ GTVT hoặc là các đơn vị hành chính khác. Sau này phát triển các dịch vụ đi kèm với ga chứ hoàn toàn không đưa dân vào trong khu vực ga. Tôi dám khẳng định như vậy”, ông Chung nói.
Theo Chủ tịch Hà Nội, xung quanh vấn đề quy hoạch ga trung tâm, các cử tri có hỏi, dư luận cũng đặt vấn đề có lợi ích nhóm hay không? “Tôi dám khẳng định, những vấn đề liên quan thực hiện quy hoạch ga Hà Nội không có lợi ích nhóm. Những người làm quy hoạch này, tôi chịu trách nhiệm vấn đề này. Khi triển khai chỉ đạo của Trung ương, cũng nhưng chỉ đạo của Bộ GTVT, chỉ đạo của Thành ủy, là hoàn toàn chúng ta thuê tư vấn đơn vị của Nhật Bản”, ông Chung nhấn mạnh.
Theo ông Chung, đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch không gian. Họ nghiên cứu từ năm 2012. Vừa qua họ mới đưa ra phương án, hoàn toàn giữ nguyên ga Hà Nội chứ không có cải tạo hay đập phá ga này.
Lý giải việc “xóa sổ” nhà máy nước xây cao ốc
Đề cập việc, vừa qua dư luận có nói lấy nhà máy nước sạch (nhà máy nước Ngô Sỹ Liên-PV), ở khu này hay không? Theo lý giải của lãnh đạo Hà Nội, chương trình, kế hoạch của thành phố sẽ không sử dụng nước ngầm, do đó có những nhà máy nước ngầm phải đóng cửa, trong đó có nhà máy nước Ngô Sỹ Liên này.
Trả lời câu hỏi của cử tri, theo quy định của TP Hà Nội là xây dựng nhà ở khu vực ga Hà Nội không quá 18 tầng nhưng Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội mới đây đã trả lời báo chí là do tái định cư tại chỗ nên nhà phải xây dựng từ 40 – 70 tầng mới đáp ứng được?
Về việc này, ông Chung cho biết, theo Quyết định 11, do ông ký vào ngày 6/5/2016, tại khu vực lân cận được chiều cao tối đa là 18 tầng. Khi cải tạo chung cư cũ, các nhà tư vấn đưa ra phương án tạo ra khu đô thị đồng bộ và kết nối hệ thống giao thông đường sắt của Hà Nội kết nối với xe buýt sau này cũng như nâng mật độ giao thông ở đây. Hiện nay giao thông 8,5%, sau này nâng lên 23%. Tạo ra không gian đi bộ và trung tâm thương mại ở xung quanh ga này.
Chủ tịch Hà Nội lý giải việc di dời nhà máy nước sạch Ngô Sỹ Liên để xây dựng nhà cao tầng
Đây là phương án tư vấn đưa ra để lấy ý kiến của người dân để xem muốn đi hay tái định cư tại chỗ, (hơn 80% muốn tái định cư tại chỗ). “Do vậy, người ta đưa ra phương án giảm mật độ xây dựng thì phải nâng chiều cao công trình, trong đó có việc họ đề xuất. Và đây cũng chỉ là đề xuất của nhà tư vấn thôi chứ chưa phải là quyết định nếu 24 tầng và 18 tầng thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND TP phê chuẩn. Nếu cao hơn phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Chủ tịch Hà Nội lý giải.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét