Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017


Từ một làng chài nhỏ bé ven sông, Thâm Quyến giờ đã trở thành một trong những đầu tàu sáng tạo mạnh mẽ nhất tại Trung Quốc, được mệnh danh là "Silicon Valley của châu Á".






Mảnh đất cằn cỗi thuộc vùng đồng bằng sông Châu Giang với dân số khoảng 30.000 người vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước nay đã là điểm đến lý tưởng cho nhiều doanh nhân và nhà đầu tư toàn cầu. Theo số liệu năm 2016, hiện có gần 12 triệu người đang sinh sống và làm việc tại Thâm Quyến - đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc.

Phép màu mang tên "đặc khu kinh tế"

Theo số liệu từ sách "Đặc khu Kinh tế và Sự chuyển dịch Kinh tế Trung Hoa" (Special Economic Zones and the Economic Transition in China) của giáo sư Wei Ge thuộc Đại học Bucknell (Pennsylvania, Hoa Kỳ), GDP trung bình của Thâm Quyến đạt mức tăng trưởng 40% mỗi năm từ 1981 đến 1993, so với mức 9,8% cả nước. Còn trong giai đoạn 2001 - 2005, GDP ước tính đạt mức tăng trung bình 16,3%.

Từ năm 2012 đến nay, dù tốc độ phát triển đã chậm lại nhưng Thâm Quyến vẫn đạt mức tăng 10% GDP hằng năm, chỉ đứng sau 3 trung tâm lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Theo báo cáo, GDP năm 2016 của Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD và tổng sản lượng kinh tế vượt qua cả Bồ Đào Nha và Cộng hòa Ireland.

Ông Michael Parker - Trưởng phòng Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Sanford C. Bernstein & Co - dự đoán GDP của Thâm Quyến vào năm tới sẽ đạt 350 tỷ USD, vượt qua cả "người hàng xóm" Hong Kong tới 5 tỷ USD.

Năm 2017, theo xếp hạng "Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu" (GFCI), Thâm Quyến đứng thứ 22 trong số những trung tâm tài chính có sức cạnh tranh nhất trên thế giới. Chỉ tính riêng trong khu vực thương mại thì hầu hết những ngân hàng lớn ở Trung Quốc như Ping An Bank hay China Merchants Bank đều có trụ sở chính đặt tại nơi này.

"Đất lành" cho thiết kế và công nghệ

Theo Hiệp hội Nghề Thiết kế công nghiệp Thâm Quyến (SIDA), vào cuối năm 2016, đặc khu kinh tế này đã quy tụ hơn 500 tập đoàn lớn chuyên về thiết kế công nghiệp cũng như 1.500 công ty thiết kế và cơ quan quy hoạch dự án. Hiện trên toàn Thâm Quyến có xấp xỉ 4.000 phòng sáng tạo trực thuộc các cơ sở chế tạo sản phẩm với gần 150.000 nhân viên.

Năm ngoái, giá trị sản xuất của ngành thiết kế công nghiệp tại Thâm Quyến vào khoảng 6,9 tỷ CNY (chưa bao gồm cơ sở không chuyên), đạt mức tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, chỉ riêng ngành thiết kế công nghiệp tại Thâm Quyến đã đóng góp giá trị tương đương 100 tỷ CNY cho nền kinh tế Trung Quốc.

Một trong những điểm nổi bật làm nên Silicon Valley chính là sự chào đón nồng nhiệt của nó với các công ty startup - điều vốn được thể hiện rõ nét trong cả môi trường lẫn cung cách làm việc nơi đây. Thâm Quyến, nhờ những đổi mới dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, cũng đã làm được điều tương tự. Hiện, đặc khu kinh tế này là nơi đóng quân của nhiều "đại gia công nghệ" như Tencent, ZTE, Huawei, BYD và DJI.

Thâm Quyến còn là khu vực đầu tiên trên thế giới triển khai hệ thống "thành phố thông minh", cung cấp dịch vụ sạc pin thiết bị điện tử không cần dây nguồn tại một số địa điểm thông qua công nghệ cộng hưởng âm thanh đến từ AirFuel Alliance.

Bên cạnh đó, trong tương lai, Thâm Quyến sẽ là nơi triển khai chương trình hợp tác giữa tập đoàn Huawei và China Telecom mang tên "Thành phố Siêu tốc" (Gigaband City). Dự án này sẽ nâng cấp toàn bộ hệ thống băng thông của mạng cáp quang nơi này lên chuẩn 1 GB/s.

"Thí nghiệm" thành công

Với cương vị là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, Thâm Quyến luôn giành được nhiều sự ưu ái và hậu thuẫn từ phía chính quyền. Được ví như một "phòng thí nghiệm" khổng lồ, Thâm Quyến được cho phép chủ động trong triển khai kế hoạch phát triển, mức thuế và cả phạm vi hoạt động để có thể thu hút vốn đầu tư cũng như công nghệ nước ngoài.

Cụ thể, các nhà hoạch định chiến lược của Thâm Quyến sẵn sàng ký kết những thương vụ đầu tư với công ty nước ngoài dù cho đó có thể là quyết định vượt cấp. Bên cạnh đó, họ cũng chủ động xây dựng khung pháp lý phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp quốc tế. Để đạt mục tiêu thu hút nguồn nhân lực, Thâm Quyến áp dụng cơ chế linh hoạt trong vấn đề hợp đồng lao động và không có sự phân biệt giữa người lao động đến từ nơi khác hay tại địa phương.

Góp phần cho vị thế đầu tàu như hiện nay, phải kể đến tác động không nhỏ từ các chính sách kích thích phát triển công nghệ cao tại đặc khu kinh tế này. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao sẽ không phải đóng thuế thu nhập trong 2 năm đầu và được giảm 50% thuế cho 8 năm tiếp theo.

Ngoài ra, các startup còn được giảm 50% tiền thuê đất. Với mỗi trung tâm nghiên cứu, Thâm Quyến sẽ hỗ trợ 5 triệu CNY từ ngân sách quốc gia và 3 triệu CNY từ tiền của thành phố. Theo tờ South China Morning Post, từ năm 2013, Thâm Quyến dành ra khoảng 4% GDP cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), gấp đôi mức trung bình cả nước.

Song song với việc chi mạnh tay cho nghiên cứu và phát triển, Thâm Quyến cũng nỗ lực không ngừng trong củng cố và bảo vệ "quyền sở hữu trí tuệ” (IPR). Tháng 4 năm nay, trung tâm bảo vệ IPR đầu tiên của Trung Quốc đã được thiết lập tại Thẩm Quyến nhằm phục vụ 5 lĩnh vực có liên quan: Cơ sở dữ liệu IPR trong thiết kế công nghiệp, hỏi đáp trực tuyến, tư vấn IPR, hòa giải tranh chấp và huấn luyện về IPR.

Nếu mọi thứ tiếp tục đi theo hướng đó, Thâm Quyến được cho là sẽ sớm vượt qua Silicon Valley "bản gốc" của Hoa Kỳ về đổi mới sáng tạo.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét